Giải ngoại hạng: Mảnh ghép không nhỏ của nền kinh tế Anh nhưng cũng chẳng thiếu “sạn”

01/06/2019 09:45 AM | Xã hội

Giải Ngoại hạng Anh mỗi năm mang lại nguồn thu thuế cả tỷ bảng Anh, thúc đẩy du lịch, việc làm nhưng cũng còn không ít vấn để nổi cộm.

Dù sinh sau đẻ muộn hơn rất nhiều bộ môn khác nhưng từ khi chớm nở vào thế kỷ 19, bóng đá đã nhanh chóng chinh phục hàng triệu người yêu thể thao trên toàn thế giới. Từ đó, môn thể thao vua đã không chỉ là món ăn tinh thần của người hâm mộ mà ở góc độ kinh tế, nó đã trở thành một thị trường được trị giá đến hơn 22 tỷ bảng Anh (năm 2015).

Nền bóng đá đã có những đóng góp lớn vào kinh tế toàn cầu nói chung và nhiều quốc gia nói riêng. Các nước nỗ lực để được đăng cai WorldCup, mong tận dụng cơ hội quáng bá văn hóa, du lịch và thúc đẩy kinh tế. Các giải đấu lớn như Cúp C1 Châu Âu hay Premier League (Ngoại hạng Anh) cũng mang về những khoản thu không hề nhỏ.

Đơn cử như Ngoại hạng Anh, một trong những giải đấu được mong chờ bậc nhất đã mang lại tác động mạnh mẽ cho nền kinh tế Vương Quốc Anh trong nhiều thập kỷ qua.

Theo báo cáo của Deloitte năm 2018, thị trường bóng đá châu Âu có giá trị khoảng 25 tỷ bảng Anh, trong đó giải Ngoại hạng đóng góp phần lớn doanh thu, vượt trội hơn 2 đối thủ đứng sau là Laliga và Cúp nhà vua Tây Ban Nha đến 86%.

Premier League được coi là một mảng ghép quan trọng trong nền kinh tế Anh

Đóng góp cho ngân sách khoản thuế cả tỷ bảng Anh

Theo một nghiên cứu về Premier League và các câu lạc bộ của công ty kế toán EY, giải đấu này mang về cho nền kinh tế xứ sở sương mù tới 7,6 tỷ bảng Anh.

Giải ngoại hạng: Mảnh ghép không nhỏ của nền kinh tế Anh nhưng cũng chẳng thiếu “sạn” - Ảnh 1.

Ở mùa giải 2016-2017, các cầu thủ đã chi trả 1,1 tỷ bảng Anh tiền thuế, chiếm 1/3 trong số 3,3 tỷ bảng mà cả giải đấu đã đóng góp cho Kho bạc. Cũng theo EY, tiền thuế từ Premier League và các câu lạc bộ tăng 50% kể từ mùa giải năm 2013-2014.

Tạo công ăn việc làm cho cả trăm ngàn người

Cũng theo EY, chỉ trong mùa giải 2013-2014, với tổng cộng 38 vòng đấu, Liên đoàn cùng các câu lạc bộ tham gia đã cung cấp hơn 100.000 việc làm toàn thời gian cho người lao động, tăng gần 9 lần so với năm 1998-1999. Phần lớn trong số đó được hỗ trợ bởi câu lạc bộ, từ trực tiếp đến gián tiếp và thông qua các chuỗi cung ứng liên quan. Kể từ đó, tác động kinh tế của Premier League về tiền mặt đã tăng khoảng 800%.

"Những số liệu mới nhất này cho thấy mức độ ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế của giải đấu, tạo ra việc làm và đóng góp thêm tiền vào ngân hàng.", theo Fox.

Giải ngoại hạng: Mảnh ghép không nhỏ của nền kinh tế Anh nhưng cũng chẳng thiếu “sạn” - Ảnh 2.

Giải đấu của nước Anh cũng thu hút 680.000 du khách nước ngoài tham dự trong năm 2016-2017, mang lại cho nền kinh tế nước này tới 555 triệu bảng. Thậm chí, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế, Tiến sĩ Liam Fox MP gọi Premier League như một "nguồn xuất khẩu đặc biệt của quốc gia".

Thúc đẩy một chu kỳ tăng trưởng

Dòng doanh thu chính của giải đấu bao gồm bán vé, hàng hóa, tài trợ, quảng cáo cũng như bán bản quyền phát sóng,… Sự phổ biến ngày càng tăng từ bóng đá cũng như việc là một trong những giải đấu danh giá hàng đầu đã làm xuất hiện thị trường truyền hình trả tiền, giúp Premier League thu về doanh thu phát sóng lớn hơn đáng kể so với các mức trước đây.

Vào mùa giải 1992 - 1993 (mùa giải đầu tiên của Premier League), tổng số tiền thu về từ bản quyền phát sóng là hơn 40 triệu bảng Anh, trong khi đến năm 2013-2014, con số này đã tăng lên hơn 1,7 tỷ bảng.

Những khoản thu này không chỉ cho phép các câu lạc bộ thực hiện trách nhiệm xã hội mà còn đầu tư vào tất cả các khía cạnh, từ phòng tập thể chất, đào tạo nhân tài,… cho vận động viên của họ.

Giải ngoại hạng: Mảnh ghép không nhỏ của nền kinh tế Anh nhưng cũng chẳng thiếu “sạn” - Ảnh 3.

Liên đoàn và các câu lạc bộ đã hỗ trợ 16.000 trường học thông qua chương trình Ngôi sao Premier League tương lai, đầu tư đáng kể vào hàng trăm cơ sở bóng đá cộng đồng trên khắp nước Anh và xứ Wales.

Điều này quay trở lại giúp sức ảnh hưởng của bóng đá thêm sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Tuy nhiên, giải Ngoại hạng Anh vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế 

Không thể không công nhận những đóng góp tích cực, to lớn của giải Ngoại hạng tới kinh tế, xã hội nước Anh nhưng những mặt tối của nó cũng nên được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Vấn nạn sử dụng chất gây nghiện, cocaine

Một báo cáo cho biết cocaine có liên quan đến sự gia tăng 45 % những vụ rắc rối, bao gồm bạo lực trên khán đài, vận động viên tràn xuống sân và tấn công cầu thủ. Việc sử dụng cocaine được cho là tăng vọt trong khi các câu lạc bộ vẫn bế tắc để tìm phương án giải quyết.

Thậm chí, phó cảnh sát trưởng Mark Roberts - lãnh đạo Hội đồng Cảnh sát Quốc gia về chính trị bóng đá đã đưa ra một phát ngôn gay gắt chưa từng thấy, rằng ngày nay, các câu lạc bộ chi hàng triệu bảng Anh cho những cầu thủ và cơ quan của mình nhưng lại rất ít vào việc trị an.

Giải ngoại hạng: Mảnh ghép không nhỏ của nền kinh tế Anh nhưng cũng chẳng thiếu “sạn” - Ảnh 4.

Mùa giải 2018-2109, có 2 người đã bị bắt tại Manchester City trong khi chỉ có 7 vụ bắt giữ được báo cáo trên khắp các sân của Spurs, Chelsea, Arsenal, Crystal Palace, Fulham và West Ham. Thậm chí, không một ai bị bắt vì tàng trữ cocaine tại sân Old Trafford, nơi mà đám đông lên tới 76.000 người.

Con số được cho là chẳng thấm thoát vào đâu so với hàng triệu người hâm mộ tham dự các trận đấu ở Premier League trong suốt mùa giải. Những sĩ quan cao cấp nói rằng tai họa cocaine hầu như không thể đối phó khi mà các câu lạc bộ vẫn thay thế cảnh sát bằng bảo vệ không chuyên vì chi phí thấp hơn.

Bội chi ngân sách

Đối với những fan ruột của bóng đá nói chung và giải Ngoại hạng nói riêng, bên cạnh những trận cầu đỉnh cao thì thị trường cùng các thương vụ chuyển nhượng cũng hấp dẫn không kém. Tại đây, các câu lạc bộ không ngần ngại chi khoản tiền khổng lồ để chiêu mộ cầu thủ tài năng.

Ở kỳ chuyển nhượng năm 2018, giải Ngoại hạng Anh đã chi hơn 450 triệu bảng Anh, tăng đáng kể so với mức 257 triệu bảng vào tháng 1 năm 2017. Trong bối cảnh chi tiêu tăng cao, Arsenal, Brighton, Huddersfield, Liverpool, Manchester City, Southampton và Swansea đều được thiết lập hồ sơ lệ phí chuyển nhượng mới.

Thị trường chuyển nhượng có thể là 1 ý tưởng tuyệt vời khi các câu lạc bộ giàu có có thể mang về cho mình những cầu thủ xứng đáng, giúp đội bóng đạt thành tích cao, thu về tiền bản quyền truyền hình cũng như từ các nguồn khác.

Giải ngoại hạng: Mảnh ghép không nhỏ của nền kinh tế Anh nhưng cũng chẳng thiếu “sạn” - Ảnh 5.

Tuy nhiên, trong trường hợp có bất kỳ rủi ro kinh tế chung nào xảy ra, chẳng hạn như Brexit, tai họa kinh tế trong tương lai, một cuộc khủng hoảng thanh khoản hoặc giảm doanh thu từ nhà tài trợ truyền hình hay tập đoàn, nhiều câu lạc bộ Premier League có khả năng cao rơi vào khủng hoảng tài chính.

Theo Fornbes, nếu như Trung Quốc đã đưa ra luật kiểm soát vốn, thuế và giá cụ thể để ngăn chặn nguy cơ bội chi cũng như quá lạm dụng các câu lạc bộ bóng đá thì Anh hay Liên đoàn bóng đá nước này gần như không có động thái gì. Trong khi đó, các câu lạc bộ lớn vẫn đang đối mặt với những khoản nợ khổng lồ như Manchester United (495,8 triệu bảng Anh), Arsenal (205,3 triệu bảng Anh) Liverpool (201,7 triệu bảng Anh),…

Giải ngoại hạng: Mảnh ghép không nhỏ của nền kinh tế Anh nhưng cũng chẳng thiếu “sạn” - Ảnh 6.

Sau cả trăm năm phát triển, bóng đá vẫn đang giữ được sức hút mạnh mẽ trong lòng người yêu thể thao khắp 5 châu và tiếp tục mang đến nhiều ảnh hưởng tích cực đến kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, những "hạt sạn" của giải Ngoại hạng nói riêng và nền bóng đá toàn cầu nói chung vẫn cần được xem xét và có biện pháp đầy đủ, để từ sân có đến khán đài, từ người hâm mộ đến các cầu thủ, nhà quản lý đều nhận lại được những giá trị tốt đẹp mà môn thể thao vua mang đến.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM