Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu

28/07/2021 21:00 PM | Xã hội

4,59 tỷ mét khối nước đã trút xuống một thành phố ở Trung Quốc trong tuần trước, một lượng nước tương đương với lượng mưa cả một năm.

Một người đàn ông ngồi trong chiếc ô tô đóng kín cửa, ngơ ngác nhìn dòng lũ chảy qua nắp capo. Xe của ông ấy bây giờ đã giống với một chiếc tàu ngầm nửa chìm nửa nổi hơn là một phương tiện chạy trên đường bộ.

Cách đó không xa trong một đường hầm tàu điện ngầm, một nhóm hành khách đang nối đuôi nhau men theo bờ kỹ thuật để kịp thoát ra ngoài. Ngay phía dưới chân họ, dòng nước chảy rất xiết giống như đường dẫn vào tua bin của nhà máy thủy điện thay vì một tuyến đường sắt cao tốc.

Nhưng họ vẫn còn may mắn hơn hàng chục hành khách khác, những người đang bị kẹt trên một chuyến tàu đã đi quá sâu vào đường hầm và không thể quay lại. Nhân viên đường sắt ban đầu hướng dẫn hành khách sơ tán ra khỏi toa, nhưng họ nhanh chóng được yêu cầu quay vào vì nước lũ đã dâng quá cao ở cả bốn phía.

Bất lực, tất cả hành khách chỉ có thể bám lấy những tay nắm phía trên đỉnh đầu để cố giành lấy phần không khí đang thu hẹp lại. Nước đã ngập quá ngực trong khi lực lượng cứu hộ chưa tới. Một số hành khách đã gọi điện về nhà và đọc password tài khoản ngân hàng cho gia đình. Một vài người phụ nữ khóc nức nở trong khi nói những lời cuối mà họ muốn nhắn gửi.

Hành khách mắc kẹt trong tàu điện ngầm ở Trịnh Châu ngày 20/7

Tất cả những cảnh tượng này không xảy ra trong một bộ phim, mà đều là những video có thật trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc những ngày qua. Một trận lũ lịch sử đã quét qua thành phố Trịnh Châu, thuộc tỉnh Hà Nam và giết chết ít nhất 56 người, trong đó có 13 người mắc kẹt trong đường tàu điện ngầm và 4 người mắc kẹt bên trong một hầm đường bộ cao tốc khác.

Con số tử vong có thể đã cao hơn nếu không có một cựu lính biệt kích giải phóng quân dũng cảm bơi ngược vào đường hầm và cứu ra ngoài một số nạn nhân đang tuyệt vọng. Truyền thông địa phương nhanh chóng xác định được danh tính người anh hùng ở Trịnh Châu của họ, Yang Junkui, 45 tuổi đã giải ngũ và về làm tài xế cho Caocao, một dịch vụ gọi xe giống với Grab.

Ông Yang đang lái xe vào đường hầm cùng với khoảng 300 chiếc xe ô tô khác thì dòng lũ bắt đầu chặn họ kẹt cứng lại. Thấy nước trong xe bắt đầu dâng lên mà không có dấu hiệu dừng lại, Yang đã ra khỏi xe, cố lội đến từng chiếc ô tô xung quanh mình và gõ cửa yêu cầu họ thoát ra ngoài trước khi chiếc xe bắt đầu nổi lên.

Khi thấy 3 người phụ nữ dường như không biết bơi đã bị hai người đàn ông bỏ lại gần đó trên nóc một chiếc xe đã chìm hẳn, Yang đã bơi tới chỗ họ dìu từng người một thoát ra ngoài và tới một địa điểm an toàn. Sau đó, ông cố gắng quay lại cứu những người lái xe bị kẹt khác nhưng không thành công. Một vết thương ở chân cuối cùng khiến ông phải bỏ cuộc.

Đội cứu hộ sau đó đã tới, tháo nước khỏi đường hầm và xác nhận ít nhất 4 người đã chết và nhiều nạn nhân vẫn mất tích.

Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 2.
Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Trong suốt 1 tuần qua, Trịnh Châu đã phải hứng chịu một trận lũ lịch sử mà truyền thông Trung Quốc gọi là sự kiện "ngàn năm có một". Tại một số trạm quan trắc ở Trịnh Châu, mực nước mưa ghi nhận thậm chí được khẳng định là "5.000 năm mới có một lần".

Có những thời điểm Trịnh Châu đã phải hứng chịu một lượng mưa gần 200 mm trong vòng một tiếng đồng hồ. Trong 3 ngày liên tiếp, lượng mưa ghi nhận được đã lên tới 617 mm – tương đương với lượng mưa trong cả một năm.

Đỉnh điểm là khoảng 24 tiếng đồng hồ từ tối ngày Thứ Hai (19/7) đến tối ngày Thứ Ba (20/7), tổng lượng mưa tích lũy lên tới 552 mm.

Mưa lớn không chỉ xảy ra ở Trịnh Châu, mà trên toàn bộ tỉnh Hà Nam, một trong những khu vực đông dân nhất Trung Quốc với 94 triệu người. Hà Nam có 3.535 trạm quan trắc thời tiết thì có tới 1.614 trạm báo cáo lượng mưa trên 100 mm. 151 trạm báo cáo con số trên 250 mm và lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh là 50 mm.

Tại thành phố Lạc Dương, chính quyền địa phương cho biết mưa đã làm thủng 20 mét đập Yihetan và đặt nó vào tình trạng "có thể vỡ bất cứ lúc nào". Quân đội Trung Quốc sau đó đã được huy động để tiến hành nổ mìn phá đập, nhằm phân tán dòng lũ theo hướng giảm thiểu thiệt hại nhất.

Trên toàn tỉnh Hà Nam, 14 hồ chứa nước của họ cũng đã xả tràn. Lụt lội và lở đất xuất hiện ở mọi nơi, khiến 200.000 người phải sơ tán khẩn cấp và 1 triệu người khác vẫn phải ở trong phạm vi bị ảnh hưởng.

Những cảnh tượng siêu thực trong trận lụt ở Trịnh Châu, một hậu quả của biến đổi khí hậu

Ren Guoyu, một chuyên gia tại Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc cho biết trên tờ Global Times, trận lũ lụt lịch sử xảy ra ở tỉnh Hà Nam lần này là do hiện tượng "hoàn lưu khí quyển trên quy mô hành tinh có diễn biến bất thường".

Theo đó, mưa lớn xảy ra xảy ra ở một địa điểm nằm sâu trong đất liền như Trịnh Châu là kết quả của ba điều kiện khí tượng cùng hội tụ. Đầu tiên, khu vực miền nam Trung Quốc đã có sẵn một lượng hơi ẩm nhiệt đới bao trùm từ nhiều ngày trước. Kế đó, bão Cempaka đã đổ bộ vào thị trấn Dương Tiêm, phía tây Hong Kong tiếp thêm hơi ẩm được đưa vào từ Biển Đông.

Cuối cùng, điều kiện thứ ba là bão In-Fa di chuyển về phía bắc đảo Đài Loan. Một lần nữa, cơn bão này tiếp tục dồn hơi nước từ biển Hoa Đông vào sâu trong đất liền Trung Quốc.

Và khi nói đến một lượng mưa lớn, các nhà khí tượng học thường đề cập đến chỉ số nước tích tụ (precipitable water hay PWAT), tính bằng tổng lượng hơi ẩm có trong một cột không khí thẳng đứng.

Nếu PWAT lớn hơn 1,5 inch (tương đương 38,1 mm) nghĩa là khi tất cả nước trong cột không khí đó rơi xuống thành mưa, thì nó sẽ tạo ra một cột nước cao 38,1 mm trên mặt đất. Mức độ này được tính là một trận mưa lớn.

PWAT trên 2 inch (tương đương 508 mm) là chỉ số của một trận mưa nhiệt đới. Tại Trịnh Châu, PWAT trong tuần trước đo được lên tới 3 inch (tương đương 762 mm).

Chỉ số PWAT cao gây ra hai tác động. Đầu tiên, rõ ràng là nó cung cấp độ ẩm cần thiết để tạo ra những trận mưa như trút nước. Phần lớn lượng ẩm đó đã tích tụ sẵn dọc theo frông Meiyu, một dải thời tiết gần như đứng yên trong tầng bình lưu thấp làm nhiệm vụ đưa hơi nước từ bờ biển phía đông Trung Quốc vào đất liền trong suốt mùa hè.

Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 5.

Kế đó, PWAT cao nghĩa là nó làm tăng hiệu suất rơi cho từng hạt mưa. Bình thường khi PWAT thấp, một giọt mưa rơi xuống đất gặp tầng không khí khô bên dưới sẽ bị bay hơi mất từ 30-40% thế tích. Nhưng khi PWAT cao, độ bão hòa hơi ẩm có thể dồn toàn bộ hạt mưa xuống bề mặt, xếp chồng chúng lên nhau để tạo ra một cơn lũ trong thời gian cực kỳ ngắn.

Tất cả những yếu tố này hợp lại đã tạo ra trận lũ lịch sử ở Trịnh Châu. Theo Tổ chức Khí Tượng Thế giới, cơn mưa tuần trước của họ đã phá cả kỷ lục thế giới về một trận mưa lớn nhất từng ảnh hưởng tới một thành phố lớn.

Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 6.

Nhưng giải thích hiện tượng mưa lũ ở Trịnh Châu chỉ dựa trên 3 yếu tố khí hậu cực đoan, trong đó có 2 cơn bão đến cùng lúc đồng nghĩa với việc phủ nhận vai trò của biến đổi khí hậu. Global Times cho biết Ren Guoyu thậm chí đã "bác bỏ mối liên hệ" giữa hai vấn đề đó.

Trong khi, cách gọi sự kiện "ngàn năm mới có một lần" cũng có thể gây hiểu lầm, rằng những trận lũ lụt tương tự sẽ không lặp lại ở Trung Quốc trong ít nhất 1.000 năm nữa. Trên thực tế, một số chuyên gia cho biết chúng ta có thể đã bỏ quên một con voi ở trong phòng. Và các hiện tượng thời tiết cực đoan như thế này sẽ ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn.

Liu Junyan, Trưởng Dự án Khí hậu và Năng lượng của Tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á khẳng định: "Nếu không có tác động của biến đổi khí hậu, thật khó để tưởng tượng một lượng mưa lớn như vậy có thể xảy ra ở một thành phố nằm sâu trong lục địa như Trịnh Châu".

Có lẽ vì đang là một nước phát triển nóng, chiếm lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, mà truyền thông Trung Quốc hiếm khi thừa nhận mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và những sự kiện thời tiết cực đoan như vậy. "Rất thận trọng, họ về cơ bản tránh nói về nó", Junyan cho biết.

Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 7.

Tại Trung Quốc, lũ lụt thường xảy ra vào mỗi mùa mưa, cao điểm trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Mùa lũ năm ngoái ngay giữa đại dịch COVID-19, Trung Quốc cũng đã phải hứng chịu một lượng mưa lớn trong 41 ngày liên tiếp. Ít nhất 219 người đã thiệt mạng, 4 triệu người phải sơ tán và gần 64 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Ước tính cho thấy từ năm 1950 đến năm 2018, lũ lụt ở Trung Quốc đã trực tiếp giết chết hơn 280.000 người và gây ra thiệt hại hơn 6.000 tỷ USD. Và mọi thứ đang dần tồi tệ lên theo xu hướng biến đổi khí hậu. Lũ lụt đã xuất hiện thường xuyên hơn, mạnh hơn và gây ra thiệt hại lớn hơn. Thậm chí, những trận mưa lớn bắt đầu tấn công vào các vùng trước đây ít khi phải đối mặt với chúng.

Ngay trước trận lũ lịch sử ở Trịnh Châu năm nay, vào tháng 6 ở Hotan, một thành phố ở vùng viễn tây của Tân Cương, Trung Quốc cũng đã phải hứng chịu một trận mưa lớn kỷ lục. Điều đáng chú ý là Tân Cương là một vùng đất khô cằn và hiếm khi có mưa lớn. Người dân ước tính lượng nước trong chỉ một trận mưa hồi tháng 6 đã bằng tổng lượng mưa trong 2 năm ở Hotan cộng lại.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đã xảy ra ở nhiều vùng của Trung Quốc trong mùa hè này. Hàng trăm nghìn cư dân ở tỉnh Tứ Xuyên đã phải di dời từ đầu tháng 7 do lũ lụt và lở đất.

Tổ chức Hòa bình Xanh cho biết khi Trung Quốc đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, các thành phố của họ sẽ mọc lên song hành cùng với nguy cơ phải đối mặt với lũ lụt. Do đó, chuẩn bị cơ sở hạ tầng là một việc làm hết sức cần thiết.

Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 8.
Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 9.

Thật đáng tiếc, đa số các công trình đô thị được xây dựng ở Trung Quốc từ trước đến nay đã không tính đến những trận lũ mà họ phải đối mặt trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như đường hầm cao tốc bị ngập nước ở Trịnh Châu được xây dựng từ năm 2011, nó được thiết kế với một hệ thống bơm thoát nước riêng, có thể hứng chịu những trận mưa lịch sử nửa thế kỷ mới có một lần.

Nhưng rõ ràng, trận mưa lớn tuần trước là một sự kiện được đánh giá là "ngàn năm có một". Việc nó áp đảo cơ sở hạ tầng và gây ra ngập lụt là điều không thể tránh khỏi, Zhang Mingying, một chuyên gia thời tiết tại Cục Khí tượng Bắc Kinh cho biết.

Mingying ước tính ngay cả một hệ thống thoát nước nổi tiếng như ở Tokyo cũng sẽ không thể xử lý được trận mưa tuần trước ở Trịnh Châu. Nếu họ có một hệ thống giống Tokyo để thoát được 200 mét khối nước mưa mỗi giây, Trịnh Châu cũng sẽ phải mất 6.000 giờ để thoát được 4,59 tỷ mét khối nước đã rơi xuống thành phố trong tuần trước.

Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 10.

Đó thực sự không phải chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc. Ngay tuần trước ở Châu Âu, một trận lũ lịch sử cũng đã xảy ra ở Đức và khiến 196 người thiệt mạng. Vùng Bavaria thuộc miền đông nước này đã hứng chịu một trận mưa 150 mm, tương đương với lượng nước rơi xuống trong vòng 2 tháng.

Kai Schroeter, một nhà thủy văn học người Đức cho biết Châu Âu từng hứng chịu nhiều đợt mưa lũ lớn, song lượng nước khổng lồ và sự tàn phá kinh hoàng của trận lụt lần này là "chưa từng thấy" trong lịch sử.

Quang cảnh lũ lụt ở Đức cũng chẳng khác gì Trịnh Châu, biển nước đã nhấn chìm đường tàu hỏa, ô tô và nhà cửa. John Butschkowski, một tài xế của Hội Chữ Thập Đỏ tham gia công tác cứu hộ ở miền tây nước Đức cho biết: "Thật là sốc và tôi phải nói là thật đáng sợ. Một khung cảnh ma quái, tất cả người đã biến mất và xung quanh chỉ toàn là rác rưởi. Tôi không thể tưởng tượng nổi điều này đang xảy ra ở Đức".

Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 11.
Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 12.

Một nghiên cứu trên tạp chí Geophysical Research Letters công bố ngày 30 tháng 6 cho biết biến đổi khí hậu sẽ làm tăng số lượng cơn bão lớn tấn công Châu Âu. Không chỉ có vậy, những cơ bão này sẽ di chuyển chậm và có thể tồn tại lâu hơn để tạo ra mưa lớn kéo dài và lũ lụt.

Khi bầu khí quyển ấm lên cùng với sự thay đổi khí hậu, nó cũng giữ được nhiều hơi nước hơn, có nghĩa là khi các đám mây mưa tan vỡ, lượng nước được giải phóng sẽ ngày càng lớn. Theo tính toán bằng mô phỏng máy tính của các nhà khoa học, từ nay cho đến cuối thế kỷ, các cơn bão như vậy có thể xảy ra ở tần suất thường xuyên hơn gấp 14 lần so với hiện nay.

Trên phạm vi toàn cầu, Báo cáo đánh giá lần thứ năm của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu cho thấy nguy cơ lũ lụt cũng sẽ gia tăng trong những năm tới. Trong một kịch bản nghiêm trọng nhất với mức gia tăng dân số và phát thải khí nhà kính cao, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm 4°C và lũ lụt được dự báo sẽ ảnh hưởng đến thêm 2,4 triệu người mỗi năm, nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Châu Á và Châu Âu.

Vào cuối thế kỷ này, Trung Quốc được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt, với 40 triệu người bị ảnh hưởng và thiệt hại 130 tỷ USD mỗi năm. Điều đó đặt ra cho họ những nhiệm vụ cấp bách nếu không muốn những sự kiện như ở Trịnh Châu lặp lại.

Fred Hattermann, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam cho biết: "Bạn cần các biện pháp kỹ thuật, củng cố các con đê và các rào cản lũ. Nhưng chúng ta cũng cần tu sửa các thành phố".

Gia cố đê bao và nhà ở, đường xá và cơ sở hạ tầng đô thị có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu sẽ tốn hàng tỷ USD. Nhưng những video quay lại cảnh hàng chục người Trung Quốc tuyệt vọng trong một toa tàu điện ngầm ngập nước, hoặc những người Đức khóc trong sợ hãi khi bùn và mảnh vỡ quét qua thị trấn có từ thời Trung Cổ của họ cho thấy rõ cái giá phải trả nếu các chính phủ không làm gì.

"Trước hết họ, các chính phủ, nên nhận ra rằng cơ sở hạ tầng mà họ đã xây dựng trong quá khứ hoặc thậm chí là những cơ sở gần đây rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như thế này", Eduardo Araral, phó giáo sư và đồng giám đốc tại Viện Chính sách Nước tại Trường Lý Quang Diệu, Singapore nhấn mạnh.

Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 13.
Giải mã trận lũ 5.000 năm mới có một lần ở Trung Quốc: Những cảnh tượng siêu thực chỉ có trong thời đại biến đổi khí hậu - Ảnh 14.

Chỉ 2 tháng trước, chính quyền tỉnh Hà Nam đang xúc tiến đầu tư vào một dự án "đường hầm thông minh", một đường hầm cao tốc 4 làn xe giống với đường hầm ở Trịnh Châu đã bị ngập.

Trong đó, họ sẽ lắp đặt các cảm biến có thể được sử dụng để theo dõi và định vị chính xác bất kỳ người hoặc phương tiện nào cũng như giám sát chặt chẽ các máy bơm nước của đường hầm. Một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để phân tích ngay lập tức các vấn đề và đề xuất giải pháp, bao gồm cả giải pháp chống ngập.

Không rõ liệu trí tuệ nhân tạo có thể giúp các hệ thống bơm hoạt động kịp thời và hiệu quả hơn không, nhưng cho đến thứ Sáu tuần trước, chính quyền Trịnh Châu vẫn đang phải huy động một lượng lớn sức người để tháo nước ra khỏi con hầm cao tốc của họ.

Một cặp máy bơm có kích thước khổng lồ gần bằng động cơ phản lực thương mại đã được sử dụng. Nhưng trong hầm, nước bùn vẫn ngập sâu đến mức chỉ để lộ ra nóc của một chiếc ô tô màu trắng bên trong.

Nhiều người dân Trịnh Châu đã tiếp tục quay và tường thuật hoạt động cứu hộ lên trên mạng xã hội Weibo.

"Tôi chưa bao giờ chứng kiến một trận lụt lớn như vậy. Trong những mùa lũ trước, nước chưa bao giờ dâng cao quá 2 bậc thềm vỉa hè", Liu Chunge, 50 tuổi, chủ của một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở ngay đầu đường hầm cho biết. Nhưng lần này, nước đã tràn cả vào cửa tiệm của bà và khiến chiếc tủ đông đựng kem nổi lềnh bềnh.

Về phần mình, ông Yang, người lính biệt kích giải ngũ chạy xe Caocao đã được hãng này tặng một chiếc xe điện mới trị giá 25.000 USD vì hành động cứu người dũng cảm của mình. Nhưng phần thưởng chưa được trao, bởi Yang trước đó đã phải vội về quê nhà của mình, một ngôi làng ở phía bắc Trịnh Châu cũng sắp bị ngập do hồ chứa nước gần đó vẫn đang xả lũ.

Huyền Trang

Cùng chuyên mục
XEM