Giá tiêu dùng tăng cao, người Hàn Quốc ngày càng “thắt lưng buộc bụng”

24/05/2023 09:09 AM | Xã hội

Tại Hàn Quốc, lạm phát tăng dẫn đến chi phí suất cơm trưa tại các nhà hàng đang trở nên quá đắt đỏ với thu nhập của các nhân viên văn phòng.

Do vậy, ngày càng có nhiều người lựa chọn việc mua cơm hộp để ăn trưa tại các văn phòng.

Số liệu thống kê của Hansot, thương hiệu nhượng quyền thương mại cơm hộp lớn nhất Hàn Quốc, được công bố vào ngày 22/5 cho thấy, các đơn đặt hàng cơm hộp (theo số lượng lớn) trong 15 ngày của tháng 5/2023 đã tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc ngày càng có nhiều người tiêu dùng ở "xứ sở kim chi" chuyển sang dùng bữa trưa bằng các hộp cơm chế biến sẵn với giá hợp lý được xem như một giải pháp thay thế trong bối cảnh giá tiêu dùng và giá ăn ngoài tăng cao.

Theo Cổng thông tin thống kê quốc gia Hàn Quốc, chỉ số giá ăn uống trong tháng 4/2023 là 117,15 điểm, ghi nhận xu hướng tăng trưởng trong tháng thứ 29 liên tiếp kể từ tháng 12/2020, tạo gánh nặng không nhỏ cho người tiêu dùng.

Hansot cho biết, chỉ riêng lượng đơn đặt hàng từ ngày 1 đến ngày 15/5/2023 đã tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, đây chỉ là số liệu cho các đơn hàng 20 hộp cơm với từ 100.000 Won trở lên (khoảng 76 USD), nên mức tăng có thể còn lớn hơn khi tính cả các đơn hàng nhỏ dưới 100.000 Won và đơn hàng gia đình.

Giá tiêu dùng tăng cao, người Hàn Quốc ngày càng “thắt lưng buộc bụng” - Ảnh 1.

Cơm hộp của Hanso. (Ảnh: The Korea Herald)

Cùng thời gian trên, mức tăng của tổng đơn đặt hàng hộp cơm thời điểm buổi trưa cũng ghi nhận tăng 16%. Trong đó, tỷ lệ đơn đặt hàng theo số lượng lớn trên tổng đơn đặt hàng cũng tăng 4%, từ mức 31% của năm 2022 lên 35%.

Hansot hiện đang là thương hiệu đồ ăn chế biến sẵn được người tiêu dùng ở Hàn Quốc ưa chuộng với chất lượng món ăn phù hợp khẩu vị, đặc biệt là chi phí vô cùng hợp túi tiền khi 60% thực đơn chỉ có giá dưới 6.000 Won (khoảng 4,5 USD).

Tại các cửa hàng tiện lợi, doanh số bán cơm hộp cũng ghi nhận mức tăng trưởng nổi bật. CU, một thương hiệu cửa hàng tiện lợi phổ biến ở Hàn Quốc, đã thông báo kết quả phân tích xu hướng tiêu thụ của thực phẩm tiện lợi trong khung giờ buổi trưa (từ 11h đến 13h), trong đó mặt hàng cơm hộp" đã vươn lên dẫn đầu về doanh số bán hàng.

Cụ thể, cơm hộp chiếm ngôi vị quán quân với 29,6%, tiếp đến là cơm cuộn (gimbap) với 23,6%, rau trộn (salad) với 13,3%, bánh mì sandwich với 9,8% và bánh hamburger với 2,1%.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 hồi đầu năm 2023 cũng đã hợp tác với nữ diễn viên Kim Hye-ja để tái khởi động Dự án "Kim Hye-ja Lunch Box" giá rẻ (Cơm hộp của Kim Hye-ja). Mặt hàng này đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của người tiêu dùng ở Hàn Quốc với doanh số bán ra được 3 triệu hộp chỉ trong 2 tháng sau khi ra mắt lại vào giữa tháng 2/2023 và trong 3 tuần gần đây đã bán được thêm 1 triệu hộp.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM