Giá lợn hơi “nhảy múa” thất thường khó đoán, tiềm ẩn nhiều nguy cơ

29/08/2018 22:30 PM | Xã hội

10 ngày đầu tháng 8, thương lái các tỉnh phía Bắc lại “sốc nặng” khi chứng kiến đợt tăng giá mới: Giá lợn hơi đã ở mức 57.000đ/kg nhưng người bán vẫn rất “kênh kiệu”. Thậm chí, lợn “đẹp” có giá tới 58.000đ/kg vẫn được thương lái “nhắm mắt mua”. Tuy nhiên, 2 ngày nay, giá lợn hơi lại “rớt” 3 - 4 giá, khiến người chăn nuôi hết sức hoang mang. Chuyện gì đang xảy ra với thị trường lợn hơi vốn đang nhiều nhạy cảm này?

Tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua rồi đột ngột rớt mạnh

Với trọng lượng chuẩn, lợn đẹp (xấp xỉ từ 80kg đến 1 tạ/con, lợn nạc) có thời điểm đầu tháng 8.2018 được bán tới mức giá 57.000đ/kg, đây được coi là mức giá cao kỷ lục vòng 3 năm qua. Nếu như thời điểm này của năm 2017, người nuôi đang điêu đứng khi bị thương lái ép giá lợn hơi ở mức 19.000-20.000đ/kg, thì nay câu chuyện đã khác: Người nuôi “ép” ngược lại thương lái, bởi lợn chăn nuôi trong dân không nhiều.

Đối với lợn chất lượng loại 2, giá lợn hơi dao động ở mức 48.000- 55.500đ/kg tùy khu vực, trong đó giá lợn tại miền Bắc cao nhất. Nhiều thương lái cho biết: Do thua lỗ quá nặng, nhiều hộ chăn nuôi tầm trung đã giảm đàn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì hoàn toàn mất vốn, thậm chí phải cầm cả sổ đỏ đến giờ vẫn “chưa hoàn hồn” nên không dám tăng đàn, khiến đàn lợn thịt trong dân bị mất.

Trong khi đó, các lò mổ nhỏ lẻ không áp dụng công nghệ cao lại không thể “với” tới các trang trại lớn, không đủ lợn để mổ bán, nên chấp nhận mua với giá đắt, khiến một số hộ chăn nuôi “mượn nước đẩy thuyền” khiến giá lợn lên cao. Việc giá lợn tăng cao đã khiến Bộ NNPTNT phải cấp tốc phát đi văn bản yêu cầu các địa phương rà soát, giữ ổn định giá lợn hơi, không để giá lợn hơi bị tư thương bóp méo, làm sai lệch.

Bộ Công Thương cũng cảnh báo: Nếu mức giá lợn hơi trên 55.000đ/kg kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngoài việc đẩy CPI lên cao khiến khó kìm lạm phát dưới mức 4%, còn có thể khiến người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, tái diễn tình trạng khủng hoảng cung-cầu trong thời gian qua.

Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh chọc thủng mốc 57.000đ/kg, trong 3 ngày qua, giá lợn hơi bất ngờ rớt mạnh 3-4 giá. Thị trường thịt lợn đang tăng giảm khó lường: Trong 10 ngày đầu tháng 8.2018, giá lợn hơi ở miền Bắc tăng vọt lên mức 56.000-57.000đ/kg, nhưng tại miền Trung chỉ khoảng 52.000đ/kg. Từ các ngày 20-21.8, giá lợn hơi tại miền Bắc bất ngờ giảm 3-4 giá, nhưng tại miền Trung lại tăng 2-3 giá.

Có thiếu thịt lợn phục vụ dịp lễ, tết?

Ước tính, đến hết tháng 7.2018, tổng đàn lợn cả nước giảm 2,8% so với cùng thời điểm năm 2017. Trước tình trạng giá lợn hơi tăng cao, nhiều thông tin cho rằng, lợn thịt phục vụ các dịp lễ cuối năm như: Rằm tháng bảy, Trung thu, ngày 2.9, Tết dương lịch, Tết nguyên đán… sẽ khan hiếm.

Tuy nhiên, theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) dự báo, tình hình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ nay tới cuối năm vẫn tốt. Từ cuối tháng 3.2018 đến nay, giá lợn tăng đã thúc đẩy các trang trại đầu tư chăn nuôi trở lại.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Chiểu (hộ chăn nuôi lợn tại Thống Nhất-Đồng Nai) cho biết: Từ sau tết Nguyên Đán 2018 đến nay, nhận thấy xu hướng giá lợn tăng, ông đã tái đàn trở lại và đang gây thêm lợn nái để tăng đàn lợn thịt bán kiếm lời nhằm bù vào khoản lỗ kéo dài trong hơn 1 năm qua. Nhiều hộ chăn nuôi cũng đang đầu tư tái đàn và tăng đàn, tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường lợn hơi sẽ dần được cải thiện trong các tháng cuối năm 2018.

Vì vậy, Cục Chăn nuôi khuyến nghị người chăn nuôi không vội tái đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát, bởi dự báo giá lợn thịt trong nước sẽ giảm dần trong các tháng cuối năm, do nguồn cung lợn thịt ra thị trường tăng cao. Nếu việc tăng đàn lợn, đặc biệt là tăng lợn hậu bị (nái), có khả năng người nuôi lại bị lặp lại tình trạng thua lỗ như năm 2017.

Mặt khác, như lời ông Nguyễn Xuân Dương-Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)- trường hợp khan hiếm lợn hơi trong nước, các ngành NNPTNT và công thương sẽ “điều tiết” bằng cách nhập thêm thịt lợn từ các nước. Tuy nhiên, đều này sẽ được cân nhắc thận trọng, tránh gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trong nước.

Theo Long Vũ

Cùng chuyên mục
XEM