Fed phát tín hiệu về kỷ nguyên lãi suất siêu thấp, giá vàng bật tăng mạnh
Fed sẽ cho phép lạm phát tăng lên trên ngưỡng 2% để bù lại cho khoảng thời gian mà lạm phát ở dưới mức đó, điều này phát đi tín hiệu về kỷ nguyên lãi suất siêu thấp sắp tới.
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá vàng giao hợp đồng tương lai tăng, tính cả tuần, giá vàng tăng. Yếu tố hỗ trợ cho giá vàng chính là việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo thay đổi định hướng chính sách vào ngày thứ Năm. Theo đó, việc làm và lạm phát sẽ được chấp nhận để tăng nóng hơn trước, như vậy cũng đồng nghĩa với việc lãi suất chuẩn sẽ được duy trì thấp trong thời gian dài hơn so với trước đây.
Fed sẽ vẫn giữ chính sách lạm phát mục tiêu, tuy nhiên sẽ không tăng lãi suất quá nhanh để ngăn lạm phát. Thay vào đó, Fed sẽ cho phép lạm phát tăng lên trên ngưỡng 2% để bù lại cho khoảng thời gian mà lạm phát ở dưới mức đó, điều này phát đi tín hiệu về kỷ nguyên lãi suất siêu thấp sắp tới.
Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá vàng đã biến động cực mạnh và ở lúc chốt phiên giá vàng giảm giá sâu. Theo nhiều chuyên gia, điều đó có nguyên nhân từ việc kỳ vọng chính sách của Fed đã được phản ánh hết vào giá vàng từ trước đó và đến phiên hôm qua nhà đầu tư chốt lời.
Chuyên gia phân tích thị trường tại FXTM, ông Han Tan, nhận xét: "Giá vàng đã biến động mạnh vào phiên trước đó bởi nhà đầu tư cố gắng hiểu quan điểm của Fed về lạm phát sẽ có ý nghĩa thế nào với giá vàng, giá vàng vượt qua ngưỡng 1.970USD/ounce sau đó rớt xuống dưới ngưỡng 1.910USD/ounce sau đó".
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 12/2020 tăng 42,30USD/ounce tương đương 2,2% lên 1.974,90USD/ounce.
Tính cả tuần, giá vàng tăng 1,4%, theo tính toán của Dow Jones Market Data.
Giám đốc điều hành tại RBC Management, ông George Gero, nhận định vàng vẫn được coi như công cụ đầu tư an toàn bởi bất kỳ nơi nào nhà đầu tư nhìn vào, luôn có quá nhiều những nỗi lo lắng. Cụ thể, có thể kể đến nỗi lo về kinh tế toàn cầu và đại dịch, ngoài ra là việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từ trần cũng như các cuộc bầu cử sắp tới.
Trong ngày thứ Sáu, giá vàng được hỗ trợ bởi đồng USD yếu, đồng yên mạnh lên sau thông tin Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từ chức do lý do sức khỏe.
Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa giảm 1,4%, đồn yên giảm 1,12%. Chỉ số đồng USD, chỉ số đo biến động của đồng USD so với một số loại tiền tệ lớn khác, giảm 0,6%. Đồng USD yếu có thể giúp cho vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong ngày thứ Năm đã chính thức thông báo về thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt.
Fed đã bỏ đi chính sách sớm nâng lãi suất nhằm ngăn lạm phát tăng cao, động thái này chắc chắn sẽ khiến cho lãi suất đồng USD tại Mỹ duy trì ở mức thấp trong khoảng thời gian dài, theo tin từ Wall Street Journal.
Trước mắt, nó sẽ không dẫn đến thay đổi đột biến chính sách bởi thực tế Fed đã thực thi những thay đổi này từ trước thông báo vào ngày thứ Năm.
Việc thông báo thay đổi định hướng chính sách này đánh dấu cho một mốc quan trọng. Nếu cách đây 5 năm, Fed áp dụng chính sách này, chắc chắn Fed đã không áp dụng chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu từ cuối năm 2015 sau 7 năm duy trì lãi suất gần 0%.
Đây cũng là lần thay đổi định hướng lãi suất tham vọng nhất của Fed tính từ khi Fed chính thức áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu vào năm 2012.
Trong ngày thứ Năm, với việc phát đi tín hiệu Fed muốn lạm phát tăng nhẹ lên trên ngưỡng 2%, Fed đã cho thấy nguyên tắc ngăn lạm phát vốn được đưa ra làm mục tiêu chính sách trong suốt ¼ thế kỷ qua có thể đã không phát huy nhiều tác đụng trong bối cảnh thế giới đồng loạt áp dụng lãi suất thấp.
Việc thay đổi mạnh mẽ định hướng lãi suất là để giải quyết những khó khăn của môi trường vĩ mô lãi suất thấp, lạm phát thấp, năng suất lao động thấp, tăng trưởng chậm và các khó khăn đi kèm, theo tuyên bố của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell. Ông Powell nhấn mạnh: "Chúng tôi thực sự đã phải cố gắng bằng mọi cách giúp ổn định nền kinh tế".
Ông Powell chính là người đã khởi xướng ra việc xem xét điều chỉnh lại chính sách vào cuối năm 2018, nguyên nhân chính là bởi các Ngân hàng Trung ương trên thế giới sẽ đương đầu với nhiều khó khăn hơn trong việc kích thích tăng trưởng do chính sách lãi suất thấp.
Tình trạng kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19 đã tạo ra quá nhiều thách thức. Fed hạ lãi suất cơ bản đồng USD vào tháng 3/2020 xuống ngưỡng gần 0% từ ngưỡng 1,5% đến 1,75% trước đó. Đồng thời, Fed cũng mua hàng nghìn tỷ USD tài sản chính phủ nhằm ổn định thị trường.