Giáo sư Việt tại Nhật lý giải vì đâu mỗi nông dân Việt xuất khẩu chỉ bằng 1/40 nông dân Nhật: ‘Hầu hết dùng smartphone để liên lạc, giải trí hơn là phục vụ nông nghiệp’

16/09/2021 19:07 PM | Kinh doanh

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đăng Xuân tại Đại học Hirosima cho rằng các dự án nông nghiệp công nghệ cao nên lấy hộ nông dân nhỏ lẻ làm trung tâm, thay vì chỉ tập trung vào tập đoàn lớn.

"Đến 2019, một nông dân Nhật Bản xuất khẩu trung bình hằng năm 40.000 USD nông sản. Trong khi đó, ở Việt Nam, một nông dân xuất khẩu trung bình chỉ 1.000 USD", đây là số liệu được Giáo sư – Tiến sĩ Trần Đăng Xuân (Đại học Hirosima, Nhật Bản) chia sẻ trong Diễn đàn quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam vừa diễn ra ngày 16/9.

Ông cho biết mặc dù nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt thuỷ hải sản chỉ chiếm 1,24% GDP Nhật Bản (năm 2018) nhưng các ngành này vẫn đóng vài trò quan trọng cho an ninh lương thực của đất nước, giúp Nhật Bản xuất khẩu 8,2 tỷ USD trong năm 2018.

"Nhật Bản đang phải đối mặt với những khó khăn về thiếu đất và nước nông nghiệp, tỷ lệ già hoá nhanh chóng, hơn 65% lao động có độ tuổi trên 60 tuổi và số lượng nông dân giảm. Chỉ có 1,3 triệu hộ với 2 triệu nông dân trong tổng số 126,9 triệu dân (năm 2019).

Diện tích đất canh tác của Nhật Bản đã giảm từ 14,1% (năm 1969) xuống còn 11,4% (năm 2018). Vì vậy, quốc gia này phát triển mạnh nông nghiệp kỹ thuật số để khắc phục những vấn đề này".

Cụ thể, IoT, AI đang được sử dụng để phân tích các dữ liệu từ trang trại, môi trường xung quanh, qua đó cung cấp cho các nhà nghiên cứu và nông dân dữ liệu canh tác cần thiết. IoT và AI còn tư vấn cho nông dân lượng nước, phân bón chính xác cần sử dụng. Máy móc và các thiết bị nông nghiệp khác cũng hỗ trợ họ trong vấn đề thiếu hụt lao động. Chưa hết, nông dân Nhật Bản có thể sử dụng các bộ cảm biến, máy bay không người lái, robot để phân tích, quản lý, xử lý số liệu, sau đó đưa ra quyết định canh tác dựa trên số liệu đó.

Giáo sư Việt tại Nhật lý giải vì đâu mỗi nông dân Việt xuất khẩu chỉ bằng 1/40 nông dân Nhật: ‘Hầu hết dùng smartphone để liên lạc, giải trí hơn là phục vụ nông nghiệp’ - Ảnh 1.

Công nghệ IoT, AI được áp dụng vào nông nghiệp tại Nhật Bản (Ảnh minh hoạ)

Vì thế mà dù nguồn tài nguyên và nhân lực hạn chế, Nhật Bản vẫn là quốc gia nổi tiếng toàn thế giới với nhiều sản phẩm nông sản như thịt bò, táo, hải sản, trứng và các sản phẩm làm từ bơ sữa.

Theo Tiến sĩ Trần Đăng Xuân, thị trường nông nghiệp thông minh ở Nhật Bản dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần doanh thu bán hàng, từ 144,6 triệu USD (năm 2019) lên 403,4 triệu USD vào 2025. Nhật Bản có nhiều trung tâm nghiên cứu, từ chính phủ tới địa phương, hoạt động theo hệ thống nhằm hỗ trợ nông dân canh tác kỹ thuật số một cách hiệu quả nhất.

Tại Nhật Bản, các công nghệ nông nghiệp kỹ thuật số cũng đang ở giai đoạn đầu nên có thể áp dụng tại Việt Nam. Tiến sĩ Trần Đăng Xuân cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào kỹ thuật số để nâng cao chất lượng nông sản.

Vị chuyên gia nhận định: "Hiện nay 70% dân số Việt Nam có độ tuổi dưới 35, là độ tuổi thích hợp để tiếp cận internet, phục vụ sản xuất nông nghiệp kỹ thuật số. Tuy nhiên, hiện hầu hết nông dân của chúng ta sử dụng điện thoại di động để liên lạc và giải trí hơn là phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp.

Việt Nam đã đầu tư 4,4 tỷ USD cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhưng hiện nhiều nông dân thuộc các hộ nhỏ vẫn e ngại sử dụng công nghệ cho hoạt động canh tác. Trên 70% sản phẩm của Việt Nam đến từ các hộ canh tác nhỏ, do đó canh tác kỹ thuật số không nên chỉ tập trung vào tập đoàn lớn, nên lấy hộ nông dân làm trung tâm. Trong các vùng sản xuất nông nghiệp chính như ĐBSCL, cần áp dụng nhiều hơn công nghệ sản xuất thông minh".

Giáo sư Việt tại Nhật lý giải vì đâu mỗi nông dân Việt xuất khẩu chỉ bằng 1/40 nông dân Nhật: ‘Hầu hết dùng smartphone để liên lạc, giải trí hơn là phục vụ nông nghiệp’ - Ảnh 2.
Rau hữu cơ được trồng tại một trang trại ở ngoại thành Hà Nội

Ông cho biết thêm, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD nhưng nếu áp dụng nông nghiệp kỹ thuật số, ước tính Việt Nam có thể thu về trên 10 tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, nông nghiệp kỹ thuật số sẽ giúp nông dân Việt Nam giảm thiếu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Nông dân cũng nên học cách giao dịch sản phẩm qua các chợ trực tuyến, giảm bớt phụ thuộc vào thương lái trung gian.

Hằng năm, Chính phủ Nhật Bản chi 1% GDP, tương đương 50 tỷ USD để hỗ trợ chỉ 2 triệu nông dân của mình. Việt Nam nên tiếp cận Nhật Bản ở tất cả các cấp, từ chính phủ đến địa phương, để nhận chuyển giao công nghệ, hỗ trợ và đào tạo nhân lực trong ngành nông nghiệp.

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM