Giáp Tết, nhiều ông bà chủ bán đồ ăn Việt ở Nhật mua vé máy bay mời cha mẹ sang... gói bánh chưng, làm giò lụa

19/01/2017 11:52 AM | Kinh doanh

Về tay nghề, sự tỉ mỉ, khéo léo, người Việt không thua bất kỳ người nước nào trên thế giới.

Những ngày tháng 1 lạnh giá tại trung tâm kinh tế Osaka của nước Nhật, hàng loạt chuyến tàu đến rồi đi, ai cũng muốn nhanh chóng trở về nhà sau ngày làm việc vất vả.

Guồng quay của cuộc sống cứ như vậy đối với đa phần người Nhật và người nước ngoài tại Nhật: buổi sáng thức dậy đi làm, về có thể sẽ đi nhậu chút với công ty rồi về nhà, đến ngày hôm sau chu kỳ làm việc tương tự như vậy lại bắt đầu.

Thế nhưng với Minh Anh, một phụ nữ lấy chồng người Nhật đã 6 năm, cô tự tin rằng dù vốn tiếng Nhật không quá giỏi và cũng không có bằng cấp chuyên môn quá tốt nhưng hiện cô đã trở thành bà chủ, có nguồn thu nhập ổn định, tự nuôi được bản thân và phụ giúp cho gia đình nhỏ, cũng như có tiền gửi về Việt Nam.

Những ngày đầu mới đến Nhật với Minh Anh không hề dễ dàng, tiếng Nhật không biết nhiều, cô chỉ có thể đi làm những công việc tay chân bán thời gian mang lại thu nhập không cao, nhiều khi lại rất vất vả. Nhưng rồi việc sinh liên tiếp 2 đứa con khiến cô không còn dám nghĩ đến ngày mình có thể thay đổi được công việc. Minh Anh cảm thấy rất mệt mỏi và buồn chán khi nghĩ đến tương lai cũng vẫn chỉ loanh quanh công việc bán thời gian và chăm con nhỏ.

Cuộc sống của Minh Anh bắt đầu thay đổi từ Tết cách đây 3 năm. Những ngày ở nhà buồn chán khiến Minh Anh muốn làm gì đó cho thay đổi không khí. Nhân có người bạn sắp sang từ Việt Nam, Minh Anh nhờ cầm hộ 50 chiếc lá dong và khoảng 15 cân gạo nếp sang để gói bánh chưng. Tết năm ấy, với nghề làm bánh chưng học mót từ mẹ, vừa gói bánh chưng vừa rao bán trên các diễn đàn của người Việt tại Nhật mà Minh Anh bán hết mấy chục chiếc bánh chưng, thu về khoản lãi kha khá.

Khách mua bánh chưng của Minh Anh còn hỏi thêm rất nhiều về các loại gia vị, đồ ăn, nước chấm khác của Việt Nam. Ban đầu khi Minh Anh từ chối, họ rất thất vọng và tha thiết muốn cô sẽ bán thêm nhiều loại thực phẩm khác của Việt Nam để họ có chỗ mua ổn định và tin tưởng. Tiếp tục bắt mối với nhiều người thường xuyên bay tuyến Việt Nam – Nhật Bản, Minh Anh tìm được người mang đồ sang thường xuyên cho mình để bắt đầu công việc kinh doanh.

Đến thời điểm bài báo này được xuất bản, Minh Anh đã là bà chủ của một shop kinh doanh đồ Việt Nam với vài trăm khách hàng mỗi tháng, mang lại cho cô nguồn thu nhập ổn định và có thể nói là đáng mơ ước với rất nhiều nhân viên tập đoàn lớn của Nhật.

Tỉnh Saitama vùng Kanto là nơi tập trung rất nhiều người Việt đang sinh sống. Họ làm việc bên trong nội vùng Tokyo nhưng đến sống ở Saitama để tiết kiệm chi phí. Tại nhiều ga tàu lớn ở một số thời điểm trong ngày, người ta nghe thấy tiếng Việt nhiều hơn bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Nhà ga Urawa nườm nượp người đi lại, không mấy ai chú ý đến hai người già đã ngoài 60 tuổi đang dắt tay nhau đi bộ và không nói được một chữ tiếng Nhật.

Ông Minh Lân và bà Thúy Hoa mới được con bảo lãnh sang cách đây vài ngày. Trước đây, ông bà đi Nhật đã nhiều lần nhưng đều đi du lịch, còn lần này hai ông bà sang đến sát Tết mới về nhưng sẽ không đi đâu cả, việc chính của ông bà sẽ là phụ giúp các con gói bánh chưng, gói giò.

Anh Việt Dũng, con trai của ông bà hiện đang làm cho tập đoàn của Nhật, anh đã lấy được visa 5 năm còn vợ anh chủ yếu ở nhà làm nội trợ. Nắm bắt được nhu cầu của cộng đồng người Việt, vợ anh đã thử gói bánh chưng bán những năm trước, công việc kinh doanh rất thuận lợi.

Ngoài ra, những chiếc giò 1 cân vợ anh gói ra cũng được tiêu thụ nhanh kinh khủng, dù thực sự vợ chồng anh cũng biết nó không quá ngon bởi tay nghề còn hạn chế. Nhưng với người Việt xa nhà, ngày Tết được ăn chút đồ của quê hương đã hạnh phúc, nên việc nó có không quá ngon cũng dễ được chấp nhận. Đồ làm ra bao nhiêu hết bấy nhiêu, hơn trăm chiếc bánh chưng bán hết trong vài ngày mà khách vẫn giục gọi mua đến sát ngày 30 Tết. Mỗi chiếc bánh chưng bán ra từ 1.000 – 1.200 yên (200 đến 220 nghìn đồng).

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, năm nay vợ chồng anh Dũng quyết định mở rộng quy mô việc gói bánh chưng và gói giò hơn rất nhiều so với năm trước. Kết hợp với 2 người bạn nữa và đưa bố mẹ sang làm cùng để giò và bánh chưng được ngon, gói tay chặt chứ không chỉ gói khuôn, vợ chồng anh Dũng đang rất kỳ vọng vào một mùa kinh doanh bội thu.

Như đã đề cập trong nhiều bài viết trước đây, có thể khẳng định rằng về tay nghề, sự tỉ mỉ, khéo léo, người Việt không thua bất kỳ người nước nào trên thế giới. Bằng chứng là các dịch vụ do người Việt cung cấp dù trên đất Việt Nam hay tại các nước và vùng lãnh thổ nơi họ đến đều được đánh giá cao.

Tuy nhiên, điểm yếu của người Việt chính là ở khâu tổ chức và tính cộng đồng. Nếu như người Trung Quốc hay người Thổ Nhĩ Kỳ luôn tổ chức được những khu phố mua bán sầm uất kinh doanh đoàn kết, không cạnh tranh bằng cách phá giá thì người Việt lại hay dùng các chiêu trò để chèn ép đối thủ. Cuối cùng, công việc kinh doanh của tất cả cùng khó khăn, họ cùng tự đưa nhau vào “cuộc đua đến cái chết”, và quên mất rằng họ đang để mất thị trường vào tay những nhà kinh doanh Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.

* Vì lý do cá nhân, tên các nhân vật được nhắc đến trong bài viết đã được thay đổi.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM