Giới trẻ Nhật trượt dài với quan niệm "bố mẹ Gacha", đổ lỗi cho phụ huynh vì tin rằng có cố gắng cũng không bằng người sinh ở vạch đích

06/10/2021 20:45 PM | Xã hội

Quan điểm và thái độ sống này đã khiến ngày càng nhiều thanh niên Nhật sống tiêu cực và không còn muốn cố gắng.

Có câu nói rằng "Không ai có quyền lựa chọn cha mẹ hoặc nơi mà mình sinh ra nhưng có thể tự lựa chọn cho mình cách sống". Thế nhưng quan điểm này hiện nay đã bị một bộ phận thanh niên, những người trẻ tuổi tại Nhật Bản bác bỏ.

Giới trẻ Nhật trượt dài với quan niệm bố mẹ Gacha, đổ lỗi cho phụ huynh vì tin rằng có cố gắng cũng không bằng người sinh ở vạch đích - Ảnh 1.

Cách đây không lâu, từ khóa "bố mẹ Gacha" đã trở thành từ hot trên internet, được rất nhiều người quan tâm tìm kiếm sau khi chương trình truyền hình tại Nhật thực hiện một số cuộc khảo sát với các thanh niên.

Gashapon hay Gachapon vốn là một trò chơi cực kỳ nổi tiếng tại Nhật và nhiều nước châu Á. Người chơi sẽ dùng đồng xu cho vào những chiếc máy có các quả trứng chứa đồ chơi. Chỉ cần xoay nút, họ sẽ nhận được một quả trứng với món đồ chơi ngẫu nhiên bên trong.

Hiểu đơn giản thì Gachapon là một trò chơi may rủi, người chơi sẽ không biết mình nhận được thứ gì bên trong quả trứng, dù họ có thích hay không.

Giới trẻ Nhật trượt dài với quan niệm bố mẹ Gacha, đổ lỗi cho phụ huynh vì tin rằng có cố gắng cũng không bằng người sinh ở vạch đích - Ảnh 2.

Đối với nhiều người trẻ tại Nhật Bản, họ cho rằng cuộc đời của họ cũng giống trò chơi Gachapon và họ không có quyền lựa chọn. Những người may mắn sẽ được sinh ra với khuôn mặt xinh đẹp, có bố mẹ giàu có, có chỉ số IQ cao hoặc những tài năng thiên phú...

Và những người kém may mắn sẽ chẳng có được bất cứ ưu điểm nào và vì vậy việc họ gặp thất bại và khó khăn trong cuộc sống cũng là lẽ đương nhiên.

Quan điểm và thái độ sống này đã khiến ngày càng nhiều thanh niên Nhật sống tiêu cực và không còn muốn cố gắng bởi họ tin rằng dù làm việc chăm chỉ đến đâu thì vẫn không bằng những người may mắn được sinh ra đã ở vạch đích.

Từ sự bất mãn với bản thân và cuộc sống, họ bắt đầu đổ lỗi cho bố mẹ mình. Dường như mọi điều không vừa ý xảy đến với họ đều do bố mẹ đã ban cho. Tất cả mọi khía cạnh từ ngoại hình cho đến học thức, điều kiện kinh tế... những thanh niên này cho rằng mọi thất bại của họ thực chất đều không phải do bản thân họ quyết định mà đã được định sẵn bởi bố mẹ.

Giới trẻ Nhật trượt dài với quan niệm bố mẹ Gacha, đổ lỗi cho phụ huynh vì tin rằng có cố gắng cũng không bằng người sinh ở vạch đích - Ảnh 3.

Một cô gái được phỏng vấn nói rằng vì bố mẹ không có điều kiện nên cô không còn cách nào khác là bỏ học đại học để đi làm, nhưng công việc hiện tại có mức lương không thỏa đáng và khiến cô không vui chút nào.

Một thanh niên khác chia sẻ anh ta có chiều cao khiêm tốn nên có nhiều bất lợi trong cuộc sống, khiến anh tự ti không dám nhìn mặt ai, suốt ngày gặp thất bại và nản lòng. Anh nói tất cả bất hạnh này đều là do anh thừa hưởng gien không tốt từ bố mẹ.

Nhiều bạn trẻ tin vào lý thuyết "bố mẹ Gacha" này nên dù thông minh đến mấy cũng không chịu khó học, dù có siêng năng, có năng lực cũng không còn phấn đấu cầu tiến.

Theo phân tích của một nhà xã hội học, nguyên nhân chủ yếu tạo nên quan điểm tiêu cực này là do những năm gần đây kinh tế Nhật không còn phát triển mạnh như xưa, nhiều người dù làm việc chăm chỉ nhưng không thể tìm được chỗ đứng trong xã hội vì vậy một thế hệ trẻ thay vì cật lực cố gắng, họ sẽ chọn cách nhàn hạ hơn chính là "trôi theo dòng đời" vì cho rằng số phận đã định cho họ phải như vậy.

Khả năng tiếp theo là do internet và mạng xã hội ngày càng phổ biến, giới trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy cuộc sống của bạn bè, những người xung quanh và bắt đầu có sự so sánh với bản thân mình để rồi cảm thấy bất công khi người khác sống tốt hơn, có điều kiện hơn...

Giới trẻ Nhật trượt dài với quan niệm bố mẹ Gacha, đổ lỗi cho phụ huynh vì tin rằng có cố gắng cũng không bằng người sinh ở vạch đích - Ảnh 4.

Quả thực gia đình khác nhau sẽ sinh ra những đứa trẻ ở các vị trí khác nhau nhưng không thể phủ nhận được một định lý rằng, chỉ cần có sự nỗ lực và quyết tâm kiên trì thì chắc chắn một người có thể thay đổi được số phận.

Vương Tâm Di, một sinh viên năm nhất tại đại học Bắc Kinh từng chia sẻ một bài viết khiến nhiều người xúc động và cảm phục. Trong bài viết của mình, Vương Tâm Di đã cảm ơn gia đình nghèo khó đã cho cô động lực để cố gắng hơn trong cuộc sống cũng như trong học tập.

Hoàn cảnh bất hạnh của gia đình không phải là cái cớ để Vương Tâm Di thất vọng, trách móc hay buông bỏ bản thân mà chính từ đó khiến cho cô biết trân trọng giá trị cuộc sống và chăm chỉ hơn nữa để vượt ra khỏi sự nghèo khó.

Thực tế có không ít tấm gương tài giỏi có xuất thân từ gia đình dưới mức bình thường. Bất kể là gia đình không có địa vị xã hội, gia cảnh nghèo khó hoặc sinh ra ở những vùng nông thôn lạc hậu với muôn vàn khó khăn, thế nhưng nhờ vào quyết tâm bền bỉ và sự nỗ lực hết mình, họ đã đạt được nhiều thành tựu phi thường, thật sự đã thay đổi phần đời còn lại của bản thân và của rất nhiều người khác.

Giới trẻ Nhật trượt dài với quan niệm bố mẹ Gacha, đổ lỗi cho phụ huynh vì tin rằng có cố gắng cũng không bằng người sinh ở vạch đích - Ảnh 5.

Quan điểm sống "bố mẹ Gacha" cũng là lời nhắc nhở đến với những bậc phụ huynh rằng việc giáo dục trong gia đình là vô cùng quan trọng. Bố mẹ hãy giúp con cái hiểu được rằng chỉ có nỗ lực của bản thân mới là thứ giúp chúng ta tiến lên phía trước và vượt qua mọi nghịch cảnh.

Bên cạnh đó, thói quen của rất nhiều bố mẹ chính là luôn so sánh con cái với "con nhà người ta", cố gắng ghim sự thất bại của bản thân vào con, hoặc trút hết mơ ước của mình vào tương lai của con.

Đây cũng là một phần gây nên áp lực đối với trẻ, khiến cho trẻ dễ dàng cảm thấy chán nản tuyệt vọng, mất đi niềm tin bảo bản thân mình và từ đó hình thành nên tư tưởng chẳng cần cố gắng vì "mình là kẻ thất bại".

(Nguồn: Toutiao)

Song Kỳ

Cùng chuyên mục
XEM