'Gã khổng lồ' thức ăn nhanh Philippines Jollibee thua lỗ ở thị trường Mỹ

13/03/2020 10:04 AM | Kinh doanh

Sau thành công tại quê nhà, Jollibee theo đuổi việc mua lại các thương hiệu ở Mỹ với tham vọng trở thành một trong 5 chuỗi nhà hàng hàng đầu thế giới.Smashburger và Coffee Bean & Tea Leaf thua lỗ cùng dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến doanh thu của công ty tại Mỹ.

Nếu 2019 là một năm tồi tệ đối với Tony Tan Caktiong, doanh nhân Philippines – người xây dựng đế chế thức ăn nhanh đánh bại McDonald's tại thị trường quê nhà, thì đến năm 2020, tình hình có vẻ tồi tệ hơn với cổ phiếu của công ty.

Sau khi “thu hút” hàng triệu người Philippines trong nhiều thập kỷ với món gà rán đặc trưng của mình, Jollibee của Tan đã bắt đầu mở rộng sang Mỹ, chi 540 triệu USD để mua lại Smashburger và Coffee Bean & Tea Leaf. Hai thương hiệu này thua lỗ, dịch Covid-19 hiện cũng đang đe dọa đến doanh thu của công ty.

Mối lo ngại về dịch bệnh ảnh hưởng tới nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng đẩy cổ phiếu của Jollibee giảm hơn 18% trong năm nay, khiến công ty tăng thêm tổn thất trong năm 2019, mức tồi tệ nhất trong hai thập kỷ. Mức sụt giảm trị giá 2,22 tỷ USD giá trị thị trường của công ty kể từ cuối năm 2018.

Là đại diện cho sự thành công khi tạo ra tăng trưởng về tiêu dùng ở Philipines, tình hình thực tế hiện nay trở thành một cuộc kiểm tra đối với Tan – người theo đuổi chiến lược nâng tăng trưởng của công ty bằng các thương vụ mua lại. Mặc dù chiến lược đó đã giúp mở rộng thương hiệu của tập đoàn ra gần 6.000 cửa hàng tại 35 quốc gia, các nhà đầu tư vẫn không cảm thấy ấn tượng trước sự thua lỗ của Smashburger và Coffee Bean.

“Ảnh hưởng của Covid-19 hiện chưa được đánh giá đầy đủ”, theo ông Noel Reyes, Giám đốc đầu tư tại Security Bank Corp ở Manila, chịu trách nhiệm quản lý 58 tỷ peso (1,15 tỷ USD).

Tại Trung Quốc, tập đoàn Jollibee – quản lý 15 thương hiệu và 389 nhà hàng, chiếm 7,4% doanh thu của công ty mẹ. Trung Quốc, nơi dịch Covid-19 bệnh bắt đầu, là một trong những thị trường lớn của công ty bên ngoài Philippines với hệ thống các cửa hàng ở nước ngoài chiếm 15% trên tổng số.

Tại tỉnh Hồ Bắc, Jollibee đã đóng cửa tất cả 14 cửa hàng Yonghe King. Mặc dù các cửa hàng đóng cửa chỉ chiếm khoảng 1% doanh số bán hàng, các cơ sở còn lại đang phải đối mặt với lượng khách ít hơn và doanh thu giảm. Là một trong những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, khách hàng Trung Quốc tránh những nơi đông người vì lý do an toàn, và nhiều tỉnh cấm tiệc tùng và bữa ăn theo nhóm tại các nhà hàng.

Các công ty nhà hàng khác bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bao gồm Yum China Holdings Inc., công ty quản lý KFC ở Trung Quốc và Haidilao International Holding Ltd., chuỗi lẩu lớn nhất Trung Quốc.

Ngày 4/2, Jollibee tuyên bố còn quá sớm để xác định được tác động của Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng họ sẽ thúc đẩy các kế hoạch để triển khai hơn 1.000 cửa hàng tại đây trong vài năm tới.

Jollibee ra đời vào năm 1975, khi Tan và gia đình mở một tiệm kem ở thành phố Quezon, phía đông bắc Manila. Sau đó, cửa hàng bắt đầu cung cấp các bữa ăn và bánh sandwich cho khách hàng theo yêu cầu, chuyển đổi thành nhà hàng Jollibee đầu tiên vào năm 1978.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của công ty đối mặt với thách thức đầu tiên vào năm 1981, khi McDonald's tham gia vào thị trường ăn nhanh ở các quốc gia Đông Nam Á. Công ty có được lợi thế tại quê nhà trong cuộc chiến với McDonald's bằng việc cung cấp các mặt hàng được thiết kế riêng cho khẩu vị người Philippines.

Với thực đơn bao gồm mì spaghetti độc đáo với những lát xúc xích và món xào nổi tiếng, Chickenjoy, Jollibee hiện kiểm soát khoảng 56% thị trường thức ăn nhanh Philippines trị giá 5 tỷ USD.

Tài sản ròng của Tan và gia đình ông hiện ít nhất là 1 tỷ USD.

Gã khổng lồ thức ăn nhanh Philippines Jollibee thua lỗ ở thị trường Mỹ - Ảnh 1.

Ernesto Tanmantiong, CEO Jollibee Food. Ảnh: Reuters

Sau khi tạo dựng các cơ sở ở các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, Tan đã theo đuổi việc mua lại các thương hiệu ở Mỹ với tham vọng trở thành một trong 5 chuỗi nhà nhà hàng hàng đầu thế giới và giảm sự phụ thuộc vào Philippines, người đứng đầu công ty - Ernesto Tanmantiong cho biết vào năm 2017.

Jollibee đã hoàn thành việc mua lại Smashburger với giá 210 triệu USD vào năm 2018 và trả 330 triệu USD cho thương vụ mua lại Coffee Bean vào năm 2019. Các khoản lỗ tại Smashburger, do các địa điểm cửa hàng yếu kém và chất lượng không nhất quán, chiếm một phần trong việc giảm gần 25% thu nhập ròng năm 2019 của Jollibee. Coffee Bean, dự kiến sẽ không có lãi trong 9 tháng đầu năm 2020, đã được hợp nhất vào tài khoản tài chính của Jollibee trong quý trước.

Trong nỗ lực giảm thiểu tổn thất tại Smashburger, Jollibee đang đóng cửa các cửa hàng kinh doanh không tốt và mở cửa hàng mới tại các địa điểm có lượng người qua lại tốt và tầm nhìn lớn hơn. Smashburger dự kiến sẽ hòa vốn vào năm 2021. Với Coffee Bean, Jollibee đang bắt đầu giải quyết các chi phí vận hành tốn kém để không còn tổn thất.

Julian Tarrobago, quản lý tại ATR Asset Management Inc. ở Manila, cho biết các biện pháp sẽ bắt đầu mang lại kết quả vào cuối năm nay. Thị trường đang được đánh giá cao bởi những nỗ lực của công ty để tạo ra sự giàu có và một thương hiệu có giá trị, ông nói thêm.

“Điều này có ý nghĩa đối với Jollibee ở mọi cấp độ”, Tarrobago nói. “Tôi nghiêng về tầm nhìn lâu dài hơn là tập trung vào kết quả ngắn hạn.”

Nhưng hiện tại, Jollibee là một trong những cổ phiếu của Philippines ít được yêu thích nhất. Trên thang điểm 5, đại diện cho sự nhất trí mua, xếp hạng phân tích đồng thuận trung bình trên cổ phiếu đã giảm xuống 2,67 trong năm nay, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2013. Năm 2018, xếp hạng của Jollibee đạt 4,2, mức cao trong 14 năm.

Theo Trang Trang

Cùng chuyên mục
XEM