Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 7 năm

05/02/2022 22:00 PM | Xã hội

Giá dầu Brent giao tháng Tư lên mức 93,27 USD/thùng tại Sàn ICE Futures, mức chốt phiên cao nhất kể từ ngày 2/10/2014.

Giá dầu kỳ hạn phục hồi trong phiên 4/2, tiếp tục tăng tuần thứ bảy liên tiếp trong tuần qua, với giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ chốt phiên ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, khi một cơn bão mùa Đông gây ra những lo ngại về nguồn cung.

Theo nhà phân tích về hàng hóa của Commerzbank, Carsten Fritsch, giá dầu tăng trong phiên cuối tuần do đợt lạnh tại Texas gây lo ngại về việc dừng sản xuất tại Permian Basin, khu vực khai thác dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ.

Khoảng 350.000 ngôi nhà và doanh nghiệp tại các bang như Tennessee, Arkansas và Texas bị mất điện trong ngày 4/2, do cơn bão mùa Đông gây đóng băng và tuyết.

Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng Ba của Mỹ chốt phiên cuối tuần tăng 2,04 USD, hay 2,3%, lên 92,31 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York. Theo Dow Jones market Data, đây là mức cao nhất kể từ ngày 29/9/2014.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng Tư tăng 2,16 USD, hay 2,4%, lên 93,27 USD/thùng tại Sàn ICE Futures, mức chốt phiên cao nhất kể từ ngày 2/10/2014.

Giá dầu thế giới tăng cao trong phiên 2/2 sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi OPEC+, quyết định tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng vừa phải bất chấp áp lực từ những nước tiêu thụ dầu hàng đầu yêu cầu tăng sản lượng cao hơn.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 31 xu Mỹ lên 89,47 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 6 xu Mỹ lên 88,26 USD/thùng.

Trong cả tuần, giá dầu WTI tăng 6,3%, còn giá dầu Brent tăng 5,4%.

Người phụ trách phân tích về nguồn cung và khai thác tại S&P Global Platts, Shin Kim, cho rằng giá dầu tăng mạnh khi giá cổ phiếu bắt đầu tăng, ngay cả ở các thị trường ngoài Trung Quốc, các nhà máy lọc dầu chuẩn bị bước vào giai đoạn bảo dưỡng và nguồn cung tăng kỷ lục, phần lớn nhờ tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ phục hồi.

Tuy nhiên, bà Kim nhận định có những rủi ro đối với nguồn cung như căng thẳng giữa Nga và Ukraine, OPEC+ hạn chế công suất và thỏa thuận hạt nhân có thể giảm sức ép với Iran.

Ngày 2/2, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 3/2022.

PV

Cùng chuyên mục
XEM