Gia đình tan vỡ, hàn gắn vết thương lòng của bố mẹ không phải trách nhiệm con trẻ phải làm

08/12/2019 08:15 AM | Sống

Sự đổi vai khiến đứa trẻ mắc kẹt, rối bời vì trách nhiệm phải bảo bọc cảm xúc của một người lớn. Cũng vì con trẻ bất đắc dĩ phải “đóng vai” cha mẹ, các em thường mất đi những trải nghiệm ngây thơ đúng tuổi. Chúng ta đang dạy các con rằng sự an toàn và hạnh phúc của mỗi người sẽ do người khác định đoạt. Đến tuổi yêu đương hẹn hò, các con thường có xu hướng tìm đến những đối tác “lãnh cảm”, cần được bảo bọc chăm sóc. Thay vì yêu lấy chính mình, các con dễ bị thái độ của đối phương chi phối, thao túng cảm xúc của bản thân.

Cô bạn tôi có một mối quan hệ rất đặc biệt với mẹ của mình. Suốt những năm tháng thiếu niên tôi vẫn ghen tị vì con bé quá thân mẹ, đã hơn một lần tôi ước mình cũng có thể kể cho mẹ nghe về mọi anh bạn trai mình cảm nắng, mọi cuộc vui tiệc tùng tôi muốn tham gia, thậm chí kể xấu về ai đó. Tôi từng thấy ngưỡng mộ vì giữa hai mẹ con bạn không có bất kỳ bí mật gì.

Mẹ con cô bạn của tôi thực sự là một đôi bạn thân và ngày xưa tôi không hề nhận ra bất kỳ vấn đề gì về mối quan hệ đặc biệt đó. Đến khi chúng tôi bước vào tuổi trưởng thành, phần đông đều đặt ra những ranh giới nhất định với cha mẹ thì dường như cô bạn của tôi vẫn không thể “thiếu” mẹ của mình. 

Mẹ con bé tuyên bố những phát biểu khá là “độc tài” trong buổi họp phụ huynh ở trường, tự ý lên kế hoạch cho hai mẹ con kể cả khi nhóm bạn chúng tôi đã có kế hoạch tụ tập trước hàng tuần lễ, cô bạn tôi phải ở nhà vào cuối tuần dù nhà cách trường có 30 phút đi bộ. Khi chúng tôi đủ tuổi lái xe, uống rượu, chuyện càng trở nên phức tạp. Thay vì đi nghỉ hè chung với nhóm bạn thân, cô bạn tôi phải đi du lịch với mẹ cùng một đoàn các cặp vợ chồng khác. Câu chuyện trở nên kỳ lạ và đến lúc đó cô bạn của tôi mới nhận ra.

Mẹ bạn tôi can thiệp cả vào chuyện con bé yêu ai. Mọi thứ mệt mỏi đến độ con bé phải chấp nhận rằng cuộc đời của mình phải do mẹ định đoạt, kể cả tình yêu. Mẹ bạn tôi tuyên bố: “Nếu một đứa con trai không thể chịu trách nhiệm với cả hai mẹ con mình, đó chắc chắn không phải người dành cho con.”

Gia đình tan vỡ, hàn gắn vết thương lòng của bố mẹ không phải trách nhiệm con trẻ phải làm - Ảnh 1.

Khi ai đó nói bà cần tôn trọng những giới hạn của con gái mình, bà nổi nóng. Bà kể từng đồng đã tiêu, từng vết rạn da, từng đêm mất ngủ, từng hy sinh của mình để con gái có một cuộc sống đàng hoàng. Sao nó dám phản bội lại bà? Đặc biệt là khi bà là người đã chọn ở vậy để nuôi con, không như bố con bé đã đi tìm hạnh phúc mới. Bà xứng đáng nhận lại điều gì đó chứ!

“Loạn luân cảm xúc” (Emotional incest) là một kiểu bạo hành mà ở đó cảm xúc của cha mẹ phụ thuộc vào con cái, một kiểu hỗ trợ đáng ra phải do một người lớn khác chịu trách nhiệm. Ví dụ cha mẹ xin lời khuyên từ con cái về những vấn đề của người lớn, dựa vào con để cảm thấy tự tin và cảm thấy mình quan trọng, bắt con phải chịu trách nhiệm chữa lành những vết thương tâm lý, giải quyết những rắc rối của mình. Trong trường hợp của cô bạn tôi, người mẹ kỳ vọng con bé phải là người bạn thân nhất của bà.

Hiện tượng “đổi vai” này đem đến những tổn thương về tâm lý khó có thể phủ nhận, làm lu mờ ranh giới giữa người cho và người nhận. Nó khiến đứa trẻ mắc kẹt, rối bời vì trách nhiệm phải bảo bọc cảm xúc của một người lớn. Cũng vì con trẻ bất đắc dĩ phải “đóng vai” cha mẹ, các em thường mất đi những trải nghiệm ngây thơ đúng tuổi của mình. Người ngoài khó nhận ra hậu quả tai hại của sự “đổi vai” khi thấy một cậu bé 5 tuổi dễ thương an ủi người mẹ đang quằn quại sau phiên tòa tranh chấp quyền nuôi con, nhưng khi cậu bé trở thành chàng trai 30 tuổi không dám hẹn hò chỉ vì sợ bỏ mặc mẹ mình cô độc, chúng ta sẽ thấy thấm thía.

Gia đình tan vỡ, hàn gắn vết thương lòng của bố mẹ không phải trách nhiệm con trẻ phải làm - Ảnh 2.

Gia đình tan vỡ không phải lỗi lầm hay trách nhiệm của con trẻ

Phần lớn chúng ta không nghĩ quá nhiều khi chứng kiến một đứa trẻ an ủi cha mẹ trong những giai đoạn khó khăn, nhưng khi chuyện con cái đồng cảm với nỗi đau tâm lý của cha mẹ trở thành chuyện hằng ngày, các con sẽ hình thành suy nghĩ rằng việc làm cha mẹ vui là trách nhiệm đè nặng lên đôi vai của mình. Một lần nữa chúng ta cần khẳng định lại: Cảm xúc của mỗi người không do người ngoài chịu trách nhiệm, các con sẽ học được điều đó nếu cha mẹ có những biểu hiện cảm xúc lành mạnh và đúng tuổi. 

Nếu cha mẹ không làm được việc này, thế giới quan của các con cũng sẽ bị lung lay. Khi người lớn đẩy những rắc rối “người lớn” về phía con trẻ, để các con phải bận tâm về những xung đột của mình, chúng ta đang dạy các con rằng sự an toàn và hạnh phúc của mỗi người sẽ do người khác định đoạt. Đến tuổi yêu đương hẹn hò, các con thường có xu hướng tìm đến những đối tác “lãnh cảm”, cần được bảo bọc chăm sóc. Chúng sẽ trở thành những người trưởng thành thích cho đi hơn là yêu lấy chính mình, để thái độ của đối phương chi phối, thao túng cảm xúc của bản thân.

Trở lại với câu chuyện của bạn tôi, con bé đã lấp đầy khoảng trống của một người chồng trong cuộc đời của người mẹ. Tôi hiểu rằng không gì đau đớn hơn việc hai người gieo mầm tình yêu trong hạnh phúc, đến một ngày người kia rời đi, người ở lại nuôi con trong đau khổ. Thế nhưng có một điều không thể phủ nhận: Gia đình tan vỡ không phải lỗi lầm và trách nhiệm của những đứa con. 

Mẹ bạn tôi đã tự huyễn hoặc mình rằng đứa con gái bà sinh ra chính là món quà thượng đế ban tặng để bà vượt qua những tháng ngày đen tối của cuộc đời. Con bé khiến mẹ mình không còn muốn tự chữa lành vết thương lòng của bà nữa, tự mình chống chọi làm gì khi lúc nào con gái cũng dang tay chờ mẹ, yêu mẹ vô điều kiện, luôn đứng về phía mẹ và không bao giờ bỏ mặc mẹ cô đơn. 

Bà coi con bé như người bạn đồng hành của cuộc đời, không chỉ là con, con bé còn là người định hướng cho mẹ, tất cả việc đó nhằm mục đích tránh phải đối diện với những đau khổ, khó khăn khi phải tự mình vượt qua nghịch cảnh của một bà mẹ đơn thân.

Gia đình tan vỡ, hàn gắn vết thương lòng của bố mẹ không phải trách nhiệm con trẻ phải làm - Ảnh 3.

Chúng ta cần học cách bảo vệ bản thân trước những người muốn trói buộc chúng ta vào những mối quan hệ một chiều và độc hại, đặc biệt khi đó là cha mẹ mình

Né tránh việc tự chữa lành và tự đứng lên khỏi nghịch cảnh, mẹ bạn tôi vô thức “dạy” cho con bé sự không thành thật và thói quen thao túng cảm xúc người khác: Sự yếu mềm sẽ là vũ khí giúp nhu cầu của mình được người khác đáp ứng. Thay vì giữ một tâm lý vững vàng, nếu không chăm sóc được bản thân, hãy đẩy trách nhiệm đó cho một người khác, người khác có thể bao gồm cả con đẻ mình vì mục tiêu cuối cùng chỉ là nhu cầu của bản thân được đáp ứng.

Tôi đồng cảm với bạn mình và những người đang chật vật cố hình thành một mối quan hệ lành mạnh với cha mẹ. Có ai bỏ rơi được cha mẹ?! Điều đáng buồn là những đứa con với nỗi ám ảnh không được hóa giải có xu hướng trở thành những bậc cha mẹ với chung một lối mòn. Nếu chúng ta không ý thức rõ ràng rằng việc tự chữa lành là trách nhiệm của chính mình, chúng ta sẽ đẩy trách nhiệm đó cho những người chúng ta yêu thương nhất.

Các con không có trách nhiệm chữa lành vết thương lòng cho cha mẹ, những quyết định sai lầm của cha mẹ không thể là lỗi của các con. Chúng ta cần học cách bảo vệ bản thân trước những người muốn trói buộc chúng ta vào những mối quan hệ một chiều và độc hại, ngay cả khi đó là cha mẹ mình.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM