Gần 88% đại biểu tán thành, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

06/04/2016 16:02 PM | Xã hội

Ông Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức rời ghế Thủ tướng sau 9 năm 10 tháng đảm nhiệm vai trò là Thủ tướng Chính phủ.

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng báo cáo kết quả, tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại Đoàn đại biểu về việc miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.

Kết quả bỏ phiếu kín được Trưởng ban Kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí công bố chiều nay cho biết: Số phiếu phát ra là 487, số phiếu thu về 487 phiếu, số phiếu hợp lệ 486, số phiếu không hợp lệ 1 phiếu, số phiếu đồng ý 418; số phiếu không đồng ý 68 phiếu.

“Căn cứ nội quy kỳ họp, Quốc hội đồng ý miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng” - ông Huỳnh Văn Tí nói.

Sau đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nghị quyết miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng với 439 Đại biểu Quốc hội tán thành với tỷ lệ 87,04%, không tán thành 23 (4,66%), không biểu quyết 9 (1,82%).

Được biết đến là một trong những người đứng đầu Chính phủ trẻ nhất trong nhiều năm qua, suốt gần 10 năm đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng không những là nhà lãnh đạo có nhiều quyết định quan trọng, tác động lớn đối với nền kinh tế đất nước, mà còn là nguyên thủ quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường quốc tế.

Dưới sự điều hành của ông, GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng tớ hơn 4 lần, từ 1 triệu tỷ đồng năm 2006 tăng lên 4,2 triệu tỷ đồng năm 2015.

Cho dù tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn giai đoạn trước, thế nhưng Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008. Nhiều chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế như xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, năng suất lao động, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới… có mức tăng khá tích cực.

Đặc biệt, Thủ tướng đã ghi nhiều dấu ấn trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn tại trường quốc tế, khi ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Với những hiệp định này, áp lực đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao chất lượng song cũng mở ra nhiều cơ hội thương mại, đầu tư ra thị trường nước ngoài.

Những dấu ấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không chỉ ở việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, mà ở các diễn đàn ngoại giao. Trong hai nhiệm kỳ với vai trò người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, bằng ảnh hưởng và uy tín của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động đối ngoại để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ấn tượng nhất là thông điệp hòa bình được ông đưa ra dưới quan điểm cần xây dựng lòng tin chiến lược tại Đối thoại Shangri-La 2013. Với vấn đề chủ quyền, ông đi vào lòng dân với câu nói: "Không đánh đổi chủ quyền bằng thứ hữu nghị viển vông", tạo dựng niềm tin trong nhân dân.

Trước khi về nghỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người rất kiệm lời. Trong phiên họp Chính phủ cuối cùng của nhiệm kỳ, ông đã gửi lời cảm ơn và lời chúc tới các đồng chí lãnh đạo và chính mình, mong muốn khi về nghỉ sẽ làm một công dân tốt, Đảng viên tốt.

Ông Nguyễn Tấn Dũng năm nay 67 tuổi, quê tại Cà Mau. Đi lên từ quân đội và đảm nhiệm nhiều chức vụ tại Kiên Giang, ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Phó thủ tướng trẻ nhất bấy giờ ở tuổi 48 tuổi và kiêm nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ghi dấu ấn khi trở thành Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trẻ nhất khi ở tuổi 48. Năm 2006, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ trẻ nhất trong 20 năm.

Tại Đại hội Đảng XII hồi tháng 1 vừa qua, ông cùng 8 ủy viên Bộ Chính trị không tham gia Ban Chấp hành khóa mới.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM