Giàu nhất khu nhà nghèo, nghèo nhất khu nhà giàu: Những người này có gì đặc biệt?

08/01/2022 08:07 AM | Xã hội

"Giàu nhất khu nhà nghèo" có khi giàu hơn "nghèo nhất khu nhà giàu".

Nếu xét trên cả nước, những người đó là dân số thuộc nhóm 3, họ giàu hơn 40% nghèo nhất, và nghèo hơn 40% giàu nhất.

Cụ thể, khảo sát mức sống dân cư 2020 chia dân số Việt Nam thành 5 nhóm, mỗi nhóm chiếm 20% dân số với mức thu nhập tăng dần, tức là nhóm 1 sẽ là 20% dân số nghèo nhất, và nhóm 5 sẽ là 20% dân số giàu nhất. Những người thuộc nhóm số 3, nếu xét trong 60% dân số giàu nhất, thì họ là những người nghèo nhất. Tuy nhiên, nếu xét trong 60% dân số nghèo nhất, họ lại là những người giàu nhất.

 Giàu nhất khu nhà nghèo, nghèo nhất khu nhà giàu: Những người này có gì đặc biệt?  - Ảnh 1.

Một người nhóm 3 điển hình sẽ sống ra sao?

Thu nhập: thu nhập bình quân tháng theo giá hiện hành của người thuộc nhóm 3 là 3,509 triệu đồng.

Chi tiêu cho đời sống: Chi tiêu bình quân tháng theo giá hiện hành của người thuộc nhóm 3 là 2,598 triệu đồng.

Diện tích nhà ở: 24,7 m2

Mức tiêu dùng một số mặt hàng chủ yếu trong 1 tháng:

Gạo: 7,2 kg; Lương thực khác: 1,2 kg; Thịt: 2,4 kg; Mỡ, dầu ăn: 0,3 kg; Tôm, cá: 1,3 kg; Trứng gia cầm: 4,6 quả; Đậu phụ: 0,4 kg; Đường, mật, sữa, bánh kẹo: 0,5 kg; Nước mắm: 0,3 lít; Chè, cà phê: 0,1 kg; Rượu, bia: 1,3 lít; Đồ uống khác: 2,1 lít; Đỗ các loại: 0,1 kg; Lạc, vừng: 0,1 kg; Rau: 1,8 kg; Quả: 1,1 kg.

"Giàu nhất khu nhà nghèo" có khi giàu hơn "nghèo nhất khu nhà giàu"

Nếu xét theo vùng, Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, với trung bình là 6,023 triệu đồng/người/tháng. Nhóm nghèo nhất ở Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân là 2,582 triệu đồng/người/tháng.

Trung du, miền núi phía Bắc là vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước, với trung bình là 2,745 triệu đồng/người/tháng. Nhóm giàu nhất ở vùng này có thu nhập bình quân là 6,360 triệu đồng/người/tháng.

Còn nếu xét theo từng tỉnh thành thì sao?

Địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là Bình Dương, với trung bình là 7,019 triệu đồng/người/tháng. Nhóm nghèo nhất ở Bình Dương có thu nhập bình quân là 3,105 triệu đồng/người/tháng.

Địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Sơn La, với trung bình là 1,745 triệu đồng/người/tháng. Nhóm giàu nhất ở Sơn La có thu nhập là 4,656 triệu đồng/người/tháng.

Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đang ở mức nào?

Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 cho thấy, nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 đạt 9,108 triệu đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất - nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,139 triệu đồng.

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, lên tới 3,5 lần năm 2020, với chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 xấp xỉ 4,8 triệu đồng/người/tháng so với gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1.

Diện tích nhà ở bình quân cũng cao nhất ở nhóm giàu nhất, cao gần gấp đôi (1,8 lần) nhóm nghèo nhất.

 Giàu nhất khu nhà nghèo, nghèo nhất khu nhà giàu: Những người này có gì đặc biệt?  - Ảnh 2.

Nếu xét 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, 10 địa phương có khoảng cách giàu nghèo nhỏ nhất là TP. HCM, Đồng Tháp, Bình Thuận, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh.

10 địa phương có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất là Cao Bằng, Sơn La, Quảng Trị, Yên Bái, Quảng Bình, Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Cần Thơ.

Nhìn chung, các địa phương có chênh lệch giàu nghèo thấp lại đứng thứ hạng cao về thu nhập, và ngược lại.

Tổng cục Thống kê cho rằng, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết.

Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia thì sao?

Ví dụ, ở một quốc gia giàu như  Đan Mạch, một người sống với mức dưới 30 USD mỗi ngày thì đã được coi là nghèo.

Nhà sáng lập kiêm giám đốc của Our World in Data, ông Max Roser đã chỉ ra, ở các nước có thu nhập cao ở châu Âu, chuẩn nghèo dao động trong khoảng từ 25-38 USD/ngày. Chuẩn nghèo ở Mỹ cũng ở mức cao, từ 33-35 USD mỗi ngày.

Theo Chuẩn nghèo Quốc tế của Liên hợp quốc, có tới 10% thế giới sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói. Nhưng nếu xét theo chuẩn nghèo của Đan Mạch, thì có tới 85% dân số thế giới sống trong cảnh đói nghèo.

 Giàu nhất khu nhà nghèo, nghèo nhất khu nhà giàu: Những người này có gì đặc biệt?  - Ảnh 3.

Có bao nhiêu người đang sống trong ngưỡng nghèo "vừa phải"? Dữ liệu toàn cầu mới nhất cho chúng ta biết rằng, có 6,5 tỷ người. Bất kể bạn muốn chọn chuẩn nghèo nào trong số những chuẩn nghèo nói trên, thì cũng có ít nhất 3/4 dân số thế giới sống trong cảnh nghèo đói. Nếu chúng ta chỉ dựa vào chuẩn nghèo cùng cực của Liên hợp quốc, chúng ta sẽ kết luận rằng hầu như không có ai sống trong cảnh nghèo ở các nước có thu nhập cao.

Dựa trên các chuẩn nghèo cao hơn, có thể thấy rằng ngay cả ở các quốc gia có thu nhập cao, vẫn có một phần đáng kể dân số sống trong cảnh nghèo đói. Không có quốc gia nào, kể cả các quốc gia có thu nhập cao nhất, xóa bỏ hoàn toàn được đói nghèo.

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM