Giảm lãi suất, bài toán không dễ

21/09/2016 20:54 PM | Kinh tế vĩ mô

Qua trao đổi với các doanh nghiệp, nỗi lo lắng nhất hiện nay của họ chính là lãi suất đang có dấu hiệu tăng và điều này sẽ làm kế hoạch kinh doanh của họ bị ảnh hưởng lớn.

Anh Nguyễn Ninh - Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu ở Tân Bình cho biết, doanh nghiệp ông có vay ngân hàng 10 tỉ đồng để kinh doanh với lãi suất 10% một năm và được điều chỉnh sau một năm. Tuy nhiên, mới đây, ông nhận được thông báo từ ngân hàng là sẽ có sự điều chỉnh lãi suất theo hướng tăng trong thời gian tới. Anh Ninh cho biết, với mức lãi suất hiện tại thì công ty chịu đựng được, nhưng chỉ còn khoảng một tháng nữa là ngân hàng sẽ áp theo mức lãi suất thả nổi đây sẽ là áp lực đối với doanh nghiệp và như vậy sẽ tác động tiêu cực đến giá thành sản phẩm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM phân tích, hiện nay có thể phân ra làm ba nhóm đối tượng doanh nghiệp là tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và không được tín nhiệm. Theo đó, nhóm doanh nghiệp không được tín nhiệm thì gần như không thể tiếp cận vốn vay từ ngân hàng nên họ chủ yếu huy động vốn từ nhân viên, bạn bè, người thân... Còn nhóm tín nhiệm cao và thấp thì có thể dễ dàng vay các nhà băng nhưng sẽ chịu những mức lãi suất khác nhau. Với các doanh nghiệp được đánh giá tốt, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm đầu tiên hiện dao động quanh 8-10% đối với trung dài hạn (sau đó thì thả nổi theo thị trường). Riêng những doanh nghiệp được đánh giá tín nhiệm thấp thì phải vay với mức bình quân tương đối cao 11-12% một năm.

Theo thống kê, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong 10 ngày đầu của tháng 9 dù có tăng nhẹ, song vẫn ở mức rất thấp: Lãi suất cho vay qua đêm, 1 tuần và 2 tuần trong lần lượt ở mức 0,69%; 0,83% và 1,06%. Dưới góc nhìn của chuyên gia thì thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào. Đây là một yếu tố tích cực, hỗ trợ giảm lãi suất huy động, từ đó giúp các ngân hàng có điều kiện tiết giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua trao đổi thì không ít lãnh đạo ngân hàng cổ phần lại chia sẻ, thanh khoản của hệ thống quả thực đang có nhiều tín hiệu tích cực nhưng việc hạ lãi suất cho vay còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt phải kể tới “sức khỏe” của các doanh nghiệp. Hầu hết các ngân hàng đều mong muốn đẩy được lượng vốn ra nền kinh tế, nhưng nếu doanh nghiệp không đảm bảo đủ các yêu cầu vay vốn thì rất khó giải ngân. Ngoài ra, công tác quản lý và kiểm soát nợ xấu tại các ngân hàng cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát của NHNN cũng là những nguyên nhân tác động tới chính sách lãi suất trong thời gian tới.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hệ thống tài chính trong 8 tháng đầu năm nhìn chung đã đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế do thanh khoản của khu vực ngân hàng khá dồi dào. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay còn gặp một số thách thức do tiến trình xử lý nợ xấu diễn ra còn chậm. Tính đến cuối tháng 6.2016, tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống ở mức 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5.2016. Theo số liệu do các tổ chức tín dụng (TCTD) và Công ty VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỉ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước).

Ngoài ra theo nhận định của các chuyên gia tài chính, việc tăng lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đi vay vốn dù các ngân hàng rất muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng trong tình trạng chi phí vốn tăng lên, nếu không tăng lãi suất cho vay lên thì có nghĩa là lợi nhuận của họ sẽ bị ảnh hưởng. Vì hiện tại lợi nhuận của các ngân hàng đã rất thấp, chỉ khoảng 2%. Nếu giờ mà còn thấp hơn nữa thì khả năng ngân hàng sẽ bị lỗ.

Theo Gia Miêu

Cùng chuyên mục
XEM