Giày Thượng Đình lỗ nặng sau cổ phần hóa: Cú trượt chân của doanh nghiệp già nua, không thoát nổi định kiến 'đồ bảo hộ lao động'

03/04/2018 14:22 PM | Kinh doanh

Có lợi thế lớn về mặt thương hiệu nhưng lại quá chậm đổi mới và không bắt kịp thời cuộc, Giầy Thượng Đình kinh doanh ngày càng bết bát.

Giày Thượng Đình là một trong số những thương hiệu có tuổi đời hàng chục năm của Việt Nam. Được thành lập từ năm 1957, giày Thượng Đình tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân nhu – Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng, dép cao su phục vụ quân đội. Tới năm 1978, xưởng đổi tên thành Xí nghiệp giày vải Thượng Đình và năm 1993 mới chính thức mang tên công ty giày Thượng Đình.

Trong thời kỳ bao cấp khó khăn, những người công nhân luôn được phát những đôi giày Thượng Đình đi kèm với các bộ đồ bảo hộ lao động. Những đôi giày bata màu xanh công nhân thời đó là lựa chọn không thể thiếu của rất nhiều gia đình.

Với hơn 60 năm tuổi đời, giày Thượng Đình "già dặn" hơn nhiều so với các thương hiệu giày khác tại Việt Nam, cả về mặt tuổi tác lẫn phong cách. Trong khi các doanh nghiệp liên tục phải thay đổi để bắt nhịp với thời kỳ hội nhập thì giày Thượng Đình gần như giậm chân tại chỗ và ngày càng tụt hậu. Cho dù giờ đây đã là thời đại công nghệ 4.0, giày Thượng Đình vẫn được tầng lớp trung niên gắn cái mác "đồ bảo hộ lao động", còn thanh niên, những người trẻ mua giày Thượng Đình chủ yếu để chơi thể thao như chạy bộ hay đá bóng vì giá rẻ.

Sự già nua và chậm đổi mới của giày Thượng Đình được thể hiện rõ qua số liệu kinh doanh. Giai đoạn 2011-2015, doanh thu giày Thượng Đình chỉ trên dưới 300 tỷ đồng và đang có xu hướng đi xuống suốt từ năm 2013 đến nay.

Năm 2016, giày Thượng Đình đã cổ phần hóa và chuyển đổi thành CTCP Giày Thượng Đình. Tuy nhiên, điều này không giúp kết quả kinh doanh của công ty được cải thiện. Kết thúc năm 2017, doanh thu giày Thượng Đình chỉ còn 203 tỷ đồng, chỉ đạt 2/3 kế hoạch đề ra.

Giày Thượng Đình lỗ nặng sau cổ phần hóa: Cú trượt chân của doanh nghiệp già nua, không thoát nổi định kiến đồ bảo hộ lao động - Ảnh 1.

Số liệu năm 2016 chỉ tính từ 19/7 đến 31/12 do Giầy Thượng Đình chuyển thành CTCP

Đáng buồn hơn cả, Giày Thượng Đình bất ngờ lỗ tới 13,6 tỷ đồng trong năm 2017. Các năm trước, dù kinh doanh đi ngang nhưng Giày Thượng Đình vẫn đều đặn lãi mỗi năm trên dưới 1 tỷ đồng. Doanh thu giảm và không đủ bù đắp các khoản chi phí là nguyên nhân chính khiến Giày Thượng Đình lâm và cảnh thua lỗ.

Giày Thượng Đình lỗ nặng sau cổ phần hóa: Cú trượt chân của doanh nghiệp già nua, không thoát nổi định kiến đồ bảo hộ lao động - Ảnh 2.

Số liệu năm 2016 chỉ tính từ 19/7 đến 31/12 do Giầy Thượng Đình chuyển thành CTCP

Với kết quả kinh doanh ngày càng bết bát, Giày Thượng Đình cần những cú hích lớn để bước tiếp, nếu không muốn dần biến mất trong mắt người tiêu dùng.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM