Giá nhà gấp 25 lần thu nhập: Giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của nhiều người Việt vẫn còn quá xa vời

02/10/2017 19:11 PM | Kinh doanh

Chỉ tính riêng khu vực đô thị, 31 triệu người Việt Nam đang sống trong những ngôi nhà chất lượng thấp. Tuy nhiên, thu nhập hạn chế trong khi giá nhà ở quá cao khiến họ không thể có lựa chọn nào khác.

Một người làm nhân viên văn phòng, một người làm thợ sửa xe máy nên thu nhập vợ chồng chị Mai (Linh Đàm, Hà Nội) chỉ vào khoảng 15 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản tiền sinh hoạt như thuê nhà, ăn uống, đi lại...mỗi tháng anh chị tiết kiệm trung bình 5 triệu đồng. Giả sử một căn chung cư 60m2 trên địa bàn Hà Nội có giá 1 tỷ đồng, anh chị sẽ phải tiết kiệm gần 17 năm mới mua được một căn tại thủ đô, đấy là chưa tính đến chi phí phát sinh do có thêm con nhỏ hay tình trạng lạm phát.

Thực tế, trường hợp giống như chị Mai không phải là hiếm. Trong báo cáo “Làn sóng lớn” được công bố gần đây, Savills dẫn số liệu từ tổ chức UN – Habita (chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc), có khoảng 27% cư dân đô thị Việt Nam đang sống trong điều kiện nhà ở chất lượng thấp, tương đương 31 triệu người. “Càng có nhiều nhà ở chất lượng thấp sẽ dẫn đến kích thích nhu cầu nâng cấp chỗ ở tốt hơn. Đây chính là nguồn cầu đầy tiềm năng của thị trường nhà ở”, Savills đánh giá.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thu nhập trung bình mỗi người chỉ khoảng hơn 2.200 USD/năm (50 triệu đồng-số liệu tổng cục thống kê năm 2016) giấc mơ về một căn hộ riêng hoàn toàn xa tầm với. Giấc mơ này thậm chí còn trở nên khó khăn hơn khi giá nhà tại Việt Nam đang cao gấp 25 lần so với thu nhập trung bình của người dân, theo số liệu của Numbeo.com cập nhật trong năm nay.

Tại buổi làm việc với Vụ Công nghiệp Ban kinh tế Trung ương đầu tháng 9/2017, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho biết thành phố có xấp xỉ 13 triệu người phần lớn là dân nhập cư. Đây cũng là đối tượng có nhu cầu rất lớn về nhà ở nhưng việc sở hữu nhà của họ đang là một thách thức.

“Khi đi Hàn Quốc công tác, chúng tôi thấy giá nhà tại thị trường này gấp 5 đến 7 lần thu nhập của người dân, trong khi đó ở Việt Nam giá nhà vừa túi tiền, không nói đến nhà cao cấp cao cũng gấp 22 – 25 lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Như vậy giá nhà của chúng ta nằm ngoài khả năng của đa số người dân”, ông Châu nói.

Theo lý giải của các chuyên gia bất động sản, có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá nhà tại Việt Nam cao hơn nhiều so với thu nhập. Trước hết các dự án bất động sản hiện nay phải “cõng” trên lưng nhiều chi phí, như giá đất, chi phí xây dựng, chi phí đầu tư cho các tiện ích tại chung cư (hạ tầng đường nội bộ, hồ bơi, công viên, cảnh quan cây xanh, tầng hầm...) và chi phí marketing cho dự án.

Bên cạnh các chi phí đo đếm được, thì giá thành căn hộ còn chịu những chi phí không tên (thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép xây dựng, quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng...). Gánh nặng chi phí này sẽ được các chủ đầu tư đưa vào giá thành sản phẩm và người chịu cuối cùng là người mua nhà.

Ngoài ra, một số dự án, khi mở bán chủ đầu tư đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn, chương trình quà tặng, hỗ trợ lãi suất… để thu hút người mua. Các chi phí này thực tế cũng đã được cộng vào giá thành của sản phẩm.

Từ những chi phí chính thức và không chính thức kể trên, giá nhà sẽ bị “đội lên cao” khiến nhiều người Việt gần như không “có cửa” để mua nhà tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM.

“Người thu nhập trung bình mà mua được nhà thì đa phần có tích lũy từ thế hệ trước để lại, còn làm hồ sơ vay tín dụng mua nhà (chứng minh bằng thu nhập) thì gần như không thể, trừ phi có tài sản thế chấp”, bà Nguyễn Bích Trang, Giám đốc bộ phận kinh doanh CBRE Việt Nam khẳng định với báo VietnamFinance trong một cuộc trao đổi gần đây.

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM