Giải pháp tiềm năng mới cho hiện tượng nóng lên toàn cầu: Đất nông nghiệp với khả năng hấp thụ CO2

24/08/2020 13:30 PM | Xã hội

Công ty Soil Carbon đang phát triển một phương pháp cho phép cây cối hấp thụ carbon nhiều hơn bình thường. Cách làm này có thể giúp đất nông nghiệp hiện có hấp thụ được hàng tỷ tấn CO2/năm.

Trên các trang trại dọc Bờ biển Đông Australia, những nông dân đang thử nghiệm một cách tiếp cận mới để chống lại biến đổi khí hậu: trồng các hạt giống đã được phủ nấm vi sinh và vi khuẩn có thể giúp hấp thụ khí CO2 từ không khí.

Công ty Soil Carbon, startup đang phát triển công nghệ vi sinh mới này dựa trên nghiên cứu của Đại học Sydney, tin rằng nếu nó được áp dụng trên đất nông nghiệp trên toàn cầu, khoảng 8,5 tỷ tấn CO2 có thể được hấp thụ mỗi năm, tương đương với khoảng ¼ tổng lượng khí thải CO2.

Đất nông nghiệp áp dụng phương pháp này cũng có thể lưu trữ lượng khí CO2 trong thời gian dài hơn một số kỹ thuật “nông nghiệp tái sinh” khác cũng chung mục đích thu giữ carbon.

Thêm hỗn hợp vi sinh vào cây trồng trong trang trại cho phép chúng lưu trữ CO2 hiệu quả hơn. Trong chu trình carbon bình thường, thực vật hấp thụ CO2 thông qua quang hợp và một lượng khí sẽ di chuyển qua rễ cây vào đất.

Nhưng một phần CO2 đó nhanh chóng thoát ra không khí. Tuy nhiên, lớp phủ nấm và vi khuẩn giúp chuyển đổi CO2 thành một dạng có thể tồn tại trong đất lâu hơn, có thể kéo dài tới hàng trăm năm.

Quá trình này cũng làm cho đất màu mỡ hơn, vì vậy, nông dân sẽ có mùa màng bội thu hơn và có thể sử dụng ít phân bón hơn. Thay đổi có thể đạt được một cách tương đối đơn giản.

Giải pháp tiềm năng mới cho hiện tượng nóng lên toàn cầu: Đất nông nghiệp với khả năng hấp thụ CO2 - Ảnh 1.

Nông dân có thể mua hạt giống được phủ sẵn vi khuẩn hoặc tự thực hiện việc này. Theo Tegan Nock, đồng sáng lập của Soil Carbon, nông dân không cần phải thay đổi phương thức trồng trọt của họ và cũng không cần mua thiết bị mới.

Giữ CO2 trong đất là một công cụ chống lại biến đổi khí hậu, và có một số tranh luận xoay quanh tính hiệu quả của nó. Viện Tài nguyên Thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận đã nghiên cứu về vấn đề này, nói rằng những tuyên bố về lợi ích mà phương pháp này mang lại thường được phóng đại do CO2 trong đất có thể nhanh chóng thoát ra ngoài không khí.

Ví dụ, những người nông dân áp dụng phương thức nông nghiệp “không cày xới” có thể tạm thời thu giữ nhiều CO2 hơn, nhưng họ thường cày đất vài năm 1 lần và lại thải ra lượng khí này.

Tuy nhiên, phương pháp mới của Soil Carbon có thể chuyển đổi CO2 thành dạng ổn định hơn, nên nó có thể đạt được hiệu quả cao hơn.

Công ty này có kế hoạch tung sản phẩm ra thị trường trong vòng 2 năm sau khi kết thúc thử nghiệm ở Australia và Mỹ. Họ tin rằng hợp tác với nông dân là một trong những cách hứa hẹn nhất để giảm lượng CO2. Khác với những công nghệ mới như máy thu giữ CO2 tù không khí, ý tưởng của Soil Carbon có thể được mở rộng quy mô gần như ngay lập tức.

Guy Hudson, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Soil Carbon, nhận xét về sự thuận lợi của công nghệ vi sinh mới: “Tất cả đều nhận thức được rằng chúng ta cần phải rất nhanh chóng giảm một lượng lớn CO2 và chúng ta đang trong một cuộc đua để đạt được điều đó. Chúng ta có lực lượng lao động - khoảng một tỷ nông dân trên khắp thế giới làm việc ở lĩnh vực giao nhau giữa bầu khí quyền và đất mỗi ngày - và cơ sở hạ tầng đã có sẵn.”

Thêm vào đó, cây trồng có thể đóng vai trò tương tự như các máy thu khí CO2 trực tiếp với chi phí thấp hơn, trong khi nông dân có thể kiếm thêm tiền từ việc bán các tín chỉ carbon.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM