Giải pháp cấp bách giúp DN tránh phá sản: Chủ tịch VCCI đề xuất cho DN khấu trừ lỗ năm 2020 vào lợi nhuận 2019 hoặc chuyển lỗ vào thu nhập cho 5 năm sau

09/05/2020 12:39 PM | Kinh doanh

​"Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh 1 ngày thì doanh nghiệp sống, chậm 1 ngày doanh nghiệp sẽ không còn. Lúc ấy, biện pháp hà hơi tiếp sức không còn tác dụng", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế".

Chia sẻ tại hội nghị này, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: Cuối tháng 4 đầu tháng 5, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát lần thứ 2 về thực trạng của cộng đồng DN, có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh…

"Những con số này là ấn tượng và tốt hơn rất nhiều so với các con số về thực trạng DN mà VCCI công bố 1 tháng trước đó. Dẫu vậy, các doanh nghiệp vẫn đang hết sức khó khăn", ông Lộc nói.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI nêu 2 kiến nghị cụ thể:

Một là, đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét và bổ sung các giải pháp miễn, giảm một số sắc thuế; kéo dài thời gian, giãn, hoãn các khoản phải trả, phải nộp của doanh nghiệp trong 6 - 12 tháng.

Hai là, nới room, nâng trần tăng trưởng tín dụng để tiếp sức cho doanh nghiệp.

Biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Với nội dung miễn, giảm một số sắc thuế, trong bản đề xuất gửi Thủ tướng trước đó, Chủ tịch VCCI đề xuất cho phép doanh nghiệp khấu trừ các khoản lỗ của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vào năm lợi nhuận của năm 2019 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được chuyển lỗ vào thu nhập cho 5 năm tiếp theo.

Điều này cho phép doanh nghiệp chi trả nộp thuế trong vòng hai năm 2019 - 2020, quan trọng hơn là có thể giúp doanh nghiệp có lợi nhuận trong năm 2019 nhưng bị thua lỗ lớn trong năm 2020 có thể tránh phá sản do ảnh hưởng của đại dịch.

Kết quả khảo sát của VCCI về tác động của đại dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp cho thấy 92% số doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu so với năm 2019, khi 85% doanh nghiệp đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm. Gần 60% doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng thiếu vốn cũng như dòng tiền kinh doanh.

Trước thực trạng trên, việc giãn các thời hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP chưa có tác dụng hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vì khi ngừng hoạt động sẽ không phát sinh doanh thu, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân. Do đó, VCCI kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm 50% tiền thuê đất, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức giảm trừ gia cảnh thế thu nhập cá nhân và giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm (2020, 2021) đồng thời kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế lên 12 tháng.

VCCI cho rằng cơ quan chức năng cần sớm ban hành Nghị định cho thực hiện ngay việc hồi tố với chi phí lãi vay khi tính thuế trong hai năm 2017, 2018 và cho phép chuyển tiếp chi phí trong thời hạn 5 năm.

"Việc hồi tố và cho phép chuyển tiếp có đủ cơ sở pháp lý, bảo đảm lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Đây là việc làm hợp lý, hợp tình; góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào sự đồng hành chia sẻ của các cơ quan Chính phủ với những khó khăn của doanh nghiệp để họ có thể duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước", đề xuất nêu rõ.

"Biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền mà chỉ xin cơ chế", ông Lộc chia sẻ tại hội nghị.

"Nhưng điều quan trọng nhất là phải thúc đẩy thực thi thật nhanh, thật hiệu quả, công tâm các gói cứu trợ đã ban hành. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhanh 1 ngày thì doanh nghiệp sống, chậm 1 ngày doanh nghiệp sẽ không còn. Lúc ấy, biện pháp hà hơi tiếp sức không còn tác dụng".

Giải pháp cấp bách giúp DN tránh phá sản: Chủ tịch VCCI đề xuất cho DN khấu trừ lỗ năm 2020 vào lợi nhuận 2019 hoặc chuyển lỗ vào thu nhập cho 5 năm sau - Ảnh 2.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM