Giải bài toán du khách một đi không trở lại

20/09/2016 08:38 AM | Xã hội

Đánh giá du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, khách du lịch chỉ đến một lần rồi đi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Luật Du lịch sửa đổi phải giải quyết được những yếu kém hiện nay, để thu hút được du khách đến và tiếp tục quay lại.

Phát triển du lịch không tách rời văn hóa

Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Đánh giá du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, biển, rừng của nước ta không thua kém nước nào nhưng khách du lịch nước ngoài ít đến Việt Nam hoặc đến một lần rồi đi. Theo Chủ tịch Quốc hội, hạ tầng du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch Việt Nam còn rất kém. “Sau khi đi nơi này nơi khác thì chính chúng ta cũng chưa hài lòng, trừ đi vào khách sạn cao cấp, còn nơi cộng đồng chưa bảo đảm yêu cầu phát triển”, bà Ngân cho hay.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, luật sửa đổi lần này phải giải quyết được vấn đề yếu kém hiện nay để sau khi áp dụng sẽ thu hút được đông khách đến và quay lại. Để làm được việc này, cần quảng bá về du lịch của đất nước thông qua văn hóa. Phát triển du lịch không tách rời với văn hóa, có như vậy mới thành công được. Đồng thời cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch không nêu chung chung mà phải cụ thể để định hướng phát triển bền vững.

Cùng quan điểm ngành du lịch đang phải “đau đầu” khi du khách lưu trú ngắn ngày, quay lại ít, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, chúng ta đang hội nhập sâu rộng, ngành du lịch phải có các quy định theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế, trong đó phải có ba vấn đề là hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú và lữ hành, nếu không thì khó phát triển bền vững. Theo ông Giàu, dự thảo luật cần rà soát lại hết sức thận trọng, bám sát tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2014, vì hai luật này đã cải cách triệt để kể cả nội dung và trình tự, thủ tục.

Trịnh Xuân Thanh vắng mặt dễ bị hiểu đi du lịch

Tại khoản 1, điều 3, dự án Luật Du lịch sửa đổi giải thích: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá một năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tham dự hội nghị, hội thảo hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

Liên hệ đến việc xử án hình sự, ông Nguyễn Mai Bộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, với ngôn ngữ thể hiện trong khoản 1, điều 3 thì sẽ được hiểu là ông Trịnh Xuân Thanh đi du lịch. Vì khái niệm trên không thể hiện bản chất của du lịch.

“Bản chất của du lịch là hoạt động rời khỏi nơi cư trú của mình và phải hợp pháp, nhưng ở đây trong dự thảo luật không nêu được vấn đề của hai bản chất đó. Dưới góc độ là người chuyên xét xử án hình sự, chúng tôi sẽ giải thích sự vắng mặt ông Trịnh Xuân Thanh theo kiểu đi du lịch”, ông Bộ đề nghị xem lại khái niệm để thể hiện đúng bản chất vấn đề.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, ban soạn thảo vẫn kế thừa khái niệm cũ về du lịch. “Khái niệm du lịch phải mở ra với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp gắn với văn hóa và tính xã hội hóa, hội nhập rất cao, khái niệm ngành du lịch phải rất rộng”, ông Định chia sẻ.

Thẩm tra dự án, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, ngành du lịch hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ phức tạp của các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Ban thẩm tra đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về thanh tra du lịch theo hướng gắn kết hoạt động thanh tra với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, đồng thời không làm tăng biên chế bộ máy.

Theo Dũng Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM