Giai đoạn “tiền rẻ” kết thúc, Co-founder Do Ventures tiết lộ tiêu chí để nhà đầu tư quyết định xuống tiền

22/12/2022 14:48 PM | Kinh doanh

Theo phân tích của Crunchbase News, trong quý III/2022, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Đông Nam Á thu hút 3,72 tỷ USD, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý II/2022. Với tình hình bối cảnh kinh tế rất khó khăn trên thế giới, dòng vốn đi vào đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2022 ở Việt Nam cũng có xu hướng chậm lại. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022 so với 2021, tổng giá trị đầu tư giảm khoảng 18% và tổng số thương vụ giảm 13%.

Giai đoạn “tiền rẻ” kết thúc, Co-founder Do Ventures tiết lộ tiêu chí để nhà đầu tư quyết định xuống tiền - Ảnh 1.

Giám đốc điều hành Do Ventures Lê Hoàng Uyên Vy cho biết, n guyên nhân khiến dòng vốn đi vào đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2022 ở Việt Nam có xu hướng chậm lại phần lớn đến từ các yếu tố vĩ mô thay vì những yếu tố của từng công ty hay những yếu tố riêng của thị trường Việt Nam.

Việt Nam - Một trong ba tam giác vàng khởi nghiệp của Đông Nam Á

Trong năm 2022, Việt Nam được đánh giá là một trong ba tam giác vàng khởi nghiệp cùng với Singapore và Indonesia. Theo chị, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam có gì khác với 2 nước còn lại?

Tôi nghĩ lợi thế dễ nhìn thấy nhất là chất lượng của nhân tài công nghệ ở Việt Nam. Tôi không dám nhận xét cho cả thị trường khu vực, nhưng khi tôi trao đổi với các nhà đầu tư về lý do lựa chọn Việt Nam thì hầu hết họ đều nói rằng chất lượng kỹ sư công nghệ ở Việt Nam được đánh giá rất cao so với những nước trong khu vực như Indonesia hay Singapore.

Chưa kể, chi phí để thuê các kỹ sư công nghệ ở Singapore vô cùng cao. Cho nên, nếu cùng một sản phẩm công nghệ, chắc chắn là sản phẩm do kỹ sư công nghệ Việt làm sẽ có giá rẻ hơn so với sản phẩm phải thuê kỹ sư bên Singapore làm. Chẳng hạn, Do Ventures có đầu tư cho Palexy - công ty chuyên về công nghệ deep tech. Nếu công ty này xây dựng ở nước ngoài thì sẽ tốn cực kỳ nhiều chi phí, nhưng vì công ty ở Việt Nam nên chỉ trong vòng ba năm Palexy đã có thể hòa vốn. Kết quả này vô cùng kinh ngạc, bởi với yêu cầu một lực lượng kỹ sư về dữ liệu AI chất lượng cao như vậy thì rất khó để có thể hòa vốn được trong một thời gian ngắn. Nhưng vì kỹ sư công nghệ Việt Nam có kỹ năng vô cùng cao và chi phí doanh nghiệp bỏ ra để thuê họ lại rất hợp lý nên có được những kết quả như trường hợp của Palexy là điều có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi thế, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức khi được đánh giá là một trong ba tam giác vàng khởi nghiệp ở khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Việt Nam vẫn là thị trường có mức GDP thu nhập bình quân đầu người thấp so với một số quốc gia như Thái Lan, Singapore dẫn đến mức tiêu dùng chưa chắc đã quá hấp dẫn với một số nhà đầu tư. Đây là thách thức tôi nghĩ Việt Nam phải vượt qua để bắt kịp với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, nếu so với 2021, các thương vụ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong năm 2022 có vẻ kém sôi động hơn. Theo chị nguyên nhân do đâu?

Về bản chất, tôi nghĩ rằng thị trường Việt Nam trong quý I, quý II/2022 đã may mắn có lợi thế vì nhiều nhà đầu tư nghĩ Việt Nam là thị trường mới và tiềm năng, các startup có mức định giá rẻ so với khu vực. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian này, mặc dù kinh tế thế giới đã có nhiều dấu hiệu chậm lại nhưng Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Tuy nhiên, quý III và quý IV/2022 là thời điểm các dòng vốn đầu tư có xu hướng chậm lại. Có thể thấy nguyên nhân phần lớn đến từ các yếu tố vĩ mô thay vì những yếu tố của từng công ty hay những yếu tố riêng của thị trường Việt Nam.

Cụ thể, yếu tố vĩ mô ở đây liên quan đến việc lãi suất tăng cao, lạm phát tăng, dòng tiền trên thế giới sẽ có những sự dịch chuyển nhất định. Tức là các nhà đầu tư sẽ giảm bớt những dòng tiền đổ vào các khoản đầu tư quá mạo hiểm nhằm cân đối lại danh mục đầu tư để giảm bớt rủi ro trong thời gian này.

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, lĩnh vực nào vẫn được các nhà đầu tư rót vốn nhiều nhất trong năm 2022?

Tính riêng 9 tháng đầu năm, bán lẻ vẫn là ngành nhận được nhiều vốn đầu tư nhất với sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình thương mại điện tử. Lĩnh vực được đầu tư nhiều thứ hai là dịch vụ tài chính với một số mô hình nổi bật như quản lý tài chính cá nhân, bảo hiểm… Theo sau đó là y tế, với tổng lượng vốn đầu tư tương đương với năm 2021 và giáo dục là lĩnh vực được đầu tư nhiều thứ tư.

Giai đoạn “tiền rẻ” kết thúc là cơ hội cho các Startup phát triển?

Có thể thấy thời đại “tiền rẻ” đã kết thúc, liệu các nhà đầu tư mạo hiểm có thay đổi các tiêu chí đánh giá trước khi quyết định xuống tiền cho startup trong giai đoạn dòng vốn đầu tư mạo hiểm bị thu hẹp?

Tôi nghĩ rằng những tiêu chí đánh giá căn bản sẽ không bao giờ thay đổi. Cụ thể, nếu đầu tư ở giai đoạn sớm, các nhà đầu tư sẽ luôn tìm hiểu về đội ngũ sáng lập và phải rất tin tưởng cũng như cảm thấy khả năng hợp tác với đội ngũ sáng lập đó. Sang đến các giai đoạn tiếp theo, nhà đầu tư sẽ luôn nhìn vào dung lượng thị trường, những yếu tố liên quan đến sản phẩm, công nghệ độc quyền của công ty.

Mặt khác, cũng có một số yếu tố có thể thay đổi. Ngày xưa, các nhà đầu tư sẽ thường nhìn và đánh giá gắt gao những con số về tăng trưởng của các startup, tức là công ty phải tăng trưởng rất nhanh thì các nhà đầu tư mới quyết định rót vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư sẽ bớt nhìn vào số liệu về tăng trưởng, doanh thu của một startup, thay vào đó, họ sẽ đánh giá các chỉ số liên quan đến unit economics cho thấy khả năng tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp, ví dụ như những yếu tố về cơ sở hoạt động, cách vận hành của công ty có hợp lý không và có giúp công ty này phát triển lâu dài không.

Nhìn chung, các yếu tố đánh giá căn bản như nhà sáng lập, dung lượng thị trường, sản phẩm có phù hợp với thị trường hay không, yếu tố về công nghệ lõi vẫn không thay đổi ngay cả trong bối cảnh việc huy động vốn khó khăn hơn.

Theo chị, các start up nên làm gì để có thể huy động vốn cũng như vượt qua giai đoạn khó khăn này?

Chúng ta nên nhìn nhận thế này, không phải cứ gọi được vốn là tốt. Nếu thị trường đang trong thời kỳ gọi vốn dễ và tiền rẻ thì việc này cũng sẽ có tác động tiêu cực. Cụ thể, khi một công ty nhận được vốn thì họ sẽ phải đối mặt với áp lực tăng trưởng về doanh thu rất lớn. Nhiều khi tăng trưởng như vậy không phải là tăng trưởng một cách tự nhiên mà mình phải chi rất nhiều tiền cho quảng cáo chẳng hạn, tăng trưởng đó mình gọi là tăng trưởng không bền vững.

Quay lại với bối cảnh hiện tại, các startup có cơ hội để đi chậm lại nhưng tăng trưởng theo cách bền vững hơn khi áp lực cạnh tranh để gọi vốn giảm đi, các công ty có thể tập trung vào xây dựng sản phẩm thật tốt thay vì tiêu tốn nguồn lực để tăng trưởng thần tốc. Bởi lẽ, khi tất cả các nhà đầu tư đều không ưu tiên tập trung vào doanh thu nữa, họ sẽ hỏi doanh nghiệp nhiều hơn về chi phí vận hành như thế nào, cơ cấu về mặt chi phí và lợi nhuận trong tương lai ra sao. Những câu hỏi này sẽ giúp các công ty có thể vận hành một cách bài bản hơn và hướng đến tăng trưởng và hoạt động dài hạn.

Chị đánh giá thế nào về triển vọng đầu tư cho khởi nghiệp của Việt Nam trong năm 2023?

Tôi nghĩ rằng năm 2023 cũng sẽ là một năm hơi giống năm 2020. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang rất khó để dự đoán, chắc chắn là các nhà đầu tư cũng sẽ rất là dè dặt khi đầu tư vào những thị trường mới như Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm sáng là cũng có rất nhiều những quỹ đầu tư nội địa đã xuất hiện trong khoảng thời gian gần đây nên nếu như các startup có thể xây dựng những sản phẩm bài bản, chỉn chu thì việc họ có thể tìm được nguồn vốn đầu tư vẫn cũng không phải là quá khó khăn.

Còn đối với nhưng công ty ở quy mô lớn hơn, đương nhiên họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đó cũng không phải là chuyện xấu, bởi vì họ có thể tìm những cơ hội để có thể tái cấu trúc (restructure), từ đó doanh nghiệp có thể phát triển một cách dài hạn hơn.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đâu sẽ là lĩnh vực được các nhà đầu tư VC quan tâm và ưu tiên đầu tư trong thời gian tới?

Như chia sẻ ở trên, dù là trong ngành nào, tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn tới các mô hình kinh doanh có unit economics tốt, kiểm soát chi phí tốt, và có khả năng tăng trưởng bền vững.

Theo Giang Anh

Cùng chuyên mục
XEM