Giám đốc chiến lược VNPT: "Khởi nghiệp ở Việt Nam mang tính phong trào quá nặng"

27/04/2017 08:41 AM | Kinh doanh

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược VNPT cho rằng khởi nghiệp ở Việt Nam đang bị quy chụp ở một số khái niệm và khởi nghiệp mang tính phong trào quá nặng.

Đây là ý kiến được ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược VNPT nêu ra tại buổi tọa đàm - giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Phủ sóng thông tin, kết nối thành công" do Báo điện tử VnMedia tổ chức sáng nay, 26/4.

Trả lời câu hỏi “Yếu tố nào để doanh nghiệp startup khởi nghiệp thành công”, Giám đốc chiến lược VNPT đã thẳng thắn cho rằng “khởi nghiệp ở Việt Nam mang tính phong trào quá nặng”.

Theo ông Hòa, khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang bị quy chụp ở một số khái niệm và định nghĩa. Khi khái niệm không chuẩn thì sẽ bị loạn về định hướng và kể cả đối với các nhà đầu tư. Vì thế trước tiên phải làm rõ khái niệm về khởi nghiệp. Theo ông Hòa, chúng ta đang quy chụp tất cả khởi nghiệp đều xoay ra thành tiền và kinh doanh.

Khởi nghiệp phải được hiểu rộng hơn, đó là cách bắt đầu một ngành nghề, một đam mê, khao khát để làm ra một giá trị nào đó cho xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho biết: "Theo tôi, đã đến lúc nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp cần đồng thuận đưa ra khái niệm rõ về khởi nghiệp. Khởi nghiệp – lập nghiệp, làm chủ, làm thuê nó như thế nào trong định nghĩa khởi nghiệp. Khởi nghiệp sáng tạo chỉ là một ý. Tôi nghĩ rằng, sau khi nói chuyện với nhiều chuyên gia, khởi nghiệp là cách bắt đầu một nghề nghiệp, một công việc tạo ra giá trị thay đổi khác biệt. Quan trọng nhất của khởi nghiệp là khát vọng của bạn. Tất cả bản chất của khởi nghiệp là biến cái không thành có. Giá trị cốt lõi của khởi nghiệp không phải là tiền".

Cùng quan điểm này, ông Lê Công Thành, Công ty Cổ phần Công nghệ chọn lọc Thông tin với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội SMCC cũng cho rằng cần phân biệt rõ hơn khái niệm về khởi nghiệp và startup.

Ông Thành cho biết, khởi nghiệp là bắt đầu xây dựng sự nghiệp cho bản thân, tuy nhiên, cái chúng ta thực sự nói đến là các mô hình startup của các công ty trên toàn thế giới. Mục tiêu của startup thường là đưa công ty lên sàn chứng khoán. Đó là mô hình rất mới trên thế giới, bởi vậy ở Việt Nam người ta thường đánh đồng việc mở công ty với startup. Các startup thường phải kêu gọi vốn rất nhiều, nhưng không phải với mục đích xoay vòng vốn.

"Tôi đánh giá cao phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam tuy nhiên nó lại không liên quan tới phong trào startup trên toàn thế giới", ông Thành cho biết thêm.

Nói về cơ hội của các startup Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa cho hay: "Với kinh nghiệm làm tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp lớn trong nhiều năm, tôi cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những cơ hội. Và tôi nhìn thấy cơ hội duy nhất là mỗi cuộc cách mạng công nghiệp trên toàn cầu gần như xóa bỏ ngược lại ở một số điểm. Nếu như nhờ Internet, Ấn Độ vươn lên quốc gia toàn cầu, thì Việt Nam liệu có bắt kịp cơ hội này hay không? Nếu đi theo tịnh tiến thì Việt Nam đi sau 30 năm. Nếu xét về logic, môi trường và ngữ cảnh để đầu tư sáng tạo thì Việt Nam không có cơ hội.

Do đó, Việt Nam cần nhìn lại cuộc cách mạng này và xem Việt Nam đang đứng ở đâu. Chúng ta đang nói quá xa về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Duy Vũ

Cùng chuyên mục
XEM