Gần 13 triệu lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

28/09/2021 14:01 PM | Kinh tế vĩ mô

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, khoảng gần 13 triệu người lao động và 38.000 người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Nghị quyết 116: Hỗ trợ 38.000 tỷ đồng cho người lao động và doanh nghiệp

Mới đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng một phần kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động cũng được giảm mức đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0% trong 12 tháng. Tổng gói hỗ trợ này là khoảng 38.000 tỷ đồng.

Đây là một chính sách rất nhân văn và cấp thiết tình hình hiện nay. Bởi đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đã khiến cho hàng chục nghìn doanh nghiệp phải khốn đốn, hàng triệu người lao động bị giảm thu nhập, hoặc mất việc làm. Để thực thi chính sách này, Chính phủ ngay lập tức đã ban hành Nghị quyết 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, từ 1/10, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, dao động trong khoảng từ 1,8 triệu đồng đến 3,3 triệu đồng/người. Nguồn kinh phí hỗ trợ là khoảng 30.000 tỷ đồng.

 Gần 13 triệu lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp  - Ảnh 1.

Từ 1/10, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Còn đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian giảm đóng 12 tháng, kể từ 1/10 năm nay. Dự kiến doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 8.000 tỷ đồng từ hỗ trợ này.

Gần 13 triệu lao động được nhận hỗ trợ

Theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là một giải pháp trong tình huống cấp bách, chưa có tiền lệ. Dự kiến, khoảng 13 triệu lao động sẽ được tiếp cận gói hỗ trợ này, giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Là nhân viên công ty du lịch, chị Vân Anh đã phải tạm nghỉ việc ở nhà 5 tháng nay vì dịch bệnh. Vì chưa chấm dứt hợp đồng lao động nên chị không đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, do đã đóng bảo hiểm trên 12 tháng nên theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, chị sẽ được nhận hỗ trợ khoảng 2,1 triệu đồng.

"Tôi làm du lịch nên không có doanh thu. Còn chồng tôi làm quán ăn nên cũng phải đóng cửa", chị Lê Thị Vân Anh chia sẻ.

Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động lần này đã nới rộng điều kiện nhận hỗ trợ. Do vậy, với những lao động không đủ điều kiện được chi trả trợ cấp thất nghiệp vì thời gian đóng bảo hiểm dưới 12 tháng như anh Huy cũng có thể tiếp cận.

"Hôm nay tôi làm thì không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp vì theo điều kiện, phải đóng tối thiểu 12 tháng trong 24 tháng liền kề", anh Nguyễn Thành Huy, lao động tự do, cho biết.

Theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, mỗi người lao động sẽ được hỗ trợ từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/tháng tùy theo thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Chuyên gia cho rằng, quy định mới này có độ phủ rất rộng, bởi chỉ cần người lao động đã từng đóng bảo hiểm, chưa từng nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc không làm việc trong các tổ chức, cơ quan Nhà nước.

"Độ phủ của gói này sẽ là rất lớn. Tôi cho rằng gần như những người bị ảnh hưởng của các doanh nghiệp sẽ được hưởng ngay từ cái gói này", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhận định.

Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Nghị quyết 116 sẽ hỗ trợ tới gần 13 triệu người lao động. Trong đó, hơn 10 triệu người đang làm việc ở các doanh nghiệp và hơn 2 triệu người đã bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1/1/2020 đến 30/9/2021.

Doanh nghiệp được tiếp sức khi miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng

Theo Nghị quyết 116 của Chính phủ, người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021 sẽ được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 12 tháng, kể từ ngày 1/10 năm nay. Chính sách này đã nhanh chóng giải tỏa gánh nặng tâm lý về dòng tiền của nhiều doanh nghiệp hiện tại.

Với hơn 500 công nhân, bình quân 1 tháng, Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn đóng hơn 50 triệu đồng bảo hiểm thất nghiệp với mức đóng 1%. Như vậy, nếu được miễn 12 tháng, doanh nghiệp sẽ có thêm hơn 600 triệu đồng.

"Có được số tiền như vậy cũng được một khoản trang trải, trước mắt là trang trải những hoạt động y tế thường ngày ở nhà máy", ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho hay.

Các doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, bất cứ khoản hỗ trợ nào, dù lớn hay nhỏ, cũng là nguồn động viên kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động.

"Đối với những doanh nghiệp có 2.000 - 3.000 người, quỹ lương 1 tháng khoảng 10 - 30 tỷ, thậm chí hơn thì con số 1% sẽ rất lớn. Như vậy xuyên suốt 1 năm sẽ tiết kiệm được 12%", ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, cho biết.

"Bất cứ một hỗ trợ nào về tài chính cho doanh nghiệp đều có ý nghĩa lớn, giảm gánh nặng tài chính, chúng tôi rất mừng", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, bày tỏ.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tính toán, nếu được giảm 1% tiền đóng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 1 năm theo Nghị quyết 116, ước tính các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh sẽ được giảm đóng khoản 2.000 tỷ đồng.

"Đây là chính sách rất nhân văn, vừa thể hiện sự chia sẻ của Chính phủ, Nhà nước với doanh nghiệp, để doanh nghiệp thấy rằng, mình có trách nhiệm thì cũng có quyền lợi khi gặp khó khăn", ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ bắt đầu thực hiện ngay từ tháng 10 để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất và hỗ trợ người lao động.

Phấn khởi, mong đợi, nhưng không ít doanh nghiệp, người lao động vẫn còn băn khoăn. Bởi trước đó, gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng tỷ lệ giải ngân thấp, nhiều thủ tục phát sinh gây phiền hà. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều kiện hưởng ưu đãi của Nghị quyết 116 đã đơn giản rất nhiều.

 Gần 13 triệu lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp  - Ảnh 2.

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, bất cứ khoản hỗ trợ nào, dù lớn hay nhỏ, cũng là nguồn động viên kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Rút kinh nghiệm từ gói 62.000 tỷ, nếu chúng ta đưa ra quá nhiều điều kiện ràng buộc thì những đối tượng người lao động sẽ không thể thỏa mãn được những điều kiện đó và chính sách không vào cuộc sống. Ở gói này, điều kiện rất rõ ràng, chỉ cần người lao động có danh sách đóng bảo hiểm xã hội và như vậy dùng chính danh sách đó là điều kiện để chi trả trở lại tiền hỗ trợ từ gói này mà không cần đưa ra bất kể một thủ tục nào khác", GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho hay.

"Theo tôi, với cơ quan dân cử các cấp, việc kiểm tra, giám sát gói hỗ trợ này sẽ phù hợp hơn với họ. Ngoài việc kiểm tra, giám sát, hỗ trợ có tính chất để làm rõ và minh bạch, nó còn nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện các chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn", PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính nhấn mạnh.

Quyết tâm giải ngân sớm nhất gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động

Theo quy định, gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng sẽ được triển khai ngay từ 1/10 năm nay, tức là chỉ còn vài ngày tới, người lao động có thể được nhận tiền hỗ trợ. Thời gian gấp gáp, nhưng đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này đang triển khai nhiều giải pháp để có thể kịp thời hỗ trợ tới người lao động một cách sớm nhất.

Rà soát dữ liệu hiện tại, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, khoảng gần 13 triệu người lao động và 38.000 người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 116 của Chính phủ.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giao các đơn vị trực thuộc và Bảo hiểm xã hội các địa phương chuẩn bị công tác triển khai như sẵn sàng nguồn dữ liệu, chuẩn bị nguồn nhân lực, chuẩn bị kinh phí để giải ngân.

"Cơ quan bảo hiểm xã hội sẵn sàng tiếp nhận đề nghị giải quyết quyền lợi của người lao động, không phân biệt về địa giới hành chính, nghĩa là người lao động có thể đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc bảo lưu ở địa phương này, nhưng đến bất kỳ cơ quan bảo hiểm xã hội ở địa phương nào đó khác để làm thủ tục thì chúng tôi vẫn phục vụ thanh toán trong thời gian sớm nhất", ông Lê Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, cho biết.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho biết, danh sách lao động có đầy đủ thông tin và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp do phần mềm đang quản lý sẽ được gửi đến các đơn vị sử dụng lao động. Ngay sau khi người sử dụng lao động ký xác nhận và chuyển cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, kèm theo số tài khoản cá nhân của người lao động, việc giải ngân sẽ được thực hiện ngay chỉ trong 1 - 2 ngày.

"Một miếng khi đói, bằng 1 gói khi no", gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng của Quốc hội và Chính phủ không chỉ có ý nghĩa về vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần quý báu cho hàng triệu người lao động và doanh nghiệp có thêm động lực để ổn định cuộc sống, vực dậy sản xuất sau đại dịch COVID-19.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM