Founder Got!It: Nếu không có lứa kỹ sư giỏi mà chỉ chuyên gia công, giấc mơ xây dựng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam coi như bỏ!

10/05/2019 09:32 AM | Kinh doanh

Để có được doanh nghiệp công nghệ, cần nhất là nguồn nhân lực công nghệ, vấn đề Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng hiện nay.

"Make in Viet Nam" là khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong ngày 9/5. Hơn cả một khẩu hiệu, đó là ước mơ, quyết tâm của các nhà lãnh đạo cấp cao về một Việt Nam sở hữu nhiều doanh nghiệp công nghệ hùng mạnh, tự chủ trong tất cả các khâu từ sáng tạo, thiết kế đến sản xuất, phân phối.

"Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là để Make in Vietnam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và bẫy thu nhập trung bình", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định mạnh mẽ như vậy tại sự kiện.

Vậy nhưng, giấc mơ nào cũng cần có người thực hiện. Với giấc mơ về những doanh nghiệp công nghệ hùng mạnh, đủ sức giải bài toán không chỉ của Việt Nam mà còn đi ra toàn cầu, nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay đang ở đâu?

Theo ông Trần Việt Hùng, Nhà sáng lập kiêm CTO Got!It, Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực trẻ, trong khi chi phí lại thấp hơn so với mặt bằng chung của khu vực. Nhiều người Việt thậm chí còn làm trong lĩnh vực công nghệ ở khắp nơi trên thế giới, giữ vai trò chủ chốt tại các tập đoàn hàng đầu như Google, Microsoft, Facebook,…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhà sáng lập Got!It cho rằng đội ngũ kỹ sư Việt Nam đang quá tập trung vào gia công phần mềm thay vì làm sản phẩm, hầu như chưa có những sản phẩm phù hợp với người dùng nước ngoài.

"Đội ngũ kỹ sư là yếu tố vô cùng quan trọng, yếu tố sống còn với doanh nghiệp công nghệ. Các công ty công nghệ không có kỹ sư giỏi thì dù có tiền tấn cũng không giải quyết vấn đề gì cả".

Ông Hùng thừa nhận ở Việt Nam hiện nay, có một nghịch lý là nhu cầu gia công phần mềm cần quá nhiều kỹ sư, những kỹ sư làng nhàng. Vậy nên các sinh viên không có động lực, không cần cố gắng nhiều mà khi ra trường vẫn có thể tìm việc dễ dàng.

"Chúng ta đang thiếu một lứa kỹ sư giỏi. Các trường đại học nếu không có chính sách, cách thức đặc biệt để xây dựng, đào tạo một lứa kỹ sư giỏi thì bỏ qua ước mơ này đi", ông Hùng cho biết.

Đồng quan điểm với CTO Got!It, ông Lý Quốc Chính, Giám đốc Công nghệ VNPT Technology cũng cho rằng nhân lực kỹ sư công nghệ Việt Nam nhìn chung chỉ ở mức làng nhàng. Những người làm được, "ngoảnh đi ngoảnh lại cũng trong Viettel, Vingroup hay VNPT,..." còn những người không làm được lại rất nhiều.

Founder Got!It: Nếu không có lứa kỹ sư giỏi mà chỉ chuyên gia công, giấc mơ xây dựng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam coi như bỏ! - Ảnh 1.

Ông Lý Quốc Chính, Giám đốc Công nghệ VNPT Technology. Ảnh: Tuấn Mark.


"Với nguồn lực như vậy có thể phát triển nhiều doanh nghiệp công nghệ cao hay không?", ông Chính thẳng thắn đặt câu hỏi. "Với nguồn lực như vậy chúng ta làm chủ được công nghệ hay không đã là vấn đề, chứ chưa nói đến việc tạo ra một công nghệ mới, công nghệ chinh phục được thị trường".

Để giải bài toàn nguồn nhân lực công nghệ, các chuyên gia đã đưa ra một số đề xuất như xây dựng các công ty theo hướng hợp tác với nước ngoài để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, thu hút chuyên gia công nghệ người Việt đang ở nước ngoài về làm việc, xây dựng các vườn ươm trong dài hạn, ít nhất là 9 tháng,…

"Tôi xin nhấn mạnh lại nhân lực là vấn đề nhức nhối để phát triển công nghệ. Chúng tôi mong muốn có những cơ chế hoặc chương trình chú trọng hợp tác giữa doanh nghiệp và các viện, trường đại học để có nguồn nhân lực tốt hơn, làm ra những sản phẩm công nghệ thực chất hơn", đại diện VNPT Technology cho biết.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM