Gần 100.000 con đập tại Trung Quốc - những quả "bom nổ chậm" trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan

22/08/2021 14:01 PM | Xã hội

Việc kiểm soát số lượng đập nước lên tới cả chục vạn tại Trung Quốc đang trở thành một thách thức khó khăn, khi các hiện tượng khí tượng cực đoan ngày càng trở nên khủng khiếp.

Những trận lũ thường niên của sông Dương Tử (sông Trường Giang) là một trong những lý do khiến Trung Quốc quyết định xây nên đập Tam Hiệp - con đập lớn nhất lịch sử đất nước - để bổ sung vào hệ thống hàng vạn con đập sẵn có ở đại lục.

Ý tưởng ở đây là bằng cách trữ nước và xả thải từ từ, họ sẽ kiểm soát được lưu lượng nước và ngăn chặn thảm họa tương tự như trận lụt lịch sử năm 1931 - sự kiện khiến hàng triệu người tử vong tại các thành phố dọc sông Dương Tử; hay những trận lũ năm 1998 khiến hàng triệu người mất nhà cửa.

 Gần 100.000 con đập tại Trung Quốc - những quả bom nổ chậm trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan - Ảnh 1.

Đập Tam Hiệp - con đập thủy điện lớn nhất lịch sử Trung Quốc

"Đập Tam Hiệp là một công cụ để kiểm soát lũ lụt," - Thứ trưởng Bộ tài nguyên nước phát biểu sau khi hoàn thành dự án này.

Trung Quốc có khoảng 98.000 con đập - đa số có quy mô nhỏ và được xây dựng từ trước năm 1970. Bên cạnh việc kiểm soát lũ, những con đập này đóng vai trò quan trọng trong thủy điện và đảm bảo nguồn nước cho dân cư. Tuy nhiên những năm gần đây, lũ lụt đang diễn ra nhiều hơn bởi các trận mưa nặng hạt bất thường đang gây ra rất nhiều lo ngại. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để kiểm soát được gần 10 vạn con đập trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu, khi những trận mưa cực đoan đang đe dọa sự sống của cộng đồng xung quanh?

 Gần 100.000 con đập tại Trung Quốc - những quả bom nổ chậm trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan - Ảnh 2.

Tháng 7/2021, đập Yihetan - con đập khổng lồ tại trung tâm tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đã xuất hiện những vết nứt vỡ và "tổn hại nghiêm trọng" sau những trận mưa xối xả. 2 con đập khác ở khu Nội Mông phía Bắc cũng nứt vỡ rồi sụp đổ vì nước lên quá lớn, gây ảnh hưởng đến 16.000 người. Thậm chí ngay cả đập Tam Hiệp - con đập lớn nhất đất nước - cũng đang gây lo ngại sau những trận mưa nặng hạt vào năm ngoái, khiến mực nước dâng lên báo động.

"Biến đổi khí hậu có thể ngày càng mạnh hơn so với dự đoán, đó là những gì chúng ta chưa tính toán đến khi thiết kế con đập này," - Wen Wang, giáo sư thủy văn học từ ĐH Hồ Hải (Nam Kinh) nhận xét. Giáo sư cũng cho rằng đây nên là vấn đề cần được các kỹ sư ưu tiên chú ý, dù khó khăn nhất nằm ở khâu dự đoán lượng mưa trong thời gian tới.

 Gần 100.000 con đập tại Trung Quốc - những quả bom nổ chậm trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan - Ảnh 3.

Trận lụt lịch sử tại Trịnh Châu tháng 7 vừa qua

Kỷ nguyên biến đổi khí hậu cực đoan

Khó có thể khẳng định bất kỳ hiện tượng thời tiết cực đoan nào đều gắn với việc Trái đất nóng lên. Tuy nhiên, một báo cáo từ IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu) công bố hôm 9/8, những trận mưa và lũ lụt với cường độ "10 năm có 1" đang xảy ra ngày càng nhiều hơn. Tại Đông Á, IPCC dự đoán trong những năm sắp tới mưa sẽ rơi thường xuyên hơn, và nặng hạt hơn rất nhiều.

Thành phố Trịnh Châu - thủ phủ của tỉnh Hà Nam là một ví dụ. Ngày 20/7, Trịnh Châu hứng chịu một cơn mưa trút xuống lượng nước của cả năm chỉ trong vòng 1 ngày. Trận mưa ấy gây ra lũ lụt cực kỳ nghiêm trọng, khiến hơn 300 người tử vong, trong đó có nhiều hành khách bị mắc kẹt trong tàu điện ngầm bị ngập nước.

 Gần 100.000 con đập tại Trung Quốc - những quả bom nổ chậm trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan - Ảnh 4.

Johnny Chan, giáo sư khí tượng từ ĐH Hong Kong cho biết đó là trận mưa chưa từng có trong lịch sử của thành phố. Nhưng với việc Trái đất nóng lên, nước bốc hơi nhanh hơn, nó sẽ sớm trở nên phổ biến.

Theo như một báo cáo của Trung tâm Khí tượng Quốc gia thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc, nhiệt độ trung bình tại đại lục mùa hè này đã ở trên mức trung bình so với mọi năm. Trong khi đó, lượng mưa năm 2020 là nhiều thứ 4 kể từ năm 1951. Mưa nhiều gây ra lũ lụt nặng nề khắp miền nam, trung và đông Trung Quốc. Hệ quả, lượng nước tại đập Tam Hiệp đã dâng gần 2m cao hơn mức cảnh báo lũ lụt.

Kiểm soát biến đổi khí hậu

Đập Xinfa ở Nội Mông - một trong những con đập bị sụp đổ năm 2021 vốn được "xây dựng và chuẩn bị rất kỹ cho lũ lụt" - theo lời Mohammad Heiderzahad, phó giáo sư kỹ thuật dân dụng tại ĐH Brunel (London, Anh), cũng là kỹ sư đập thủy điện. Ông cho biết con đập này đổ vỡ quá nhanh dù có đến 2 đập tràn và 1 đường xả đáy khẩn cấp - những thứ cho phép rút nước an toàn khi con đập có nguy cơ tràn.

 Gần 100.000 con đập tại Trung Quốc - những quả bom nổ chậm trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan - Ảnh 5.

Nguyên nhân được cho là vì lượng mưa quá khủng khiếp đã vượt quá chỉ số lụt tối đa PMF (Probable Maximum Flood) mà con đập được thiết kế. PMF là khái niệm chỉ khả năng trữ lụt lớn nhất mà một con đập có thể tải được.

"Nếu những cơn mưa như vậy trở thành 'điều bình thường mới', những con đập cỡ càng lớn thì càng dễ khiến cư dân gặp nguy hiểm," - Heiderzahad nhận định. Ông cũng gợi ý rằng cần thêm một đường xả đáy khẩn cấp nữa tại những con đập hiện nay để giảm thiểu rủi ro.

Đập Xinfa sụp đổ

 Gần 100.000 con đập tại Trung Quốc - những quả bom nổ chậm trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan - Ảnh 7.

Trên thực tế, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở mức rủi ro trên lý thuyết nữa. Năm 2020, nhà chức trách Trung Quốc đã buộc phải cho nổ một con đập, trước khi lượng nước ở đó chạm đến mức không thể cứu vãn.

Tuy vậy, Giáo sư Wen Wang từ ĐH Hồ Hải không đồng tình. Ông không nghĩ rằng kích cỡ của con đập là vấn đề, mà nằm ở sự kết hợp giữa các hồ chứa và những phương pháp kiểm soát nước. Khi không thể xử lý mực nước, con đập cần phải xả bể chứa càng sớm càng tốt - điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng dự báo thời tiết.

Như trong năm nay, đập Tam Hiệp đã xả 90% lượng nước trong hồ ngay từ đầu tháng 6 để đón đầu mùa lũ. Nhưng nếu nhiều con đập phải xả nước, nó có nguy cơ khiến những khu vực ở hạ lưu chịu lũ lụt, đặc biệt là khi đi kèm với mưa lớn.

"Dù vậy chúng ta phải giữ mọi thứ ở mức cân bằng. Nếu các hồ chứa không đủ rỗng để chuẩn bị cho mùa lũ, con đập có thể bị phá hủy và mang đến những hậu quả kinh khủng hơn rất nhiều."

Nguồn: QZ

JD

Cùng chuyên mục
XEM