Giám đốc Nghiên cứu trường Fulbright: Trong đại dịch, doanh nghiệp cần giữ tâm lý ổn định, không ai có thể tỉnh táo xử lý với cái đầu nóng nảy và tâm lý hoảng loạn, sợ hãi!

12/02/2020 10:38 AM | Kinh doanh

Theo TS Lê Thái Hà, tác động tiêu cực của dịch Corona đến hoạt động kinh doanh, sản xuất có thể là rất lớn lên các doanh nghiệp ở một số nhóm ngành như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống, ngân hàng, chứng khoán, dệt may, sản phẩm nông nghiệp, bán lẻ truyền thống... Một số ít ngành có thể có ảnh hưởng tích cực là nhóm ngành y tế, dược phẩm, công nghệ thông tin.

Thiệt hại về kinh tế từ dịch bệnh do virus corona gây ra là không thể tránh khỏi, không những với Trung Quốc nói riêng, mà thậm chí còn lan toả ra phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Để hiểu rõ hơn về những tác động này, Trí thức trẻ đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Lê Thái Hà - Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của Trường Quản lý và Chính sách công Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam.


PV: Thưa Tiến sĩ, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), nhiều lĩnh vực kinh tế trong nước đang bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch viêm phổi cấp. Thưa tiến sĩ, những lĩnh vực kinh tế nào sẽ bị ảnh hưởng nặng nề? Và ngành nào sẽ là ngành hưởng lợi trong dịch nCoV?

Tiến sĩ Lê Thái Hà: Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona vẫn đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng của nó đến sức khỏe và tính mạng con người vẫn đang có xu hướng tăng. Không chỉ tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân, đại dịch này còn khiến hàng loạt hoạt động kinh tế ngưng trệ, và nhiều doanh nghiệp thậm chí phải ngừng hoạt động. Nhìn chung, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cho dù hoạt động trong ngành nào, cũng sẽ là nhóm chịu ảnh hưởng đáng kể. 

Chúng ta có thể hình dung là, không phải hoạt động sản xuất, kinh doanh nào cũng có thể diễn ra theo phương thức cho người lao động làm việc tại nhà (work-from-home). Bạn có thể họp hành, đánh văn bản, làm nghiên cứu tại nhà nhưng không thể lắp ráp một chiếc điện thoại Samsung tại nhà, hay bất kỳ một sản phẩm nào được sản xuất theo công nghệ dây chuyền khác. Chưa kể khi các trường học đóng cửa trong vài tuần, các lao động có con nhỏ cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định bởi việc chăm sóc trẻ nhỏ vào ban ngày, và đặc biệt để tránh cho trẻ nhỏ bị lây nhiễm trong mùa dịch. Điều này cũng làm giảm năng suất lao động.

Giám đốc Nghiên cứu trường Fulbright: Trong đại dịch, doanh nghiệp cần giữ tâm lý ổn định, không ai có thể tỉnh táo xử lý với cái đầu nóng nảy và tâm lý hoảng loạn, sợ hãi! - Ảnh 1.

TS. Lê Thái Hà

Từ góc nhìn tương quan, trong giai đoạn ngắn hạn, những ngành được dự báo sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất là ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống (Food & Beverage Service), ngân hàng, chứng khoán, dệt may, sản phẩm nông nghiệp, bán lẻ truyền thống (đặc biệt là hàng hóa xa xỉ và hàng tiêu dùng lâu bền), bia, dầu khí, cảng biển, vận chuyển hàng không, hàng hải, đường bộ và dịch vụ sân bay.

Trong đó, nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất là những ngành có giao thương với Trung Quốc và nhóm ngành phụ trợ. Ví dụ như đối với nhóm ngành dệt may, da giầy, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam không xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc nhưng lại chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ quốc gia này. Việc hạn chế giao thương với Trung Quốc sẽ dẫn đến khó khăn trong việc cung ứng nguyên liệu có mức giá rẻ, và rất có thể buộc họ phải nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường khác như Nhật hoặc Hàn Quốc với mức chi phí đắt hơn, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong sản xuất.

Đối với nhóm ngành hàng hải, cảng biển, logistic, do hoạt động vận tải bị ngưng trệ, đặc biệt là tuyến vận tải có lịch trình vào Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, lượng công việc cho các doanh nghiệp này cũng sẽ bị giảm tải đáng kể. Điều này cũng dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu rơi vào tình trạng thiếu hàng hóa, trong đó, chịu tác động nhiều nhất là hàng may mặc, hóa chất, máy móc.

Nhóm hàng không cũng là nhóm ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ dịch bệnh này bởi sự hạn chế di chuyển trong thời gian diễn ra dịch. Hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách đến Việt Nam trong năm 2019. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn do Cục Hàng không Việt Nam đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các tỉnh thành có dịch của Trung Quốc. Các tour du lịch từ Trung Quốc cũng đã bị hoãn lại, khiến không chỉ ngành hàng không mà các ngành liên quan như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống (Food & Beverage Service) cũng sẽ bị tác động tiêu cực lớn, đặc biệt là trong quý 1 này – vốn được coi là mùa cao điểm trong du lịch.

Với ngành bán lẻ truyền thống, doanh thu của các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm cũng sẽ bị giảm đi đáng kể do người tiêu dùng có xu hướng hạn chế đến những nơi công cộng để tránh bị lây nhiễm.

Đối với các nhóm ngành kể trên, ảnh hưởng từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý 1/2020 của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, một số ít ngành có thể có ảnh hưởng tích cực là nhóm ngành y tế, dược phẩm, công nghệ thông tin. Trong giai đoạn này, nhu cầu của người dân đang tăng mạnh ở những sản phẩm bảo vệ sức khỏe cần thiết (khẩu trang, dung dịch rửa tay, khử trùng, dược phẩm). 

Với ngành công nghệ thông tin, nhu cầu cho các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ có lẽ sẽ không bị suy giảm bởi dịch bệnh. Thậm chí, nhu cầu giải trí và dịch vụ online có xu hướng tăng khi người dân hạn chế đến các tụ điểm vui chơi, rạp chiếu phim, nhà hát; và nhiều chương trình ca múa nhạc cũng đã phải hoãn lại do lo sợ vấn đề lây nhiễm. Thêm vào đó, các dự án IT nhìn chung vẫn được triển khai do đây là các dự án mang tính dài hạn và phương thức làm việc tại nhà (work-from-home) trong mùa dịch bệnh có lẽ cũng không tác động đáng kể đến năng suất lao động của các doanh nghiệp công nghệ.

Ngoài ra, những nhóm hàng mà Việt Nam và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu đi các nước khác, mà các doanh nghiệp của ta không bị phụ thuộc vào nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cũng sẽ có thể hưởng lợi trong ngắn hạn, ví dụ như một số mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu.



* Theo bà, dịch bệnh lần này tác động trực tiếp đến xuất nhập khẩu, du lịch và giao thương với Trung Quốc như thế nào, vì ảnh hưởng của Trung Quốc đến các lĩnh vực này ở Việt Nam là rất lớn?

Tiến sĩ Lê Thái Hà: Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan đưa ra vào chiều ngày 4/2, trong tháng 1, tổng giá trị xuất nhập khẩu với Trung Quốc của Việt Nam chỉ đạt 8,29 tỷ USD, giảm 25,8% so với tháng 12 năm 2019 và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 2,75 tỷ USD (tương đương 130,52 triệu USD/ngày), giảm 35,3% so với tháng 12/2019 và nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD (tương đương 261,47 triệu USD/ngày), giảm hơn 20%.

Ngoài nguyên nhân có tính "mùa vụ" như toàn bộ thời gian nghỉ Tết nguyên đán năm nay rơi vào tháng 1, ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra có thể được coi là lý do chính khiến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc giảm mạnh sau Tết Nguyên đán. Do những diễn biến phức tạp của bệnh dịch, tại thời điểm này, chưa ai có thể chắc chắn về kịch bản có thể xảy ra đối với dịch viêm phổi do virus corona trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong giai đoạn ngắn hạn khi mà các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới Việt Nam-Trung Quốc có thể sẽ được đẩy mạnh hơn nhằm kiểm soát dịch, xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Về tác động cụ thể lên nhóm ngành xuất nhập khẩu và du lịch, tôi có đề cập trong câu trả lời với câu hỏi trước của bạn.

Xem thêm các tác động kinh tế của dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) tại ĐÂY.


* Trước tình hình như hiện tại, các doanh nghiệp cần làm gì để đối phó và duy trì hoạt động trong đại dịch virus Corona, thưa bà?

Tiến sĩ Lê Thái Hà: Như đã nói ở trên, tác động tiêu cực của dịch Corona đến hoạt động kinh doanh, sản xuất có thể là rất lớn lên các doanh nghiệp ở một số nhóm ngành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, kể cả đang bị thua lỗ, cũng cần giữ tâm lý ổn định. Không ai có thể tỉnh táo xử lý tình hình với cái đầu đang nóng nảy, tâm lý đang hoảng loạn, sợ hãi dịch bệnh. Như thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore có nói trong phát biểu gần đây để trấn an người dân ở nước này: "Sợ hãi và hoảng loạn có thể gây hại nhiều hơn virus Corona".

"Sợ hãi và hoảng loạn có thể gây hại nhiều hơn virus Corona" - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Trước hết, các doanh nghiệp phải ưu tiên việc truyền thông nội bộ tình hình bệnh dịch, thông tin các khu vực nghi có lây nhiễm, và các biện pháp phòng chống lây nhiễm hiệu quả, cũng như cần phải có các giải pháp xử lý kịp thời khi có trường hợp nhân viên ốm hoặc nghi bị nhiễm bệnh tại công ty, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần duy trì các công việc quan trọng, cần thiết để giúp duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Vì không nhiều công ty có đủ tiền để tồn tại trong vài tháng mà không có bất kỳ doanh thu nào. Do đó, cần linh động địa điểm làm việc, xem xét khả năng thay thế, chuyển giao quyền trong nhân sự, cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp. 

Một ví dụ điển hình là đối với ngành bán lẻ, ảnh hưởng của mùa dịch có thể sẽ khiến người dân thay đổi thói quen tiêu dùng từ thương mại truyền thống (đi chợ, siêu thị truyền thống) sang hình thức thương mại hiện đại và mua sắm trực tuyến, để tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm nơi công cộng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Điều này cũng có thể áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống, giải khát, họ có thể triển khai mạnh hơn dịch vụ giao đồ ăn/thức uống tại nhà.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, giảm hoặc tránh phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ví dụ như ngành thủy sản có nhiều doanh nghiệp lớn xuất khẩu sản phẩm chủ yếu tại Trung Quốc tuy nhiên lại chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh nCoV. Lí do là vì gần đây các doanh nghiệp lớn này sử dụng phương thức xuất khẩu đường chính ngạch, đa dạng hóa thị trường nên ít bị tác động từ việc hạn chế xuất khẩu vào Trung Quốc. Thêm vào đó, khả năng tự chủ 100% nguồn nguyên liệu đầu vào và ứng biến linh hoạt với những thay đổi đột ngột từ nhu cầu thị trường giúp các doanh nghiệp này gần như không chịu tác động tiêu cực đáng kể bởi mùa dịch.

Ứng phó dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, các doanh nghiệp đã rất tích cực vào cuộc. Xem thêm các động thái của doanh nghiệp Việt và thế giới trong đại dịch tại ĐÂY.


* Thưa tiến sĩ, dịch viêm phổi cấp do virus corona sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vấn đề đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp FDI?

Tiến sĩ Lê Thái Hà: Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê tháng 12/2019, vốn FDI của Trung Quốc và Hồng Kông vào Việt Nam có tốc độ tăng đột biến. Cụ thể, vốn FDI đăng ký cấp mới từ Trung Quốc trong 11 tháng đạt hơn 2,28 tỷ USD, gấp đôi cả năm 2018. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2, chỉ sau Hàn Quốc, về vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

"Có thể coi đây là giai đoạn lửa thử vàng, các nhóm ngành, doanh nghiệp minh chứng được khả năng trụ vững qua mùa dịch sẽ rất có thể là nơi tiếp nhận FDI tiếp theo".

Các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc thường sử dụng lượng lớn lao động và chuyên gia là người Trung Quốc, rất nhiều trong số này nghỉ phép để trở về Trung Quốc với gia đình dịp Tết nguyên đán. Vì vậy, việc hạn chế di chuyển giữa hai nước ở ngay thời điểm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán dẫn tới tình trạng thiếu nhân lực, dẫn đến việc ngưng trệ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam trong giai đoạn đầu năm 2020.

Ngoài ra, như đã phân tích ở trên, việc hạn chế xuất nhập khẩu với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu nguyên vật liệu đầu vào ở một số ngành như may mặc, da giầy, điện tử… vì các doanh nghiệp trong nước và FDI ở những ngành này phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Như vậy, có thể đánh giá tác động trong ngắn hạn là tiêu cực. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu dịch bệnh được kiểm soát, tác động lên FDI sẽ không đáng kể vì các hành vi đầu tư thường dựa trên quan điểm dài hạn. Cũng có thể coi đây là giai đoạn "lửa thử vàng", các nhóm ngành, doanh nghiệp minh chứng được khả năng trụ vững qua mùa dịch sẽ rất có thể là nơi tiếp nhận FDI tiếp theo.


* Để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch bệnh, tại Việt Nam, đã có chỉ đạo ngân hàng các tỉnh, thành phố tính toán đưa tiền mới vào lưu thông, nhiều người lo lắng động thái này sẽ nới lỏng tiền tệ và gián tiếp gây sức ép lên lạm phát, điều này có đúng thưa bà?

Tiến sĩ Lê Thái Hà: Có sự lo ngại giao dịch tiền mặt có thể là một nguyên nhân lây lan của dịch nCoV. Giữa tâm dịch viêm phổi cấp do virus Corona, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã sử dụng tia cực tím và lò sấy nhiệt độ cao để khử trùng tiền mặt, như một biện pháp để tránh dịch bệnh lây lan.

Ở Việt Nam, thanh toán tiền mặt chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 80%) trong giao dịch nhưng theo NHNN thì hiện tại chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt, và việc này có thể gây chậm trễ, gián đoạn giao dịch. Vì vậy giải pháp được NHNN chỉ đạo là đưa tiền mới vào lưu thông và các ngân hàng tạm thời lưu cách ly số tiền cũ quay vòng nhận về từ khách hàng với thời gian đủ lâu và sẽ đưa vào sử dụng lại ở thời điểm thích hợp.

Theo quan điểm của tôi, nếu chỉ là vấn đề vệ sinh, tiền mới in qua một lần sử dụng đã thành tiền cũ. Vì vậy, có lẽ những dự đoán về sự suy yếu của hoạt động kinh tế do ảnh hưởng của bệnh dịch mới là động lực quan trọng hơn để NHNN đưa ra phương án nới lỏng chính sách tiền tệ như vậy. 

Về tác động của chính sách này lên lạm phát, rất khó có thể đánh giá chính xác khi chúng ta chưa biết cụ thể số lượng tiền in thêm là bao nhiêu, và trong bao lâu thì số lượng tiền cũ được đưa vào tái sử dụng. Tuy nhiên, NHNN sẽ phải đối mặt với những hạn chế nhất định khi nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế, trong bối cảnh lạm phát ở giai đoạn cuối năm 2019 và tháng 1/2020 đang ở mức cao (lạm phát tháng 12/2019 là 1,4% so với tháng trước – mức tăng cao nhất trong 9 năm qua; trong khi đó, lạm phát tháng 1/2020 là 1,23% so với tháng trước – tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019). Dù vậy, cũng có thể có một số yếu tố hỗ trợ làm giảm áp lực lạm phát, đến từ sự suy giảm của giá dầu và nhu cầu cho một số mặt hàng thiết yếu trong đợt tới do ảnh hưởng của dịch bệnh.


* Trong ngắn và dài hạn, theo bà, chính sách của nhà nước và doanh nghiệp cần tính toán ra sao để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc?

Tiến sĩ Lê Thái Hà: Để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần tăng khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, hoặc là đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phầm đầu ra. Đây cũng là bước đi hợp lý trong bối cảnh chi phí nhân công và các ưu đãi về thuế đang mất dần, cũng như những lỗ hổng được tạo ra từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, tạo cơ hội cho Việt Nam có thể tiếp cận được nguồn nguyên vật liệu với chi phí thấp.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, khai thác lợi thế về thuế suất từ các khu vực thương mại tự do khác, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã tìm kiếm và chuyển sang nhập mặt hàng da từ Ấn Độ, Bangladesh và Ý hoặc nhập khẩu xơ, sợi và vải từ các nước láng giềng ASEAN, với chất lượng tốt và giá cả thậm chí cạnh tranh hơn so với nhập từ Trung Quốc.

Về mặt chính sách, cần có những khuyến khích ưu đãi cho các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển, sản xuất, cung ứng nguyên phụ liệu, để khai thác tối đa nguồn cung ứng nguyên phụ liệu tại chỗ.

* Trân trọng cám ơn Tiến sĩ!

Tiến sĩ Lê Thái Hà là Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của Trường Quản lý và Chính sách công Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam. TS Hà có bằng Cử nhân (Honours Degree) và Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. TS Hà là một trong hai cái tên nữ xuất hiện trong top 10 những nhà kinh tế Việt Nam có nhiều nghiên cứu được xuất bản ở các tạp chí quốc tế theo bảng xếp hạng của Dự án nghiên cứu kinh tế Repec.

Theo bảng xếp hạng của dự án Nghiên cứu kinh tế RePEC được công bố vào cuối tháng 9/2019, Tiến sỹ Lê Thái Hà đứng thứ 4 về công bố khoa học trong nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam tính từ trước đến nay và đứng thứ 2 tính trong 10 năm trở lại đây.

Giám đốc Nghiên cứu trường Fulbright: Trong đại dịch, doanh nghiệp cần giữ tâm lý ổn định, không ai có thể tỉnh táo xử lý với cái đầu nóng nảy và tâm lý hoảng loạn, sợ hãi! - Ảnh 7.

Minh Nguyệt

Cùng chuyên mục
XEM