Giá trứng tăng nhanh - giảm nhanh, người chăn nuôi "làm cũng dở không làm cũng dở"

28/04/2023 15:46 PM | Kinh doanh

Sau đại dịch COVID-19, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi không ổn định khiến ngành chăn nuôi gặp không ít khó khăn.

Người chăn nuôi làm cũng dở không làm cũng dở

Trong các tháng đầu năm nay, giá trứng gà dao động từ 1.600 - 2.200 đồng/quả; trứng vịt 2.200 - 2.400 đồng/quả. Giá tăng nhanh, giảm nhanh cũng khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh thấp thỏm, làm cũng dở không làm cũng dở.

Nhà ông Nguyễn Văn Lâm (Trang trại Lâm Thúy, Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội) nuôi 4,4 vạn gà đẻ trứng. Thời điểm hiện tại, sức mua kém, mỗi ngày gia đình ông lỗ 10 triệu đồng, tồn dư đến 400 quả trứng do giá trứng xuống dưới điểm hòa vốn trong khi tiền thức ăn cho đàn gà tốn đến 55 triệu đồng mỗi ngày.

"Với giá cám hiện tại, đầu tư con giống cao, giá cám cao, mỗi quả trứng phải có giá 1.900 - 2.100 đồng mới hòa vốn...", ông Lâm cho biết.

Giá trứng tăng nhanh - giảm nhanh, người chăn nuôi làm cũng dở không làm cũng dở - Ảnh 1.

Giá trứng gia cầm bấp bênh.

Cùng cảnh như ông Lâm, trứng gia cầm nhà ông Phùng Văn Tự (Hòa Trúc, Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội) đang được thương lái thu mua với giá 1.700 đồng/quả. Sở dĩ ông còn trụ được là vì tỷ lệ gà đẻ trứng cao, nhưng ở thời điểm này cũng chỉ là lấy công làm lãi bởi lúc giá xuống thì xuống liền mấy giá còn lên nhích từng chút một.

Hàng năm giá trứng vẫn có hiện tượng bấp bênh. Người chăn nuôi hiện vẫn dựa vào đó để sản xuất bởi quan niệm có khi này khi khác nhưng cách làm này cần phải thay đổi nếu muốn phát triển bền vững.

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: "Có thể thấy thị trường Hà Nội là thị trường tại chỗ, có nhiều cách để nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững với thị trường tại chỗ đó, nhưng chắc chắn sản xuất phải đáp ứng người tiêu dùng, thu hút người tiêu dùng quan tâm tới sản phẩm mới tồn tại được".

Liên kết chuỗi giá trị thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Trước những áp lực từ thị trường, cùng với áp lực từ chi phí sản xuất giải pháp cho những nông hộ sản xuất nhỏ lẻ đó là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường. Đây đang là hướng đi giúp cho nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội vượt qua khó khăn, thúc đẩy ngành chăn nuôi thủ đô phát triển bền vững.

Làm chủ một trang trại chăn nuôi với quy mô 4 vạn gà như hiện nay là điều trước đây ông Tưởng (quận Hà Đông, Hà Nội) chưa từng nghĩ tới. Nhiều năm chăn nuôi nhỏ lẻ, phải tự mò mẫm với kỹ thuật nuôi, luôn lo lắng mỗi khi dịch bệnh nhưng từ khi tham gia vào chuỗi giá trị, ông đã được hỗ trợ con giống, cám bã, kỹ thuật và hơn hết ông được ký hợp đồng bao tiêu nông sản mình làm ra.

"Chúng tôi được hưởng lợi giá ký hợp đồng một năm một rất ổn định, trừ chi phí đi chúng tôi chăn nuôi vẫn còn có công", ông Tưởng chia sẻ.

Giá trứng tăng nhanh - giảm nhanh, người chăn nuôi làm cũng dở không làm cũng dở - Ảnh 2.

Cần liên kết chuỗi giá trị để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. ( Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Là đơn vị bao tiêu sản phẩm cho bà con trong chuỗi, mỗi ngày Công ty Tiên Viên tiêu thụ trên 100.000 quả trứng. Kế hoạch sản xuất được lên trước theo từng năm và phân bổ đến từng hộ thành viên để đảm bảo không hộ dân nào bị dư thừa trứng.

Hiện số trứng của các hộ liên kết chiếm 40 - 50% tổng sản lượng trứng tiêu thụ hàng ngày của công ty.

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: "Các sản phẩm nông nghiệp cụ thể như trứng cần phải theo chuỗi giá trị, phải sản xuất đảm bảo quy trình đưa ra, đóng gói, bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm… sẽ vào được hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử",

Hiện Hà Nội có hơn 200 chuỗi giá trị nông sản tuy nhiên để đẩy mạnh phát triển theo chuỗi, cần có sự liên kết bền chặt hơn giữa doanh nghiệp và bà con nông dân nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm, minh bạch nguồn gốc xuất xứ tạo lòng tin với người tiêu dùng.

Theo VTV Digital

Cùng chuyên mục
XEM