Giải mã chuyện "vua thép ASEAN" Trần Đình Long tham vọng làm điều hòa, tủ đông quy mô tỷ đô lớn nhất Việt Nam, thậm chí đem 50% đi xuất khẩu

26/10/2021 11:03 AM | Kinh doanh

Theo thông tin từ Bloomberg, Hoà Phát đặt mục tiêu doanh thu sản xuất đồ điện gia dụng đạt 1 tỷ USD vào năm 2030 và trở thành nhà sản xuất thiết bị cho gia đình lớn nhất Việt Nam.

Suốt 2 năm, từ tháng 1/2020 đến nay, người xem truyền hình cả nước đã trở nên quen thuộc với phim quảng cáo tủ đông Hòa Phát chính thức phát sóng khung giờ vàng VTV ngay sau chương trình thời sự. Đây có thể xem là bước tiến mạnh mẽ về mặt marketing của tập đoàn Hòa Phát đối với dòng sản phẩm điện máy gia dụng - lĩnh vực đang được tỷ phú thép Trần Đình Long đặc biệt chú trọng trong thời gian sắp tới.

Giải mã chuyện vua thép ASEAN Trần Đình Long tham vọng làm điều hòa, tủ đông quy mô tỷ đô lớn nhất Việt Nam, thậm chí đem 50% đi xuất khẩu - Ảnh 1.

Quảng cáo giờ vàng nhanh chóng phát huy tác dụng. Chỉ trong 1,5 tháng đầu tiên, sản lượng bán ra các sản phẩm tủ lạnh, tủ đông đã tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ. Mặc dù chưa đến các tháng nóng nhưng sản lượng điều hòa cũng tăng gấp gần 2,5 lần. Dòng bán chạy nhất là dòng tủ đông dạng nằm truyền thống được các hộ kinh doanh, nhà hàng ưa chuộng. 

Việc phát triển dòng sản phẩm tủ đông của Hòa Phát càng gặp nhiều thuận lợi trong thời gian giãn cách do Covid, nhu cầu tích trữ thực phẩm tăng cao đột biến. Từ quý 4/2021, Hoà Phát quyết định thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát, đầu tư lớn vào ngành hàng điện máy gia dụng.

Sau khi cơ cấu lại, Tập đoàn Hòa Phát sẽ hoạt động trong 5 lĩnh vực: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản - Điện máy gia dụng.

Theo thông tin từ Bloomberg, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu sản xuất đồ điện gia dụng đạt 1 tỷ USD vào năm 2030 và trở thành nhà sản xuất thiết bị cho gia đình lớn nhất Việt Nam. Với 4 nhà máy Tủ lạnh, Tủ đông, Cơ khí và Nhà máy Nhựa, các sản phẩm của thương hiệu Điện lạnh Hòa Phát Funiki được tăng cường sản xuất nhằm đáp ứng hàng cho các đại lý, nhà phân phối và được người tiêu dùng ủng hộ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều sản phẩm của Công ty.

Tham vọng là vậy, nhưng ở thời điểm hiện tại, thị phần của điện lạnh Hòa Phát vẫn ở mức thấp so với các ông lớn như Panasonic, Daikin, LG, Toshiba, Sharp... Doanh thu Điện lạnh Hòa Phát đạt khoảng 1.000 tỷ đồng trong 2 năm gần nhất 2019 và 2020, khá khiêm tốn so với doanh thu năm 2020 là 13.565 tỷ của Panasonic Việt Nam, và 12.109 tỷ đồng của Daikin năm 2019.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2021 của tập đoàn Hòa Phát công bố những kỷ lục mới. Theo đó quý vừa qua Hoà Phát đạt 38.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 56% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế vượt 10.000 tỷ đồng (10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu hơn 105.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 27.100 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 60% và 200% so với cùng kỳ 2020. 

Với vị thế của một tập đoàn hàng đầu ngành thép Đông Nam Á, Hòa Phát có cơ sở để dành nhiều nguồn lực hơn nữa nhằm bứt phá trong ngành điện gia dụng, không chỉ ở thị trường nội địa mà còn hướng tới khu vực. Tập đoàn này cho biết sẽ tập trung vào các sản phẩm gồm máy điều hòa không khí, tủ lạnh, máy lọc nước và máy giặt với 50% sản lượng dành cho xuất khẩu.

Vậy cơ sở nào khiến Hoà Phát tự tin quyết tâm dồn lực cho mảng điện gia dụng, dù doanh thu còn khá khiêm tốn so với các đối thủ lớn mạnh trên thị trường hiện nay?

Khai thác lợi thế từ mảng sắt thép

Thông tin từ Hòa Phát cho biết, họ đang ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm điện lạnh, hàng gia dụng thiết kế hiện đại, chất lượng và giá thành cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để hướng mạnh ra xuất khẩu. Lợi thế có thể xem là đáng gờm nhất của tập đoàn này chính là nguồn nguyên vật liệu sắt thép.

Giải mã chuyện vua thép ASEAN Trần Đình Long tham vọng làm điều hòa, tủ đông quy mô tỷ đô lớn nhất Việt Nam, thậm chí đem 50% đi xuất khẩu - Ảnh 3.

Trong báo cáo "Tái chế chất thải điện tử - xu thế và kinh nghiệm tại Việt Nam", Phó Giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Trung Hải, Đại học Bách khoa Hà Nội từng cho biết về tỷ lệ vật liệu có thể tái chế từ một số thiết bị điện tử gia dụng như sau:

Tủ lạnh

Từ mỗi chiếc tủ lạnh cũ có thể thu được 10-15kg thép, 1,5-2kg đồng, gần 1kg nhôm, hơn 10kg nhựa cách nhiệt, ngoài ra còn có các linh kiện và bộ phận nhỏ. Tỷ lệ vật liệu có thể tái chế gần 40% trọng lượng.

Máy giặt

Từ mỗi chiếc máy giặt cũ có thể thu được khoảng 10kg thép, 1kg đồng, 0,5-1kg nhôm, 10kg nhựa, ngoài ra còn có bơm và môtơ. Tỷ lệ vật liệu có thể tái chế: Khoảng 30% trọng lượng.

Máy điều hòa nhiệt độ

Từ mỗi chiếc máy điều hòa nhiệt độ không khí bỏ đi, có thể thu được khoảng 20kg thép, 2-3kg đồng, gần 1,5kg nhôm; ngoài ra có thể tái sử dụng động cơ. Tỷ lệ vật liệu có thể tái chế: Khoảng 75% trọng lượng.

Như vậy có thể thấy thép chiếm tỷ lệ khá lớn trong những sản phẩm mà Hoà Phát nhắm tới gồm máy điều hòa không khí, tủ lạnh, máy lọc nước và máy giặt. Việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào xét về mặt chuỗi giá trị sẽ giúp Hoà Phát có giá thành cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu hay những công ty sản xuất điện gia dụng khác trên thị trường.

Đón đầu làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc

"Trung Quốc gặp 2 vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lớn phải chuyển sản xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam", chủ tịch Trần Đình Long cho biết. Hai trở ngại Trung Quốc gặp phải được ông đề cập là GDP bình quân đầu người vượt ngưỡng 10.000 USD và tình trạng thiếu hụt năng lượng gần đây gây áp lực tăng chi phí.

Bằng chứng rõ nhất cho tầm nhìn đón làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc của Hoà Phát chính là câu chuyện mảng kinh doanh sắt thép. Lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh đóng vai trò chủ đạo của tập đoàn này. Từ năm 2018, tập đoàn  này dồn lực cho đại dự án Hòa Phát Dung Quất và sang đến năm 2020, một loạt cấu phần của liên hiệp này cũng đã đi vào hoạt động.

Trong khi đó Trung Quốc - nơi sản xuất một nửa lượng thép trên thế giới trong năm 2020 chuyển dịch các nhà máy lớn ra ven biển và đóng cửa một số nhà máy có công nghệ lạc hậu nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời từ giữa năm 2020, Trung Quốc liên tục tung ra các biện pháp kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng kéo theo nhu cầu thép tăng cao. Trung Quốc phải nhập khẩu 38,5 triệu tấn thép, tăng 150%.

Không chỉ giảm nguồn cung từ Trung Quốc, giá nguyên vật liệu sản xuất thép trên thế giới cũng liên tục tăng vọt. Đầu tiên là giá quặng sắt đang ở mức cao nhất trong 10 năm. Giá quặng sắt đã tăng mạnh trong tháng 12/2020, từ mức chỉ 115 USD/tấn tại thời điểm đầu tháng 4/2021 đã tăng lên mức 140 USD/tấn khi kết thúc năm, mức cao nhất kể từ năm 2021, theo thống kê của VnDirect. Giá quặng sắt sau đó đã tiếp tục tăng và đạt mức trung bình 159,9 USD/tấn trong quý 1/2021. Giá than cốc cũng tăng mạnh do bất ổn trong giao thương mặt hàng này giữa Trung Quốc và Australia.

Giải mã chuyện vua thép ASEAN Trần Đình Long tham vọng làm điều hòa, tủ đông quy mô tỷ đô lớn nhất Việt Nam, thậm chí đem 50% đi xuất khẩu - Ảnh 4.

Kết quả dễ thấy trong báo cáo thường niên năm 2020 khi doanh thu nhóm sắt thép tăng trưởng 81%, lợi nhuận từ các sản phẩm thép tăng 94%. Thép xây dựng và ống thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số 1 tại Việt Nam, lần lượt là 32,5% và 31,7%. Sản phẩm Tôn Hòa Phát tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ tới gần 150% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép rút dây, mạ dây, thép thanh dự ứng lực (PC Bar) đạt 100.000 tấn, xuất khẩu 30.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2019.

Về mảng điện gia dụng, cũng cần nói thêm Hoà Phát không phải tay mơ. Họ vốn có công ty hoạt động trong lĩnh vực điện lạnh là Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát. Đơn vị này thành lập 2001, chuyên sản xuất tủ lạnh, tủ đông, tủ mát thương hiệu Hòa Phát và Funiki. Điện lạnh Hòa Phát có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, 99,7% vốn thuộc sở hữu Tổng công ty sản phẩm thép Hòa Phát. Nhiều năm liền, Điện lạnh Hoà Phát đứng trong Top 500 Doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất cho Nhà nước.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM