Giá thịt lợn hơi leo thang phi mã: Lần đầu tiên Bộ NN&PTNT cho nhập khẩu lợn sống
Bộ NN&PTNT đã đồng ý phương án của Cục Thú y cho phép nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp để giảm áp lực giá thịt lợn đang leo thang phi mã trong nước.
Sau một ngày lao dốc, theo khảo sát của PV giá thịt lợn hơi hôm nay (29/5) ở miền Bắc tăng giá trở lại, cụ thể, giá lợn hơi vẫn trên ngưỡng cao, ghi nhận được mức đỉnh từ 100.000 - 102.000 đồng/kg.
Theo đó, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai hôm nay chứng kiến giá lợn hơi đồng loạt tăng một giá lên 98.000 đồng/kg. Thái Nguyên giá heo hơi trong ngày cũng ghi nhận tăng trở lại 97.000 đồng/kg.
Hiện ba địa phương gồm Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình giá lợn hơi đều trên 100.000 đồng/kg. Riêng Ninh Bình, giá heo hơi đã leo lên mốc 102.000 đồng/kg, cao nhất cả nước.
Các khu vực còn lại, giá lợn hơi xuất chuồng trong ngày đạt từ 97.000 - 98.000 đồng/kg. Không có địa phương nào giá dưới 97.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Bắc hôm nay trên thị trường được các thương lái thu mua trong khoảng giá từ 97.000 - 100.000 đồng/kg.
Liên quan đến giá thịt lợn tăng cao, trao đổi với PV vào sáng 29/5, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, đã đồng ý phương án Cục Thú y phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.
Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng Việt Nam đồng ý cho phép nhập khẩu lợn sống chính ngạch để giảm áp lực giá thịt lợn đang leo thang phi mã trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc ổn định giá thịt lợn tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2020; xét công văn của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam, Bộ đồng ý phương án của Cục Thú y phân tích rủi ro về việc nhập khẩu lợn sống dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.
Sau khi hoàn thành bước đánh giá hồ sơ, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Qua đó, cần trao đổi về những vướng mắc, thu thập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
Một quầy bán thịt lợn tại chợ.
Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước; Thực hiện quy định cách ly kiểm dịch lợn sống nhập khẩu 30 ngày.
Cũng theo công văn này, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành.
"Sở dĩ việc cho phép nhập khẩu cả lợn sống là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá lợn hơi và giá thịt lợn trong nước liên tục tăng ở mức cao, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Việc nhập khẩu lợn sống sẽ được kiểm soát chặt chẽ, tránh hiện tượng nhập ồ ạt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong nước.
Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức lễ hội thịt gà, lễ hội cá tra nhằm khuyến khích người tiêu dùng tăng cường sử dụng các thực phẩm khác ngoài thịt lợn", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay.
Một trong những thị trường đang được Bộ NN&PTNT cân nhắc để nhập khẩu thịt lợn sống là Thái Lan.
Lãnh đạo Bộ khẳng định, việc nhập khẩu lợn sống không có gì đáng lo ngại. Thái Lan là nước có nền chăn nuôi tiên tiến, tất cả quy trình nhập khẩu đều được kiểm soát chặt chẽ từ phía nước bạn. Khi lợn về tới cửa khẩu của Việt Nam sẽ được cách ly, lấy mẫu kiểm dịch.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cũng đã đăng ký nhập khẩu lợn giống về nước để phục vụ tái đàn trong bối cảnh giá lợn giống trong nước cũng đang cao kỷ lục.
Cũng trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam khẳng định, mức giá lợn hơi hiện nay trên thị trường khoảng 100.000 đồng/kg một phần phản ánh chi phí sản xuất tăng ở mức độ nhất định.
Nhưng quan trọng hơn, theo ông Thỏa là do cung- cầu đang mất cân đối. Trong đó, có cả những yếu tố lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa trên thị trường để tăng giá. Mức giá này không hợp lý cả về khía cạnh chi phí sản xuất và chi phí tiêu dùng.
Ông Thỏa cho rằng, chúng ta không nên ép giảm giá lợn bằng mệnh lệnh hành chính, phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, nhưng không thể để thị trường tự phát tự do tác động bất lợi đến sản xuất, tiêu dùng.
Ông nói thêm, Nhà nước không thể thả nổi giá lợn mà phải điều tiết bằng các biện pháp kinh tế như tăng nguồn cung, sắp xếp lại mạng lưới, hỗ trợ tài chính tiền tệ, kiểm soát gian lận thương mại... để tác động vào việc hình thành giá, kéo giá vận động về mức hợp lý.
Theo tính toán của ông Thỏa, giá thành chăn nuôi hiện nay khoảng 55.000-60.000 đồng/kg. Với nguyên tắc bù đắp chi phí sản xuất và có lãi cho người chăn nuôi thì giá lợn hơi khoảng 70.000 đồng/kg là phù hợp.