Giáo sư Xoay: "Cuộc đời như một ván bài tá lả”

25/11/2016 10:30 AM | Kinh doanh

Chia sẻ về câu chuyện từ Kỹ sư nông nghiệp đến Giám đốc sáng tạo của Tập đoàn FPT, anh Đinh Tiến Dũng, người còn được biết tới với cái tên Giáo sư Xoay, không giấu giếm quãng thời gian khốn khó, phải tính nhẩm từng đồng khi mời bạn gái đi uống nước. Và với lựa chọn trong cuộc sống, Dũng ví như một ván bài tá lả.

Gặp gỡ các bạn sinh viên tại Thư viện Quốc gia sáng 24/11 trong khuôn khổ Lễ Khai trương Không gian chia sẻ S.hub do Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp với Samsung tổ chức, anh Đinh Tiến Dũng đã có những chia sẻ rất thật về Hành trình sáng tạo cũng nhưng đưa ra những lời khuyên chân thành cho những bạn trẻ trên con đường tìm kiếm đam mê của bản thân. Đan xem với đó là những câu nói khiến khán phòng cười nghiêng ngả đậm chất Giáo sư Xoay.

No ấm nhờ sự nổi tiếng

Mở đầu buổi nói chuyện, Giám đốc sáng tạo FPT kể câu chuyện về sáng tạo ở chính nơi anh làm việc từ thời anh còn là nhân viên quèn. Học mô hình từ Google, FPT đầu tư mạnh tay cho không gian sáng tạo, nơi mọi người được thoải mái thư giãn để có thể nảy ra những ý tưởng xuất sắc. Tuy nhiên, mô hình này không phát huy hiệu quả tương xứng.

“Sáng tạo đến từ đói khổ”, Đinh Tiến Dũng chia sẻ nhận định của bản thân.

Anh Đinh Tiến Dũng chia sẻ về Hành trình sáng tạo và đam mê tại S.Hub.

Cũng trong cuộc nói chuyện, Giáo sư Xoay chia sẻ những điều lợi và hại sau khi được lên ti vi và thực sự trở thành người nổi tiếng. Đến bây giờ, chính bản thân anh cũng chưa thể quen được với sự nổi tiếng đó. Với anh, được đông đảo người dân biết tới mang lại niềm vui, các mối quan hệ, tiền bạc với số kịch bản được bán ra rất nhiều. Mỗi dịp cuối năm, anh thường làm không hết việc và nó mang lại những khoản thu nhập đáng kể.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nổi tiếng cũng mang tới những rắc rối và hệ luỵ mà bản thân anh không muốn có. “Khi con đi nhà trẻ, cháu được quan tâm nhất trường. Trẻ con khi đi mẫu giáo thì đứa nào chẳng khóc nhưng con mình nhận được sự quan tâm rất đặc biệt từ các cô giáo và lãnh đạo nhà trường. Mình sợ điều đó không có lợi cho con nên chủ động đề xuất các cô đối xử với cháu như các bạn khác”, anh Dũng kể lại.

Việc trở thành người nổi tiếng cũng khiến cuộc sống bị soi mói. Là người khá tự do nhưng Đinh Tiến Dũng phải từ bỏ một số đam mê vì nó có thể khiến khán giả có cái nhìn tiêu cực về anh dù chưa một lần nhận mình là người của công chúng. Bản thân anh cũng phải cân nhắc nhiều trước việc xuất hiện trên ti vi thay vì đứng đằng sau trong một thời gian dài.

“Cuộc đời như một ván bài tá lả. Mỗi người chỉ được cầm trên tay số quân bài nhất định và mỗi lượt bốc lại ẩn chứa những bất ngờ, có thể thay đổi cả cục diện của cuộc chơi. Tuy nhiên, người chơi đôi lúc cũng phải lựa chọn giữ cơ hội nào, bỏ đi cơ hội nào. Cuộc sống cũng vậy. Cần phải lựa chọn và chấp nhận lựa chọn của mình”, Đinh Tiến Dũng nhận định.

Hành trình nhiều ngã rẽ từ kỹ sư nông nghiệp tới giám đốc sáng tạo

Sinh ra và lớn lên tại Thành phố Nam Định, tuổi thơ Đinh Tiến Dũng gắn liền với tiếng còi tầm của nhà máy dệt thời còn thịnh vượng. Không chỉ công nhân nhà máy, cuộc sống của tất cả thành phố cũng đều dựa vào điểm mốc là tiếng còi tầm. Gia đình Đinh Tiến Dũng cũng không nằm ngoài guồng quay đó dù bố mẹ anh là bác sĩ.

Đinh Tiến Dũng từng có thời rủng rỉnh nhưng cũng có lúc trắng tay.

Khi Dũng còn nhỏ, ảnh thường bị nhốt kín trong nhà vì không có người trông nom. Ở giai đoạn không Internet, không smartphone, không ti vi hay thậm chí là điện lưới còn phập phù, trẻ con ở trong nhà được cho là lựa chọn an toàn nhất. Trong khi một vài đứa bạn cùng trang lứa có thể cậy cửa chui ra ngoài chơi, cậu bé Đinh Tiến Dũng chỉ có thể nhìn theo bởi cửa đóng then cài chặt chẽ.

Chính trong giai đoạn ấy, Dũng đã tìm cho mình một sở thích đặc biệt. Khi đồ chơi là món hàng xa xỉ, cậu bé Dũng tự dùng sáp nến để tạo hình các nhân vật và xây dựng được cả một “xã hội” bên dưới gầm gường. Cậu bé tự tạo cho cái xã hội ấy sự sinh động thông qua việc phân vai theo nội dung những câu chuyện mà cậu hình dung ra thông qua việc quan sát cuộc sống thường ngày.

Sau khi xã hội dưới gầm giường ấy bị dọn dẹp, cậu bé Dũng được mẹ cho ra ngoài chơi. Ngoài việc chơi đùa như những đứa trẻ khác, Dũng đặc biệt quan tâm tới xã hội loài kiến hay những con ong bầu. Những việc tưởng chừng như vô bổ ấy giúp Đinh Tiến Dũng có những trải nghiệm rất đặc biệt cho con đường viết kịch bản sau này, giúp chúng tránh được lối mòn cố hữu của các tác phẩm.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Đinh Tiến Dũng đứng trước nhiều ngã rẽ và quyết định cuối cùng là trường Nông nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian theo học, Dũng nhận thấy mình không đủ đam mê để nghiên cứu khoa học. Thay vào đó, anh nhận thấy mình thích thú hơn với các hoạt động văn hoá, văn nghệ thông qua những lần tham dự hội diễn của trường.

“Việc đoạt giải trong một hội diễn cấp thành phố, nơi có sự tham dự của nhiều trường nghệ thuật chuyên nghiệp, giúp tôi có chút tên tuổi và kịch bản được nhiều người đặt hàng. Ở thời điểm mà một tháng mỗi bạn sinh viên rủng rỉnh với 500.000 đ, mỗi kịch bản của tôi được trả tới 200.000đ. Nếu tới làm đạo diễn, tôi được trả thêm 150.000đ/buổi và thường thì 3 buổi mới xong một vở kịch”, Đinh Tiến Dũng kể lại thời gian sung túc lúc còn ngồi trên giảng đường đại học.

Đây là thời điểm mà chàng trai trẻ thiếu mặn mà nhất với nông nghiệp. Ở thời điểm lương kỹ sư mới ra trường chỉ được vài trăm nghìn, việc viết kịch giúp anh kiếm được hơn rất nhiều. Ngoài ra, ban nhạc của Dũng còn đắt hàng bằng việc góp mặt trong những đám cưới. Tuy nhiên, thời điểm Dũng cảm thấy sung mãn nhất với nghệ thuật, một gáo nước lạnh đã dội xuống đầu anh.

Với khả năng nghệ thuật xuất sắc trong giới nghiệp dư nhưng Dũng nhận thấy mình nhỏ bé và kém cỏi khi tiếp xúc với dân chuyên nghiệp. Đã có lúc, sự tự ti khiến Dũng từ bỏ nghệ thuật, không dám chơi nhạc. Tuy nhiên, đam mê với nghệ thuật kéo anh trở lại và vượt qua những mặc cảm để theo đuổi đam mê.

Ra trường, Dũng đầu quân về Trung ương Đoàn với sự kỳ vọng nhiều của cha mẹ. Tuy nhiên, đây là quãng thời gian khó khăn nhất khi công việc nhàm chán, mức lương bèo bọt. Lương chỉ đủ sống, việc đi chơi với bạn gái phụ thuộc hoàn toàn vào tiền bồi dưỡng khi tham dự các cuộc họp, vốn rất bấp bênh.

“Mỗi khi có tiền, tôi thường rủ bạn gái đi uống nước. Tuy nhiên, bao giờ cũng phải để người yêu lựa chọn trước để có thể cân đối số tiền trong ví. Giờ kể lại thì đây là kỷ niệm vui nhưng ở thời điểm đó, điều này thực sự không mấy dễ chịu. Chẳng ai muốn đi uống nước với người yêu mà còn phải làm toán”, Đinh Tiến Dũng chia sẻ về quãng thời gian chỉ có hai bàn tay trắng.

Năm 2005, bước ngoặt với cuộc đời mà anh thường gọi là “cây bài đẹp” tới với Đinh Tiến Dũng. Tình cờ gặp người bạn cũ Trương Quý Hải trong một quán bia, Dũng đồng ý về đầu quân cho FPT trên cương vị phát triển đảng. Tuy nhiên, sự chểnh mảng với công việc và thích văn nghệ hát hò khiến Dũng nhận thấy sự không phù hợp với công việc và chủ động chuyển sang làm việc đúng đam mê.

Năm 2007, vở kịch do Dũng đạo diễn và là diễn viên đoạt giải nhất Hội diễn Tương phùng, một sự kiện thường niên của FPT. Người được mời làm giám khảo trong sự kiện là Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, sau này mời Dũng viết kịch bản táo quân và nhiều sự kiện khác, trong đó có chương trình Hỏi Xoáy Đáp Xoay nổi tiếng.

“Hỏi Xoáy Đáp Xoay có cách thức thể hiện tương tự vở diễn của tôi năm 2005. Tuy nhiên, khi nhận lời mời lần đầu năm 2007, tôi không đủ bản lĩnh để làm vì sợ áp lực. Lời đề nghị được nhắc lại năm 2010 và tôi đã nhận lời”, Đinh Tiến Dũng chia sẻ về duyên nợ với Giáo sư Xoay. Những thành công liên tiếp khiến Đinh Tiến Dũng góp mặt trong nhiều chương trình của VTV và cũng thăng tiến ở FPT.

Đam mê không thể tìm qua những cái lăn chuột

Nói về những thành công của bản thân, Đinh Tiến Dũng cho rằng đam mê với nghệ thuật giúp anh thành công. Từ nhỏ, Dũng đã mong ước được gặp các thần tượng và giờ đây, anh không chỉ có cơ hội gặp gỡ mà còn được làm việc cùng, thậm chí là được họ nhờ cậy. Đó là những điều khiến Dũng rất vui.

"Gia đình hay sự nghiệp cũng chỉ là cách phân công công việc khác nhau. Có lúc, bạn cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình nhưng khi việc nhà đã ổn, bạn có thể dành thêm chút thời gian cho công việc và đam mê", anh Dũng chia sẻ.

Giáo sư Xoay cũng cho biết anh được nhiều người xin ý kiến về việc theo đuổi đam mê. Nhiều lần Đinh Tiến Dũng khuyên bạn bè, anh em từ bỏ đại học để đi theo sở thích. Tuy nhiên, lời khuyên này chỉ được dành cho những người thực sự chìm nổi cùng với đam mê của bản thân. Họ cũng cần sẵn sàng chấp nhận thất bại trên con đường chinh phục đam mê ấy.

“Không nên bỏ đại học để rẽ ngang khi đam mê chưa đủ. Cũng đừng hỏi người khác đam mê của mình là gì. Đừng hy vọng tìm thấy đam mê thông qua vài cái lăn chuột trên Facebook”, Giáo sư xoay khuyên chân thành những bạn trẻ đang trên đường tìm kiếm và nuôi dưỡng đam mê, điều quan trọng đối với thành công của mỗi con người.

Giáo sư Xoay cũng khuyên các bạn trẻ cần phải bắt tay vào làm và làm gì cũng cần thật nghiêm túc. Thất bại cũng không phải điều gì quá ghê gớm. Đôi khi, việc làm nghiêm túc không mang lại tiền bạc nhưng có thể đem lại cho con người ta danh tiếng, đó là điều sẽ mang lại tiền bạc lúc về sau. Điều quan trọng nhất là phải kỷ luật với bản thân.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM