Giả thuyết mới: nước trên Mặt Trăng do "gió" từ Trái Đất thổi sang

31/01/2021 11:07 AM | Công nghệ

Hóa ra bề mặt Mặt Trăng không khô khan như vẻ bề ngoài.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho thấy dấu vết của nước nằm bên trong những hố thiên thạch và bị kẹt trong những hạt vật chất nhỏ - tương tự như những trái cầu tuyết tí hon.

Trong khi cố gắng tìm ra nguồn gốc của số nước kỳ lạ này, nhiều chuyên gia nêu giả định rằng số nước này sinh ra do tương tác giữa Trái Đất và Mặt Trăng, hậu thuẫn bởi cả khí quyển và quyển từ. Dù nước là thành phần không thể thiếu của sự sống, nhưng nước không phải tài nguyên hiếm trong không gian. Chỉ cần có được "chỗ trũng", nước có thể tồn tại bên trong một thiên thạch hay nằm ẩn dưới một lớp băng dày của một thiên thể lạnh giá nào đó.

Xét tới khoảng cách khá “gần” giữa Trái Đất và Mặt Trăng, việc nước văng từ nhà chúng ta sang nhà chị Hằng không quá khó tin. Tuy nhiên, khi phải phơi nắng và bức xạ Vũ trụ cả ngày, nước trên bề mặt Mặt Trăng khó có thể tồn tại lâu.

Giả thuyết mới: nước trên Mặt Trăng do gió từ Trái Đất thổi sang - Ảnh 1.

Quyển từ của Trái Đất.

Để giải thích cho số hơi ẩm nhiều hơn dự kiến có trên Mặt Trăng, các nhà khoa học đề xuất giả thuyết: nước hình thành từ những cơn “mưa” proton sinh ra bởi gió mặt trời. Những ion hydro va vào khoáng chất oxit có trong bụi và đá Mặt Trăng khiến liên kết hóa học bị rệu rã, từ đó có cơ sở để kết hợp với oxy tạo ra nước. Giả thuyết này nghe rất hợp lý, và ta sẽ có thể có bằng chứng khẳng định nó khi tiếp tục quan sát những phân tử nước nằm phơi mình dưới cái khắc nghiệt của Vũ trụ.

Trái Đất được quyển từ bảo vệ trước hàng sa số ion bắn ra từ Mặt Trời. Tấm lá chắn này không chỉ bọc lấy mái nhà của nhân loại, mà còn bị gió mặt trời thổi bạt và tạo thành hình giọt nước. Trong một quãng thời gian kéo dài vài ngày mỗi tháng, Mặt Trăng sẽ đi qua một phần quyển từ và tạm thời được bảo vệ trước Mặt Trời.

Mới đây thôi, một nhóm các nhà khoa học tới từ nhiều quốc gia đã sử dụng vệ tinh thăm dò Kaguya của Nhật Bản để chỉ ra chính xác thời điểm Mặt Trăng đi vào quyển từ. Kết hợp với dữ liệu từ công cụ phát hiện khoáng vật nằm trên tàu thăm dò Mặt Trăng Chandrayaan-1 của Ấn Độ, các chuyên gia nhận được kết quả bất ngờ.

Nói ngắn gọn, thì họ phát hiện ra hai mốc thời gian không ăn khớp. Lượng nước trên bề mặt Mặt Trăng không thay đổi trong khoảng thời gian Mặt Trăng di chuyển trong quyển từ và tránh được Mặt Trời.

Kết quả này có thể dẫn tới nhiều kết luận.

Một là giả thuyết gió Mặt Trời sinh ra nước sai hoàn toàn, và đâu đó dưới bề mặt Mặt Trăng là một túi nước cấp chất lỏng cho bề mặt.

Một khả năng khác cho phép giả thuyết gió mặt trời đứng vững: từ trường Trái Đất đã tiếp tục công cuộc tàn phá của gió mặt trời.

Giả thuyết mới: nước trên Mặt Trăng do gió từ Trái Đất thổi sang - Ảnh 2.

Dấu vết của nước trên bề mặt Mặt Trăng.

Những kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy một tấm màn plasma có mối liên hệ trực tiếp với quyển từ có thể bắn ra những ion hydro tương tự như gió mặt trời. Khảo sát chỉ ra rằng lượng ion này bắn nhiều tới vùng cực của Mặt Trăng. Dù sức mạnh không thể lớn bằng gió mặt trời, nhưng giả thuyết nêu trên vẫn đúng: nước vẫn có thể hình thành trên bề mặt Mặt Trăng theo cách này. Vẫn còn một khả năng khác cho thấy oxy từ bầu khí quyển bằng cách nào đó tới được Mặt Trăng, nhất là trong giai đoạn biến động của địa từ Trái Đất.

Tất cả những nhận định trên mới mang thuần tính giả thuyết. Hiện tại, các bản đồ chỉ ra mật độ của nước trên bề mặt Mặt Trăng vẫn chưa khớp với các mô hình khoa học đang có. Tuy vậy, bản đồ mới chỉ ra nước đọng ở phần vĩ độ cao, khu vực nằm trên xích đạo Mặt Trăng, nên vẫn còn thiếu khá nhiều dữ liệu để khẳng định hay phủ định giả thuyết nào.

Giới khoa học tập trung vào nghiên cứu vấn đề này là bởi không sớm thì muộn, chúng ta sẽ xây căn cứ Mặt Trăng. Nếu hiểu được cơ chế hình thành băng và nước nơi đây, những con người dũng cảm nơi tuyến đầu sẽ đỡ phải lo lắng về một loại tài nguyên thiết yếu cho sự sống. Nếu mà Trái Đất rải được mưa lên Mặt Trăng thì tiện biết bao nhiêu.

Tham khảo ScienceAlert

Dink

Từ khóa:  nhà khoa học
Cùng chuyên mục
XEM