Giá dầu chính thức vượt ngưỡng 60 USD/thùng, tăng 60% chỉ trong hơn 3 tháng

09/02/2021 08:09 AM | Xã hội

Việc giá dầu trở lại mức 60 USD cho thấy thị trường dầu cuối cùng cũng hồi phục trở lại sau một thời gian dài chật vật tìm lại động lực. Các chuyên gia cho biết thị trường đang thay đổi một cách nhanh chóng, nhanh hơn bất cứ dự đoán nào.

Thị trường dầu thô thế giới tiếp tục khởi sắc khi giá dầu phiên 8/2 tăng trên cả 2 sàn London và New York, đạt mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm do các nước sản xuất lớn cắt giảm nguồn cung và nhà đầu tư hy vọng vào một gói kích thích kinh tế khổng lồ của Mỹ.

Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 1,22 USD (2,1%) lên 60,56 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,12 USD (2%) lên 57,97 USD/thùng. Cả 2 loại dầu đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2020.

Phó chủ tịch Công ty Rystad Energy, Paola Rodriguez Masiu, cho biết: "Việc giá dầu trở lại mức 60 USD cho thấy thị trường dầu cuối cùng cũng hồi phục trở lại sau một thời gian dài ‘chật vật’ tìm lại động lực".

Giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 60% kể từ đầu tháng 11/2020 đến nay nhờ việc triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 cũng như việc thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng.

Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Công ty Price Futures Group ở Chicago cho biết: "Có vẻ như đang có một sự thay đổi sâu sắc trên thị trường, khi nguồn cung dầu mỏ dư thừa đang biến mất một cách nhanh chóng, nhanh hơn so với dự đoán của bất kỳ ai".

Saudi Arabia khẳng định sẽ tự nguyện cắt giảm thêm nguồn cung trong tháng 2 và 3/2021, ngoài mức cắt giảm đã cam kết với OPEC+.

Một dấu hiệu rõ rệt cho thấy nguồn cung dầu mỏ đang nhanh chóng chuyển từ thừa sang thiếu, đó là chênh lệch giá dầu Brent kỳ hạn gần với kỳ hạn giao sau 6 tháng đã lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020, là 2,54 USD/thùng. Điều này cho thấy cung – cầu dầu mỏ hiện tại không còn chênh lệch nhiều.

Nhà kinh tế Howie Lee của OCBC cho biết, nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Saudi Arabia tuần trước đã có động thái cho thấy "tín hiệu rất lạc quan" khi giữ giá dầu thô hàng tháng bán cho khách hàng Châu Á ở mức không thay đổi, khác với dự đoán của các nhà phân tích là sẽ cắt giảm chút ít.

"Tôi không nghĩ có ai muốn bán mạnh dầu mỏ ra khi mà Saudi Arabia có động thái như vậy", ông Lee cho biết.

Các nhà đầu tư đang theo dõi gói cứu trợ chống COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ, dự kiến sẽ được thông qua để thực hiện ngay trong tháng này.

Cũng nói về nguồn cung, việc Iran chưa sớm quay trở lại thị trường cũng hỗ trợ giá dầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho biết Mỹ sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran nếu chỉ để đưa nước này trở lại bàn đàm phán, đáp lại thông tin từ phía Lãnh tụ tối cao của Iran là tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ phải được dỡ bỏ trước khi 2 bên quay trở lại đàm phán.

OPEC+ dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ vượt nguồn cung ngay trong năm 2021 này. Theo đó, nhu cầu dầu thế giới sẽ do các nước đang phát triển sẽ "dẫn dắt" đà tăng, đưa tổng nhu cầu dầu thế giới tăng lên 95,9 triệu thùng/ngày vào năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4%. Con số trên tương đương mức tăng 5,9 triệu thùng/ngày so với mức của năm 2020, thấp hơn dự báo trước đó hồi tháng 12/2020 của OPEC là 6,25 triệu thùng/ngày.

Tổng Thư ký OPEC nhận định, nền kinh tế toàn cầu có thể phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021, nhưng cảnh báo các lĩnh vực như lữ hành, du lịch, giải trí và khách sạn có thể mất nhiều năm để phục hồi về mức trước đại dịch.

 Giá dầu chính thức vượt ngưỡng 60 USD/thùng, tăng 60% chỉ trong hơn 3 tháng  - Ảnh 1.

Tham khảo: Reuters

Thu Ngân

Cùng chuyên mục
XEM