Giáo sư hiến kế giúp hạt gạo Việt giá trị gấp đôi: Gạo làm bột, làm sushi Nhật hay sấy kiểu Úc… Ai muốn kiểu nào ta chiều kiểu đó!

07/11/2017 09:08 AM | Kinh doanh

Các doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển từng loại gạo theo thị trường ngách, như gạo làm sushi, hay ở Australia họ ăn theo kiểu sấy gạo rồi nấu… Do đó, phải nghiên cứu những thị trường ngách này muốn loại gạo nào, đây là nơi sẵn sàng trả cho gạo Việt Nam từ 800 - 1000 USD/tấn.

Đó là chia sẻ của TS Nguyễn Quốc Vọng - Giáo sư Khoa học , ứng dụng, ĐH RMIT (Australia) về cách giải quyết bài toán ngách của gạo Việt tại sự kiện Diễn đàn Mekong Connect tuần trước. Tại sự kiện, nhiều chuyên gia nổi tiếng đã chia sẻ các góc nhìn về gạo.

90% thị trường gạo của doanh nghiệp Việt nằm ở kênh truyền thống

Chia sẻ tại phiên thảo luận về gạo, ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Kinh doanh Unilever Việt Nam, cho rằng: “Doanh nghiệp nên tập trung vào thị trường nội địa, bởi 90% thị trường gạo Việt nằm ở kênh truyền thống. Đồng thời chuyển từ chiến lược từ tối đa hóa sang tối ưu hóa, từ số lượng sang chất lượng”.


Ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Kinh doanh Unilever Việt Nam. Ảnh: BSA

Ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Kinh doanh Unilever Việt Nam. Ảnh: BSA

Còn kênh bán hàng hiện đại có chi phí cao, nhưng đây là nơi có thể thử nghiệm những thương hiệu mới, sản phẩm mới, và kênh này đem về khoảng 10% doanh số cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng khuyên doanh nghiệp nên tập trung vào phân khúc cao cấp ở các thành phố lớn, và chọn khu vực có chi phí không quá lớn để làm. Làm ở phân khúc này điều quan trọng là phải kết hợp 3 thứ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu riêng và chứng nhận sản phẩm.

Bàn về việc mở rộng thị trường nội địa, ông Phạm Hồng Sơn đề nghị các doanh nghiệp nên xây dựng cửa hàng gạo của riêng mình, không nên bán qua nhà phân phối hay kênh bán sỉ.

Văn hóa trong hạt gạo

Nhìn hạt gạo dưới góc độ văn hóa, ông Hà Việt Quân - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng: “Gạo có văn hóa từ hàng ngàn năm nay, nên hãy tiếp cận dưới góc độ văn hóa và con người, nếu không chúng ta sẽ thất bại. Nếu quên về văn hóa gạo thì có làm chỉ dẫn địa lý cũng chỉ đưa ra những thứ rất chung chung”, ông Quân nói.

Ông Quân cho rằng: “Làm tính bản địa cho gạo mà làm quy mô lớn thì sẽ không có thương hiệu. Nếu tôi là doanh nghiệp thì tôi làm ngược lại, làm bản địa ở quy mô nhỏ và đầu tư vào hàm lượng nội dung, hàm lượng văn hóa chứa trong gạo”.

“Tôi đề nghị mình làm theo kiểu Campuchia, Thái Lan mới tạo ra được giống… để làm thương hiệu”, GS. Võ Tòng Xuân cho biết.

GS. Xuân lý giải, Campuchia có ngân hàng giống bản địa ít nên họ chọn nhanh, sau 4 năm họ bán được gạo có thương hiệu, và 2 năm vượt Thái Lan về gạo ngon.

Nhưng những người xuất khẩu gạo ngon Campuchia than lỗ vì giống lúa họ làm đến 6 – 7 tháng, nên họ có tiếng thơm, tiếng ngon, chứ không có miếng.

Do vậy, khi Việt Nam vào thị trường có thu nhập trung bình thì không đưa gạo thơm, mắc tiền mà đưa những loại khác, rẻ hơn, cái này nông dân trồng 2 vụ/năm đạt 10 tấn… như thế mới có lời.

GS. Xuân dẫn chứng, như giống IR 50404, loại này làm được bột, xuất qua các nước thường dùng bột. Còn gạo nàng thơm chợ đào, ST20, ST24, jasmine thì xuất qua thị trường cao cấp… hay người Nhật ăn gạo hạt tròn, thì ta có giống ĐS1 và một số khác có thể xuất qua đó được.

Tìm thị trường ngách cho gạo Việt


TS Nguyễn Quốc Vọng. Ảnh: BSA

TS Nguyễn Quốc Vọng. Ảnh: BSA

Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Vọng - Giáo sư Khoa học ứng dụng, ĐH RMIT (Úc), cho biết, hiện nay có rất ít nước nhập khẩu gạo Việt Nam với giá trên 500 USD/tấn. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phát triển từng loại gạo theo thị trường ngách, như gạo làm sushi, hay ở Úc họ ăn theo kiểu sấy gạo rồi nấu… Cần phải nghiên cứu những thị trường ngách này muốn loại gạo nào, đây là nơi sẵn sàng trả cho gạo Việt Nam từ 800 - 1000 USD/tấn.

"Và phải giảm diện tích trồng lúa, tăng trồng rau, trái cây, nuôi tôm… nếu không người trồng lúa mãi là đà như thế", TS Vọng nhận định.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM