Financial Times: Cơn sốt dùng đòn bẩy đầu tư tại Trung Quốc bùng lên, nguy cơ bong bóng chứng khoán lại nổ tung

09/07/2020 17:16 PM | Xã hội

Theo Financial Times, tỷ lệ sử dụng các khoản vay ký quỹ để đầu tư chứng khoán ở Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua, khiến nhiều người lo ngại rằng tình trạng đầu cơ khi thị trường đi lên có thể châm ngòi cho một quả bong bóng tương tự năm 2015.

Tổng lượng giao dịch ký quỹ tại tại Trung Quốc đã đạt mức 1,27 nghìn tỷ CNY (184 tỷ USD) tính đến ngày 7/7 sau hơn 1 tuần tăng liên tiếp, theo dịch vụ dữ liệu Wind. Chỉ số CSI 300 đã tăng 6% chỉ trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần và tiếp tục thăng hoa ở những phiên tiếp theo, sau khi truyền thông nhà nước chia sẻ nội dung về lợi ích của một "thị trường tăng giá lành mạnh" ở thời điểm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, đà tăng bùng nổ đã khiến nhiều ý kiến so sánh sự kiện này với những gì đã diễn ra hồi năm 2015, khi truyền thông nhà nước kêu gọi nhà đầu tư đổ tiền vào TTCK trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu. Được duy trì một phần bởi đà tăng của các giao dịch ký quỹ, giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi trong suốt 1 năm trước khi rơi hơn 40% giá trị trong vài tháng.

 Financial Times: Cơn sốt dùng đòn bẩy đầu tư tại Trung Quốc bùng lên, nguy cơ bong bóng chứng khoán lại nổ tung  - Ảnh 1.

Chỉ số CSI 300 tăng nóng tương tự như những gì đã diễn ra vào năm 2015.

Hao Hong – trưởng nhóm nghiên cứu và chiến lược gia trưởng tại Bocom International, nhận định: "Nhà đầu tư đang trở nên tham lam hơn, bởi thanh khoản đang rất dồi dào và sự thúc đẩy từ phía chính quyền. Bạn có thể cảm nhận được ‘bầu không khí’ đầu cơ đang ở đây."

Giao dịch ký quỹ có thể rất rủi ro bởi nếu giá trị tài sản thế chấp giảm, người vay có thể phải nộp thêm tiền mặt hoặc thế chấp bằng chứng khoán. Tài sản cầm cố cũng có thể được bán mà không cần sự đồng ý của khách hàng, có thể là với mức giá chiết khấu cao.

Hiện tại, giao dịch tỷ lệ giao dịch ký quỹ vẫn thấp hơn mức đỉnh hồi năm 2015, khi con số này tăng lên hơn 2,2 nghìn tỷ CNY vào tháng 6 sau khi tăng gấp đôi so với mức vào tháng 2, theo Wind. Tuy nhiên, các phân tích cho biết động lực đã ở mức tương tự như giai đoạn đầu của thời điểm bong bóng bị thổi phồng 5 năm trước.

Theo Morgan Stanley, hôm thứ Hai, doanh thu của các cổ phiếu hạng A giao dịch trên 2 sàn chính đã ở mức 1,57 nghìn tỷ CNY. Con số này đánh dấu mức cao nhất kể từ đợt điều chỉnh năm 2015, cho thấy "mức độ tham gia lớn không chỉ ở các nhà đầu tư tổ chức mà còn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ."

Hong ước tính từ đầu tháng đến nay, khoảng 12% khối lượng giao dịch hàng ngày được thực hiện thông qua việc tiếp cận vay ký quỹ, trong khi cuối tháng 6 là 8%. Theo đó, tỷ lệ này tăng lên đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại.

Trong khi đó, số liệu từ China Securities Finance Corporation cho thấy hơn 85.000 tài khoản giao dịch ký quỹ mới đã được mở vào tháng 6, tăng trung bình hơn 1/3 so với năm trước. Một người dùng trên Weibo đã chia sẻ rằng các công ty chứng khoán "không hoạt động tích cực trong thời gian dài" đã quảng cáo dịch vụ cung cấp giao dịch ký quỹ.

 Financial Times: Cơn sốt dùng đòn bẩy đầu tư tại Trung Quốc bùng lên, nguy cơ bong bóng chứng khoán lại nổ tung  - Ảnh 2.

Giá trị giao dịch sử dụng đòn bẩy tại TTCK Trung Quốc (đơn vị: tỷ CNY).

Sự thúc đẩy cho thị trường vốn đã diễn ra cùng với những biện pháp cắt giảm chi phí tín dụng của NHTW trong bối cảnh nền kinh tế đang vật lộn với tác động của đại dịch. Nicholas Yeo – đứng đầu bộ phận chứng khoán Trung Quốc tại Aberdeen Standard Investments, nhận định: "Chính phủ đã dần nới lỏng chính sách tiền tệ, do đó một trong số những biện pháp này sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm đến TTCK."

Dù truyền thông nhà nước đưa ra những lời cổ vũ thị trường, nhưng chính quyền Trung Quốc phần nào vẫn cảnh giác với sự kiện như năm 2015, thận trọng khi cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy.

Ken Cheung, chiến lược gia ngoại hối tại Mizuho, dự đoán rằng đòn bẩy vẫn là động lực chính đối với TTCK Trung Quốc trong trung hạn, nhưng cho rằng chính phủ sẽ giữ mức lãi suất ở mức dễ kiểm soát hơn. Ông lưu ý rằng các phương tiện truyền thông đã hạn chế việc "thêm dầu vào lửa" sau đà tăng nóng ở phiên thứ Hai.

Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng giao dịch ký quỹ xuất hiện ở mức vừa phải ở thời điểm này, tương đương với khoảng 4% tổng vốn hóa của TTCK Trung Quốc, trong khi mức cao điểm của năm 2015 là 10%. Dù số lượng nhà đầu tư mới đăng ký tài khoản đã tăng mạnh so với tháng trước, nhưng vẫn thấp nhiều hơn so với con số 700.000 của tháng 12/2014.

Điều này có thể cho thấy rằng đà tăng của TTCK Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Chiến lược gia toàn cầu tại Rabobank – Michael Every, cho biết thị trường Trung Quốc chỉ là một ví dụ về xu hướng đầu cơ diễn ra ở quy mô lớn cũng xuất hiện ở Mỹ - nơi chính phủ tìm cách thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế chịu áp lực nặng nề.

Tham khảo Financial Times

Lục Lam

Cùng chuyên mục
XEM