Giao hàng ở Hàn Quốc mùa dịch: 'Bán mạng cho công việc vì thu nhập'

28/11/2020 20:20 PM | Kinh doanh

Những người làm công việc giao hàng ở Hàn Quốc đang rơi vào tình trạng được họ gọi là “điểm mù pháp lý”. Đây là vũng lầy họ khó có thể thoát khỏi khi đại dịch Covid-19 khiến các ngành kinh doanh trực tuyến bùng nổ, kéo theo đó là khối lượng công việc của họ tăng lên gấp nhiều lần.

Các cuộc đấu tranh vì quyền lợi người lao động đã đạt được những tiến bộ không nhỏ ở Hàn Quốc trong khoảng 2 thập kỷ qua, song thực tế, lợi ích người lao động nhận được lại cực kỳ ít ỏi.

"Cân bằng cuộc sống với công việc ư? Đó là chuyện ở thế giới khác", ông Jeong Sang-rok, 51 tuổi, một nhân viên giao hàng hợp đồng của Hanjin Transportation, một trong hai công ty chuyển phát lớn của Hàn Quốc, cho biết.

Từ năm 2004 tới nay, số lượng các đơn hàng chuyển phát nhanh tại Hàn Quốc có mức tăng trung bình 12%/năm. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, chỉ từ tháng 2 đến tháng 10 năm nay, lượng hàng hóa được vận chuyển theo hình thức này đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty chuyển phát đang thu về lợi nhuận rất lớn. Theo báo cáo của CJ Logistics và Hanjin Transportation - hai công ty chiếm tới 64% thị trường giao hàng Hàn Quốc – lợi nhuận hoạt động nửa đầu năm 2020 của hai hãng này lần lượt tăng tới 21% và 35%.

Thế nhưng, hầu hết 54.000 nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc chỉ lao động hợp đồng thứ cấp, tức họ không được tiếp cận những phúc lợi xã hội dành cho người lao động mà luật pháp quy định.

Người lao động cùng đại diện phụ trách công đoàn nói rằng kẽ hở pháp lý khiến họ gánh chịu áp lực phải làm việc trong những điều kiện không đảm bảo về giờ giấc lao động – thậm chí khiến nhiều người tử vong vì kiệt sức.

Giao hàng ở Hàn Quốc mùa dịch: Bán mạng cho công việc vì thu nhập - Ảnh 1.

Jeong Sang-rok, nhân viên chuyển phát tại Hanjin Transportation, làm việc tại một điểm phân phối hàng hóa ở Gwangju, Hàn Quốc, hôm 10/11. Ảnh: Reuters.

Các nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động cho biết, có khoảng 14 nhân viên giao hàng ở Hàn Quốc đã thiệt mạng trong năm nay, nguyên nhân được cho là họ phải làm thêm giờ một cách bất hợp lý để có tiền trang trải cuộc sống.

Một trong những nạn nhân là Kim Won-jong, người mắc chứng khó thở khi làm việc. Cha của Kim nói rằng khối lượng công việc khổng lồ là lý do khiến con trai ông chết.

“Nó phải chạy đây chạy đó suốt 14 giờ, không có cả thời gian để ăn”, cầm di ảnh con trai tham gia một cuộc biểu tình hồi tháng 10, ông Kim Sam-young kể lại.

Một nhân viên giao hàng khác tên Seo Hyung-wook cũng bị tức ngực và khó thở khi đang làm việc, sau đó tử vong vì trụy tim. Em gái của nạn nhân cho biết phải làm việc quá sức là lý do khiến anh trai của mình mất mạng.

Một người khác thì tự tử sau khi để lại bức thư nói về những áp lực trong công việc mà anh phải chịu.

“15 người đã chết vì lý do thật trớ trêu là chúng tôi phải bán mạng cho công việc để có cái ăn”, ông Jeong nói.

Trên thực tế, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á có những quy định rõ ràng về số giờ làm việc trong tuần đối với người lao động toàn thời gian. Quyền lợi với họ được đại diện và bảo vệ bởi các công đoàn đầy quyền lực và đã được cải thiện rất nhiều trong thập kỷ qua.

Tuy nhiên, những người giao hàng nói riêng và các lao động hợp đồng nói chung lại không nằm trong số đó. Họ được coi là lao động tự do và không được nhận những phúc lợi cơ bản như mức lương tối thiểu theo giờ, quy định giờ làm thêm, và hầu như không có bảo hiểm gì trong trường hợp gặp tai nạn khi đang làm việc.

Theo số liệu của chính phủ Hàn Quốc, có 2,2 triệu người đang làm những công việc như vậy, chiếm 8% lực lượng lao động của Hàn Quốc.

Trong khi đó, các công ty vận tải của Hàn Quốc không trực tiếp thuê nhân viên giao hàng mà thuê qua các đối tác khác.

Yoon Sung-goo, một nhà thầu của CJ Logistics, cho biết cách làm này giúp các doanh nghiệp lớn giảm chi phí hoạt động hơn so với việc tuyển dụng lao động toàn thời gian.

Cũng theo ông Yoon, trong những năm gần đây, các công ty vận tải lớn đã đầu tư vào thiết bị, máy móc để phân loại bưu kiện nhưng các nhân viên vẫn tiếp tục phải vất vả với số giờ phải làm mỗi ngày lớn.

Vũng lầy khó cải thiện

Ông Jeong bắt đầu ngày làm việc của mình lúc 7h00. Ông mất 5 giờ làm trên các băng chuyền để phân loại 250 gói hàng hóa và phải giao chúng trong ngày, nhưng lại không được trả tiền cho thời gian phân loại sản phẩm này.

Sau đó, ông Jeong thường không nghỉ trưa để tiết kiệm thời gian mà lái chiếc xe tải đi thuê để giao hàng luôn. Công việc kết thúc lúc 21h. Ông bố 3 con về nhà với 2.200 USD, mức thu nhập trung bình đối với những người làm công việc giao hàng ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo khảo sát do Trung tâm bảo vệ sức khỏe và an toàn người lao động thực hiện hồi tháng 9, những người giao hàng như ông Jeong thường phải bỏ ra 71,3 giờ/tuần để kiếm được số tiền đó, thấp hơn so với mức lương tối thiểu theo giờ ở Hàn Quốc nhưng tổng thời gian lao động lại nhiều hơn tới 10 giờ/tuần. Điều này khiến công việc được định nghĩa là làm quá sức.

Không những thế, các quan chức phụ trách lao động và những người hoạt động để bảo vệ quyền của những người người giao hàng cho biết sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty hậu cần khiến số tiền 0,72 USD/gói hàng mà các nhân viên giao hàng nhận được cũng đang bị siết chặt.

Sau khi gặp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận về những cái chết của những người giao hàng, các công ty vận tải lớn đã gửi lời xin lỗi công chúng và gửi lời chia buồn tới gia đình những người thiệt mạng. Họ cũng cam kết sẽ giảm bớt khối lượng công việc.

Phát ngôn viên của cả Hanjin và CJ, đều nói hai hãng đã có kế hoạch tăng cường các biện pháp kiểm tra sức khỏe thường niên cho người lao động.

Về phần mình, Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Lee Jae-kap nói rằng các nhân viên giao hàng đã phải trả giá cho sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp và ông cam kết sẽ làm gì đó để giúp đỡ.

"Chính sách, cơ sở hạ tầng và công nghệ không theo kịp tốc độ phát triển của ngành chuyển phát và gánh nặng tiếp tục lớn hơn khi Hàn Quốc đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 2", ông Lee cho biết.

Tuy nhiên, theo chuyên gia luật lao động Yun Ae-lim, giảng viên Đại học quốc gia Seoul, những lợi ích ràng buộc giữa chính phủ với các tập đoàn kinh doanh lớn khiến lâu nay chính phủ gần như không có động thái nào để bảo vệ các lao động dạng hợp đồng.

“Họ muốn làm bạn với các tập đoàn và không muốn đặt thêm gánh nặng cho các đồng minh của mình”, chuyên gia Yun Ae-lim nói thêm.

Trong khi đó, anh Kim Sang-yong, một nhân viên giao hàng đang làm việc cho Hanjin khẳng định, anh không có nhiều hy vọng, nhất là trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp tăng cao hiện nay.

“Không ai có thể bỏ việc trong cuộc khủng hoảng việc làm hiện nay,” anh Kim nói. “Đó là một công việc vất vả, nhưng chúng tôi buộc phải chịu đựng”.

Đỗ Hiền

Cùng chuyên mục
XEM