Giám đốc Oracle Đông Nam Á: Việt Nam là thị trường ứng dụng điện toán đám mây khá lớn

23/04/2016 08:13 AM | Kinh doanh

"Lợi thế của việc sở hữu rất ít hệ thống cố định hiện hành giúp Việt Nam, Myanmar, Bangladesh hay Srilanka có thể trực tiếp ứng dụng các công nghệ tân tiến như điện toán đám mây. Đây là một dấu hiệu rất tích cực".

Đó là nhận định của ông Neeraj Shaabi, giám đốc Đông Nam Á của Oracle về tiềm năng phát triển công nghệ điện toán đám mây tại các quốc gia đang phát triển trong khu vực.

Theo ông, đâu là dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng nhất tại khu vực Đông Nam Á và Nam Á hiện tại?

Cộng đồng ASEAN là nhóm 10 quốc gia thành viên đại diện cho hơn 622 triệu công dân Đông Nam Á. Tại đây, hội nhập kinh tế đang là ưu tiên phát triển hàng đầu. Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 chính là cột mốc quan trọng cho hướng đi chiến lược này, giúp mở ra hàng loạt cơ hội cho thị trường hợp nhất khổng lồ này với tổng giá trị 2,6 nghìn tỷ đô-la Mỹ và hơn 622 triệu người dân.

Ngoài Đông Nam Á, các nền kinh tế phát triển khu vực Nam Á như Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka cũng không ngoại lệ. Nhằm bắt kịp tốc độ hội nhập nhanh chóng trong phạm vi lớn như vậy, quá trính số hóa cần được diễn ra trên mọi cấp độ, từ các doanh nghiệp đến tổ chức chính phủ và xã hội.

Các công ty công nghệ sẽ được hưởng lợi từ điều này?

Hầu hết các quốc gia trong khu vực này đều đang nỗ lực áp dụng công nghệ để phát triển. Sáng kiến “Quốc gia Thông minh” của Singapore là một ví dụ điển hình. Một cơ sở hạ tầng CNTT phổ cập toàn thành phố có khả năng kết nối, thu thập và lĩnh hội hàng loạt dữ liệu, thông tin đã giúp cả khu vực công và tư nhân, cùng với người dân ở đây tham gia vào mọi hoạt động của quốc gia, từ việc cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tại nhà đến việc nâng cấp hệ thống giao thông công cộng cho hiệu quả hơn.

Với một quốc gia đông dân cư như Singapore, việc tận dụng công nghệ tiên tiến sẽ giúp quản lý nguồn lực hiệu quả hơn, cũng như xóa bỏ những hạn chế của không gian sống khá chật hẹp.

Không chỉ Singapore trên toàn Đông Nam Á và Nam Á, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự chuyển dịch rõ ràng trong việc ứng dụng các giải pháp điện toán đám mây. Bởi vậy, doanh nghiệp có thể tận dụng những giải pháp CNTT tân tiến nhất mà không cần mất thời gian, công sức và chi phí cao cho việc nâng cấp, ứng dụng và bảo trì các sản phẩm phần cứng hay phần mềm vào hệ thống hiện hành cố định.

Quá trình số hóa thực chất cũng rất đa dạng và diễn biến khá bất ngờ trên từng quốc gia khác nhau. Nhiều người có thể cho rằng những quốc gia như Singapore, Malaysia và Thái Lan sẽ có tốc độ ứng dụng điện toán đám mây nhanh hơn; nhưng thực tế, những thị trường mới nổi như Việt Nam, Myanmar, Bangladesh và Sri Lanka lại là nơi tập trung lượng ứng dụng điện toán đám mây khá lớn.

Lợi thế của việc sở hữu rất ít hệ thống cố định hiện hành giúp những quốc gia này có thể trực tiếp ứng dụng các công nghệ tân tiến như điện toán đám mây. Đây là một dấu hiệu rất tích cực.

Không những thế, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia đã có thể mở rộng hệ thống hiện hành tại trụ sở chính ra các chi nhánh trên toàn khu vực nhờ lợi ích của điện toán đám mây. Công nghệ điện toán đám mây giúp các doanh nghiệp đưa toàn bộ hệ thống CNTT của mình lên mạng lưới nội bộ.

Việc tích hợp các Ứng-dụng-như-một-dịch-vụ (SaaS) phù hợp với những doanh nghiệp với quy mô như thế nào?

Doanh nghiệp ở quy mô nào cũng có thể áp dụng những giải pháp phù hợp riêng. Điện toán đám mây giúp thúc đẩy đà tăng trưởng của doanh nghiệp trong thị trường năng động như hiện nay. Ngày càng nhiều doanh nghiệp có thể tùy chọn xác định họ muốn lưu trữ dữ liệu gì trên nền tảng điện toán đám mây riêng, hay muốn di chuyển thông tin gì lên điện toán đám mây công cộng, ví dụ như những ứng dụng làm việc trực tiếp với khách hàng chẳng hạn.

Đâu là nhóm đối tượng khách hàng lớn nhất của các giải pháp SaaS?

Chúng tôi đang sở hữu một danh mục dịch vụ Trải nghiệm Khách hàng khá đa dạng, và đang nỗ lực cải tiến các giải pháp Quản trị Nguồn Nhân lực. Lực lượng lao động là tài sản giá trị nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Với lượng lớn nhân công trẻ nhiệt huyết trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á, doanh nghiệp cần phải có khả năng thu hút, tuyển dụng và giữ chân những nhân tài xuất sắc nhất.

Một vài doanh nghiệp vẫn không yên tâm về vấn đề bảo mật dữ liệu hay việc mất kiểm soát các ứng dụng của mình, ông nghĩ gì về điều này?

Một lượng lớn dữ liệu và thông tin hiện đã được chuyển lên các trung tâm điện toán đám mây. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó còn an toàn hơn nhiều nếu DN cố lưu dữ liệu trong hệ thống của riêng mình. Những công nghệ cải tiến của Oracle và các ví dụ ứng dụng điển hình là minh chứng cho hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành mà các bộ phận CNTT của doanh nghiệp không thể có được, đơn giản bởi CNTT không phải là lĩnh vực kinh doanh trọng tâm của họ.

Chính Oracle cũng phải trải qua một quá trình số hóa cho toàn doanh nghiệp?

Đúng vậy. Bởi CNTT đang trở thành một phần không thể thiếu với mọi doanh nghiệp, chúng tôi phải trao đổi trực tiếp với rất nhiều giám đốc, nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực đang sử dụng các giải pháp Hoạch định Tài nguyên Doanh nghiệp, Tài chính, Quản trị Nhân sự và Trải nghiệm Khách hàng, chẳng hạn như Giám đốc Chuỗi Cung Ứng hay Trưởng phòng Marketing.

Họ là những người thực sự thấu hiểu điều mình cần để đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra; và với điện toán đám mây, họ có thể dễ dàng tận dụng những giải pháp thiết yếu đó. Ngoài ra, với vai trò là một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, chúng tôi cần phải biết được những thuật ngữ chuyên môn của nhiều ngành nghề, chứ không chỉ dừng lại ở những thuật ngữ CNTT đơn thuần.

Hoàng Vân

Cùng chuyên mục
XEM