Gap year 9 tháng, tôi nhận ra: Việc không lên kế hoạch khiến thời gian trôi đi nhanh, vô dụng và cực gây căng thẳng… Càng đi, càng thấy đói và thèm kiến thức

06/06/2019 11:15 AM | Sống

Điều khó khăn nhất của người làm tự do là… quá tự do. Tôi cho mình quyền làm việc mình thích, từ chối việc mình không thích, sai hẹn, trễ deadline. Ở đây xảy ra sự nhầm lẫn của kỷ luật: Tự do không đi kèm với sự vô kỷ luật.

Quyết định dành cho bản thân một năm "chơi cho đã" là một hành trình đầy xáo động.

Đây là lần đầu tiên tôi rời khỏi sở làm, bước ra khỏi vùng an toàn để thử làm nhiều thứ mình không nghĩ tới. Tôi cố gắng lấp đầy những sự lộn xộn về cảm xúc, nhân tính và cả những mong đợi đầy hồ nghi. Nhiều dang dở muốn thực hiện trong đầu. Chúng hiện ra như vũ bão, hào hứng, sôi nổi và ngây ngất khi tôi rời cơ quan.

Nhưng khi đó, một người bạn thân của tôi hỏi: "Cậu đã biết mình sẽ làm gì với những mong ước đó chưa?"

Đó là khi phải đọc lại đề bài. Tôi mất chừng 10 ngày để đọc một quyển sách nói về thời gian và phân tách những khoảng làm việc. 

Điều khó khăn nhất của người làm tự do là… quá tự do. Tôi cho mình quyền làm việc mình thích, từ chối việc mình không thích, sai hẹn, trễ deadline. Ở đây xảy ra sự nhầm lẫn của kỷ luật: Tự do không đi kèm với sự vô kỷ luật.

Gap year 9 tháng, tôi nhận ra: Việc không lên kế hoạch khiến thời gian trôi đi nhanh, vô dụng và cực gây căng thẳng… Càng đi, càng thấy đói và thèm kiến thức - Ảnh 1.

Nếu không nhận định rõ cuối cùng mình chơi một năm để làm gì, thì mọi thứ sẽ mờ nhạt và chán đi rất nhanh. Tôi thấy mệt khi ngủ phè ra đến trưa và ngồi viết đến chiều muộn, sau đó lang thang ra rạp coi phim. Giấc mơ nhanh chóng phai nhòa trong lộn xộn. 

Cần phải phân tách thời gian để chia khoảng thở cho tâm trí mình, để nó tái định hình, nhìn thấy rõ điều cần tập trung và loại bỏ những lao xao vô lý.

Trong quyển sách tên "168 hours", tác giả đã chỉ dẫn tôi rất nhiều về cách tận dụng từng khoảng hở của thời gian để làm vài việc. Ví dụ, bà dặn nếu phải đọc tài liệu, hãy luôn in chúng ra để trong túi, và chỉ cần lấy ra khi bạn đang phải chờ việc gì đó đến. Tôi đi xe bus nhiều, chờ xe bus là việc vô cùng dễ điên. Nhưng có bữa, mang theo đủ việc để làm trong túi, tôi đã ngồi đợi xe bus 40 phút mà không hề để ý thời gian đã trôi qua. Xe tới thì leo lên, tiếp tục làm khi chờ 1 giờ nữa tới bến.

Trong thời gian trên xe, tôi tiếp tục soạn nốt đoạn nội dung đọc dở, trả lời email của khách hàng và bật headphone nghe album nhạc quen thuộc. Chiết tách thời gian linh tinh vớ vẩn ra để làm thứ mình thích đã khiến nhiều thứ có thể hoàn thành, trong khi đó tôi vẫn có thời gian để đi vòng vòng, thử nghiệm vài nội dung mới, hoặc soạn bài cho ngày dạy học.

Thời gian của người có gap year là cả năm dài không bị phân tách ra. Chúng trôi đi như thác lũ. Có một tháng tôi bị cuốn vào một việc, hoàn toàn linh tinh, và khi ngẩng đầu lên thấy 29 ngày đã hết, tuyệt nhiên không làm được việc gì. Sự bất cẩn của việc không lên kế hoạch khiến thời gian trôi đi nhanh hơn, vô dụng hơn và gây căng thẳng hơn.

Gap year 9 tháng, tôi nhận ra: Việc không lên kế hoạch khiến thời gian trôi đi nhanh, vô dụng và cực gây căng thẳng… Càng đi, càng thấy đói và thèm kiến thức - Ảnh 2.

Ngoài thời gian, âm nhạc là điều kỳ diệu của tín hiệu. Để "tách" bản thân khỏi xung quanh và giảm thiểu sự tác động từ tiếng ồn cũng như chuyện lộn xộn, tôi chọn một album nhạc ồn ào xíu, nhưng không lời và có xu hướng tích cực. Sau vài lần vừa nghe vừa viết, não bắt đầu phản ứng theo chính âm thanh đó. Cứ mỗi lần bật nhạc, tôi nhập cuộc nhanh chóng, và làm được thứ mình cần một cách êm thắm, không bị lu xu bu vì phải chờ xe bus bớt ồn, quán cafe yên tĩnh hay xung quanh yên lặng nữa.

Có một người bạn hỏi tại sao tôi không tháo headphone ra để lắng nghe xung quanh đời sống diễn ra thế nào. Ngày xưa tôi sợ hãi chuyện này lắm, vì luôn đói mồi với cảm thức xung quanh, thèm khát được lắng nghe ai đó nói tiếng người quanh mình. Nhưng có giai đoạn như bây giờ, thứ tôi cần là lắng nghe âm thanh đang xảy ra trong tâm trí mình, hành động vì thứ mình đã điên khùng vì nó hoặc nghĩ về nó suốt nhiều năm. Ngừng lắng nghe xung quanh không có gì xấu, đó là khi ta cần nghe một âm thanh duy nhất giải quyết những dằn vặt đang chất chồng lên trong đầu óc mình.

Năm nghỉ làm – để chơi – hay để làm mọi trò không như toan tính có nhiều áp lực. Tôi hay bị bạn bè hỏi: "Cậu từng tuổi này rồi, không lo ổn định đi cứ lông bông như thế?" – Khi ấy thực sự sợ hãi. Bao nhiêu người quanh mình đã thành công, tốt đẹp, an yên. Mình cứ đứng đó ở một ngã ba đường rối tinh rối mù và khi ai hỏi làm gì thì cứ như con mèo đang bị cả cuộn len quấn đầy mỏ.

Bởi thế, năm nghỉ ngơi cần được thống nhất từ đầu trong tâm thức. Tôi muốn điều này. Tôi không đổ lỗi vì điều gì dẫn tới nó. Tôi không phản bội thứ đã được ghi ra trước khi bắt đầu. Hết năm thì đi làm lại thôi. Có gì đâu mà hoảng loạn.

Gap year 9 tháng, tôi nhận ra: Việc không lên kế hoạch khiến thời gian trôi đi nhanh, vô dụng và cực gây căng thẳng… Càng đi, càng thấy đói và thèm kiến thức - Ảnh 3.

Trong năm nghỉ ngơi, có một thứ đáng sợ xảy tới: đó là sức khỏe. Nhìn nhận rõ ràng về sức khỏe bản thân, tình thế của nó, cần tăng cường để làm gì, mình muốn hình dạng mình ra sao với nó. 

Lần đầu tiên tôi nhận ra, để chăm sóc sức khỏe đơn giản mỗi ngày không phải là một nỗ lực chứng tỏ điên khùng, mà là nỗ lực để loại bỏ sự bầy hầy đang nhấn chìm đời mình – là kiểu sống không khỏe mạnh. Tôi không thay đổi quá tích cực như nhiều bạn bè, nhưng tôi cố gắng để có thêm sức khỏe và giờ làm việc dài hơn. Sự tươi mới của tinh thần quan trọng hơn hình dáng, cân nặng, bề ngoài – nó đến từ việc cố gắng dành sự quan tâm rõ ràng để hiểu điều gì đang xảy ra trên cơ thể mình.

Khi quay trở lại cường độ ngồi viết hơn 9 giờ/ngày, tôi nhận ra sức khỏe quan trọng đến mức nào… Khi đi bộ trong rừng với bạn suốt vài giờ không bị mệt, tôi nghe thấy không gian xung quanh đẹp và mong manh đến mức nào, so với thời gian vừa đi vừa thở đầy mệt mỏi vài năm trước.

...

Phần cuối cùng của năm nghỉ ngơi là có lại được cảm giác đói và thèm kiến thức. Từ sau năm đại học thứ tư, chưa bao giờ tôi học lại nhiều như vậy. Nhưng tâm thế đó hoàn toàn không giống đại học. Tôi biết chính xác điều mình cần học, biết ai là thầy mình cần tìm, sách gì mình cần kiếm, xong đi lung tung gõ cửa hỏi, ai cho thì cho. Có thời gian ngồi trong thư viện ở Phnom Penh, có ông già ăn mặc y chang Indiana Jones ngồi đối diện suốt một tuần. Hết tuần, ông già quay qua hỏi: "Sao, cô cần cái gì, nói tôi xem giúp được không?" – Vậy là tôi có một người thầy mới.

Năm nghỉ ngơi khiến tôi lùi lại và nhìn rõ rất nhiều thứ xảy đến và ra đi trong cuộc sống và chuyên môn của mình. Có nhiều thứ sai hẳn đi, cũng có thứ đã thành hình. Tôi chọn làm điều mình thích, lần đầu có thể dành toàn thời gian cho nó để xem thử sức mình tới đâu, có ra gì không.

Có một thứ không mua được… đó là cảm giác đầy đủ hiếm hoi mà nhiều năm qua tôi không hề cảm thấy…

(Trích từ blog của nhà văn Khải Đơn) 


Khải Đơn

Cùng chuyên mục
XEM