Founder startup thời trang thiết kế chỉ ra 5 sai lầm khi mới khởi nghiệp: Ôm đồm nhiều việc, quá tự tin vào sản phẩm của mình

25/08/2020 07:01 AM | Kinh doanh

Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng, với bất kỳ ai và bất kỳ ngành nghề nào. Sai lầm là điều khó tránh khỏi.

Tốt nghiệp khoa tiếng Trung, trải nghiệm từ nghề phiên dịch, dẫn tour đến trợ lý giám đốc, Ngọc Mai (Sue) quyết định rẽ ngang sang ngành thời trang, trở thành stylist và mở thương hiệu riêng ở tuổi 23. Hiện cô đang là chủ của Caffeine Studio - một hãng thời trang thiết kế khá có tiếng tại Hà Nội.

Trong một chia sẻ mới đây, Ngọc Mai cho biết cửa hàng vừa bị mất trộm hết toàn bộ tiền mặt ngay trong giai đoạn khó khăn vì Covid-19. Nguyên nhân do nhân viên còn non nớt chưa có kinh nghiệm, ngăn kéo đựng tiền lại nằm ở vị trí ngay đường đi của khách, khiến kẻ trộm có thể dùng thủ đoạn và lấy đi một cách dễ dàng. Đáng nói, đây là lần thứ 2 cửa hàng của cô bị mất trộm tiền.

Founder startup thời trang thiết kế chỉ ra 5 sai lầm khi mới khởi nghiệp: Ôm đồm nhiều việc, quá tự tin vào sản phẩm của mình - Ảnh 1.

Ngọc Mai chia sẻ về lần bị mất trộm tiền trong cửa hàng.

“Sau mỗi lần như vậy, mình lại nhận ra rằng có nhiều chuyện mà không trường lớp hay sách vở, khóa học nào dạy bạn khi làm kinh doanh. Ví dụ đơn giản như ngăn kéo đựng tiền trong quầy thu ngân nên được thiết kế ở trong thay vì ngay ngoài, sát với lối đi của khách.”

Ngọc Mai cho biết đó chỉ là một trong rất nhiều sai lầm mà cô đã gặp phải trong quá trình 2 năm gây dựng công ty từ con số 0.

Ôm đồm quá nhiều việc

Những ngày đầu khởi nghiệp, thay vì đi thuê thì nữ founder tự mình “cân” hết mọi việc.

“Từ việc một bóng đèn trong cửa hàng bị hỏng, mình cảm thấy khá phí và tiếc tiền nếu gọi thợ đến sửa trong khi đó cũng là việc đơn giản, nên đã tự làm. Tất cả từ A đến Z mình đều tự làm cả. Thậm chí đến việc kiểm kê mình cũng tự làm vì cảm thấy không tin tưởng nếu giao cho nhân viên.”

Ngọc Mai cho biết trong năm đầu tiên, gần như ngày nào cô cũng đi làm đến 9-10h tối mới về nhà, dẫn đến mệt mỏi và stress.

Founder startup thời trang thiết kế chỉ ra 5 sai lầm khi mới khởi nghiệp: Ôm đồm nhiều việc, quá tự tin vào sản phẩm của mình - Ảnh 2.

Lời khuyên của nữ founder với những bạn trẻ khởi nghiệp nhưng nguồn vốn mỏng đó là: “Các bạn có thể làm mọi việc nhưng điều này chỉ nên diễn ra trong vòng 3 - 4 tháng đầu, từ đó đánh giá được mình làm tốt nhất việc nào thì tập trung vào nó, còn những việc khác có thể ủy thác và giao việc cho người khác.”

Ngọc Mai hiện cũng chỉ tập trung vào marketing và xây dựng thương hiệu, còn công việc khác chia ra cho các nhân sự làm.

Làm việc không có kế hoạch

Đây là hệ quả của sai lầm thứ nhất, khi luôn “tham công tiếc việc” làm hết mọi thứ. Ngọc Mai cho biết không chỉ làm việc tới tối muộn mà cả thứ bảy, chủ nhật cô cũng không nghỉ ngơi.

“Đến khi nào stress quá, mình mới quyết định dừng và nghỉ khoảng vài ngày. Sau đó lại trở về và tiếp tục với vòng quay công việc như vậy.”

Thậm chí, cô còn bực tức và khó chịu khi cuối tuần chỉ có mình làm việc, nhân sự cấp dưới lại nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau, Mai quyết định sắp xếp lịch làm việc cụ thể cho mình, chỉ gói gọn từ thứ 2 đến thứ 6.

“Tuần nào nhiều việc thì sẽ áp lực một chút. Mình đặt KPI cho tất cả mọi người và cùng nhau hoàn thiện hết, cuối tuần chỉ để nghỉ ngơi. Đến bây giờ, mình cảm thấy rất thoải mái, hứng thú với cuộc sống và công việc.”

Không có kế hoạch dự trù

Câu chuyện xảy ra vào Tết năm 2018, khi một chiếc áo sơ mi trong bộ sưu tập được đặc biệt ưa thích và đạt doanh số lớn, bán gần như hết sạch. Đinh ninh rằng sức mua sau Tết của người tiêu dùng sẽ không lớn nên Ngọc Mai quyết định đợi đến sau kỳ nghỉ mới sản xuất lại. Cô không lên kế hoạch đặt hàng, nhập thêm vải dự trù.

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, năng suất của công nhân không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, dẫn tới tình trạng sản phẩm bán chạy mà lại không có đủ hàng để bán. “Giai đoạn ấy mình stress và “chết cứng” luôn”, Mai nhớ lại.

Founder startup thời trang thiết kế chỉ ra 5 sai lầm khi mới khởi nghiệp: Ôm đồm nhiều việc, quá tự tin vào sản phẩm của mình - Ảnh 3.

Bài học rút ra là luôn phải có những kế hoạch sản xuất dự phòng, tổ chức chương trình khuyến mãi,... để duy trì các hoạt động của cửa hàng. Ngoài ra, nên có “kế hoạch B” để đề phòng kế hoạch ban đầu gặp bất trắc.

Quá tự tin vào sản phẩm của mình

Đây là sai lầm mà khá nhiều người gặp phải, bởi ai cũng cảm thấy tự hào và tâm huyết với đứa con tinh thần của mình. Cô chủ Caffeine Studio cũng vậy và thậm chí còn tự tin sản xuất với số lượng cực lớn.

Tuy nhiên, sản phẩm dù rất được yêu thích nhưng hầu hết khách hàng lại muốn đặt thiết kế riêng kín đáo hơn, trong khi những mẫu có sẵn nằm mãi trên kệ, không bán được.

“Đây là kinh nghiệm khá đau thương khi mình không biết cân bằng giữa nghệ thuật và thực tế. Bất kỳ sản phẩm nào cũng không nên quá tự tin, phải có thời gian đánh giá, kiểm tra và thu thập ý kiến khách hàng.”

Quá lý thuyết

Theo Ngọc Mai kiến thức trong sách vở chỉ có tính chất tham khảo. Những quyết định và kế hoạch nên được đánh giá sao cho phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, của ngành nghề và thị hiếu khách hàng.

T.D

Cùng chuyên mục
XEM