Giá vàng "nhảy múa" và tiềm ẩn rủi ro

09/08/2019 13:59 PM | Kinh doanh

Ngân hàng trung ương các nước chạy đua mua vàng trong thời điểm giá vàng thế giới tăng cao kéo theo giá vàng ở nước ta tăng 42,2 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia cảnh báo nên thận trọng mua vàng trong thời điểm này.

Sau nhiều thời điểm đứng vững trên ngưỡng 1.500 USD/ounce, đến cuối ngày 8-8 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới về mức 1.497 USD/ounce. Dù vậy, đây vẫn là mức giá cao nhất hơn 6 năm qua.

Ngân hàng các nước gom vàng

Cuộc khảo sát về dự trữ vàng của ngân hàng (NH) trung ương năm 2019 (CBGR) do Hội đồng Vàng thế giới vừa công bố cho thấy nhu cầu vàng của các NH trung ương tiếp tục tăng mạnh trong ngắn và trung hạn. Khoảng 11% thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển được khảo sát cho biết họ có ý định tăng dự trữ vàng trong 12 tháng tới. Xu hướng này tương tự các đợt giao dịch hồi năm ngoái. Động thái trên thúc đẩy nhu cầu vàng của các NH trung ương lên đến 651 tấn, mức cao nhất được ghi nhận theo hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay.

 Giá vàng nhảy múa và tiềm ẩn rủi ro  - Ảnh 1.

Nhà đầu tư, người dân cần thận trọng mua vàng trong thời điểm giá vàng tăng cao để tránh rủi ro Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Do lo ngại ảnh hưởng rủi ro cao từ các loại đồng tiền dự trữ nên các đợt mua vàng theo kế hoạch đang được nhiều NH trung ương xúc tiến. Không nằm ngoài số này, Trung Quốc cũng muốn mua thêm vàng dự trữ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Philip Klapwijk, Giám đốc về tư vấn tại Precious Metals Insights, nhận định Trung Quốc là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới và chính phủ nước này luôn có thể mua vàng của địa phương bằng đồng nhân dân tệ.

Theo hãng tin Bloomberg, NH Trung ương Trung Quốc tiếp tục mua thêm vàng trong tháng 7-2019, động thái này vẫn tiếp diễn tính từ cuối tháng 12 năm ngoái. Theo số liệu công bố trên trang web NH Trung ương Trung Quốc, cơ quan này đã nâng lượng vàng nắm giữ lên 62,26 triệu ounce từ mức 61,94 triệu ounce vào tháng trước. Nếu tính theo tấn, lượng vàng mua vào của Trung Quốc đạt gần 10 tấn, sau khi đã mua vào 84 tấn vàng trong 7 tháng trước đó.

Giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất trong 6 năm qua bất chấp tăng trưởng toàn cầu sụt giảm. Động thái của hàng loạt NH trung ương từ Nga đến Trung Quốc, Ba Lan… không ngừng mua vàng khiến nhu cầu vàng tăng cao. Trong tuần này, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn khi tỉ giá đồng nhân dân tệ rớt xuống mức thấp kỷ lục so với USD, khiến nhu cầu vàng càng lớn hơn.

Ông Klapwijk nhận định việc các nước đa dạng hóa dự trữ ngoài đồng USD rất quan trọng. Trong dài hạn, các giao dịch mua vàng quy mô tương đối nhỏ cũng tăng lên và giúp đáp ứng mục tiêu này. Trong khi đó, ông Ross Strachan, chuyên gia kinh tế về thị trường hàng hóa cao cấp tại Capital Economics (Anh), cho rằng hoạt động thu mua vàng hoàn toàn phù hợp với chiến lược tăng dự trữ vàng hằng tháng của Trung Quốc và nước này vẫn tiếp tục mua vàng trong chiến lược dài hạn nhằm đa dạng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, lượng mua vào không đủ lớn để làm gián đoạn thị trường.

Phải hết sức tỉnh táo!

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, nhận định không chỉ NH trung ương các nước mà các định chế tài chính khác như quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cũng liên tục mua vào hàng chục tấn vàng trong khoảng 10 ngày qua.

Bên cạnh trái phiếu chính phủ vốn là kênh truyền thống, dòng tiền lớn từ NH trung ương các nước và nhiều định chế tài chính khác đã đổ xô qua vàng, đồng yen Nhật, tiền số như bitcoin… Số liệu thống kê mới nhất cho thấy đồng bitcoin hiện chiếm gần 70% giá trị vốn hóa của các loại tiền số trên thị trường, tăng mạnh mẽ so với trước đó.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cũng phân tích giá vàng thế giới đã tăng hơn 17% trong hơn 2 tháng qua. Do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng vượt ngưỡng 42,2 triệu đồng/lượng (chiều bán ra), tương đương mức tăng khoảng 17%. Đây cũng là mức cao nhất trong 6 năm qua. Cũng theo ông Hải, giá vàng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới biến động, thương chiến Mỹ - Trung leo thang, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh chính sách tiền tệ trong vòng 1 thập kỷ… Chưa kể, dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ giảm.

Các chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư trong nước phải hết sức tỉnh táo trước tình hình giá vàng thế giới tiếp tục tăng, kéo giá vàng trong nước tăng theo. Theo ông Khánh, giá vàng thế giới biến động mạnh kéo giá vàng trong nước lên mức cao nhất hơn 6 năm qua và mức giá gần như không có sự chênh lệch. "Trong ngắn hạn, giá vàng sẽ điều chỉnh giảm sau khi tăng nóng nên nhà đầu tư nhỏ lẻ nhập cuộc thị trường, "mua đuổi" có thể gặp rủi ro; nhất là khi chênh lệch giá mua vào - bán ra được một số doanh nghiệp vàng giãn rộng, nhiều thời điểm lên tới 600.000 - 800.000 đồng/lượng" - ông Khánh cảnh báo.

Vàng hình thành mặt bằng giá mới

Cuối ngày 8-8, giá vàng SJC được các doanh nghiệp mua vào 41,85 triệu đồng/lượng, bán ra 42,25 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với ngày trước. Nếu tính từ khi giá vàng bắt đầu nổi sóng đầu tháng 6 đến nay, giá vàng đã tăng gần 6 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng gần 17%.

Theo ông Trần Thanh Hải, vàng đã hình thành mặt bằng giá mới và ở mức cao trong nhiều năm qua. Chỉ trong hơn 2 tháng, giá vàng tăng gần 17% và mức lợi suất này cao hơn tiền gửi tiết kiệm 12 tháng; vượt trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 12% -14%/năm; vượt tốc độ tăng của thị trường chứng khoán... Tỉ suất lợi nhuận quá hấp dẫn trong hơn 2 tháng qua nên có thể hình thành xu hướng đầu tư mới.

"Dù vậy, với những người có tiền nhàn rỗi thì đầu tư vào vàng lúc này có thể hợp lý chờ giá lên, trong khi với những người có ý định chuyển kênh đầu tư khác sang vàng thời điểm này là quá rủi ro, bởi mặt bằng giá đã lên cao" - ông nói.

Theo Thái Phương - Xuân Mai

Từ khóa:  giá vàng , rủi ro
Cùng chuyên mục
XEM