Fed hạ lãi suất sẽ tác động thế nào đến tỷ giá và thị trường chứng khoán Việt Nam?

21/09/2019 09:39 AM | Kinh tế vĩ mô

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, việc hạ lãi suất lần này là động thái tương tự như phản ứng của Fed đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhằm hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng Mỹ.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nghiên cứu về động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Báo cáo cho biết, ngày 18/9/2019 (giờ Mỹ), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm 0,25 điểm % lãi suất cơ bản, từ mức 2%-2,25% xuống mức 1,75%-2%. Như vậy, trong gần 2 tháng qua, Fed đã 2 lần cắt giảm lãi suất và cũng là lần thứ 2 Fed hạ lãi suất kể từ năm 2015 đến nay. Ngoài ra, Fed để ngỏ khả năng hạ lãi suất thêm 1 lần nữa từ nay đến cuối năm 2019.

 Fed hạ lãi suất sẽ tác động thế nào đến tỷ giá và thị trường chứng khoán Việt Nam?  - Ảnh 1.

Hình 1: Diễn biến lãi suất cơ bản của Mỹ từ năm 1985 đến nay (%) - Nguồn: The New York Times, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.

Vì sao Fed quyết định hạ lãi suất?

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, có 4 nguyên nhân chính khiến Fed hạ lãi suất lần này:

Thứ nhất, do triển vọng kinh tế Mỹ xấu đi trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Sau khi tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2018, từ nửa cuối 2018 đến nay, kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu xấu đi; đặc biệt sau khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung diễn biến leo thang.

Trên thực tế, với tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm 2019 không có nhiều điểm tích cực như chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tháng 8/2019 đã giảm xuống còn 49,9% (từ mức 50,3% trong tháng 7/2019), doanh số bán lẻ 8 tháng tăng 4,7% (thấp hơn mức tăng 5,6% cùng kỳ năm 2018), căng thẳng thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp, khó lường, đường cong lợi suất trái phiếu đảo chiều xuất hiện (khi lợi suất trái phiếu dài hạn thấp hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn, Hình 2) – thể hiện nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái (dù hiện nay có khác biệt là chủ yếu do nhà đầu tư tăng mua tài sản ít rủi ro như trái phiếu Chính phủ Mỹ trong bối cảnh bất định tăng). Dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,6% năm 2019 và chỉ ở mức 1,9% năm 2020 (thấp hơn mức tăng trưởng 2,9% năm 2018).

 Fed hạ lãi suất sẽ tác động thế nào đến tỷ giá và thị trường chứng khoán Việt Nam?  - Ảnh 2.

Hình 2: Diễn biến lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm từ 1985-nay - Nguồn: Bloomberg, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp.

Thứ hai, nhằm làm giảm áp lực đối với thị trường ngân hàng, ổn định lãi suất ngắn hạn sau một tuần biến động mạnh khi lượng tiền mặt đến ngày 17-18/9/2019, đã không đáp ứng các giao dịch vay ngắn hạn của các ngân hàng thương mại Mỹ. Việc hạ lãi suất lần này là động thái tương tự như phản ứng của Fed đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nhằm hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng Mỹ.

Thứ ba, áp lực lạm phát giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% năm 2019. Tháng 8/2019, lạm phát ở mức 1,7% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức 1,8% tháng 7/2019), cho thất lạm phát của Mỹ đang giảm và lo ngại về khả năng lạm phát ngày càng cách xa mức mục tiêu 2% năm 2019.

Thứ tư, sức ép của Chính phủ Mỹ đối với việc hạ lãi suất nhằm giảm tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung . Tổng thống D.Trump đã nhiều lần chỉ trích và kêu gọi Fed giảm lãi suất, thậm chí đưa lãi suất về mức 0% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong bối cảnh từ đầu năm 2019 đến nay, có tới 45 nước khác đã hạ lãi suất và cũng là để thúc đẩy tăng trưởng nhằm tạo lợi thế cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Ngoài ra, việc hạ lãi suất của Fed lần này ngay sau khi các mỏ dầu tại Saudi Arabia bị tấn công được đánh giá tương tự như những lần hạ lãi suất trước đây của Fed ngay sau khi xảy ra các biến cố bất ngờ như vụ tấn công khủng bố 11/9.

Tác động thế nào đối với thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam?

Ngay sau khi Fed tuyên bố hạ 0,25% lãi suất ngày 18/9/2019 (giờ Mỹ), thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới hầu hết không có biến động mạnh, do việc hạ lãi suất lần này đã nằm trong dự báo trước đó, không có nhiều tác động tới tâm lý các nhà đầu tư.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/9/2019 (giờ Mỹ), chỉ số Dow Jones giảm nhẹ 0,19%, S&P 500 tăng 0,21%, Nasdaq tăng 0,07%. Thị trường châu Âu tăng mạnh hơn, chỉ số FTSE 100 tăng 0,58%, CAC40 tăng 0,68% và DAX tăng 0,55%...v.v.

TTCK châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng được đánh giá là cũng không chịu nhiều tác động, mà chủ yếu phụ thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi thị trường. Kết thúc ngày giao dịch 20/9/2019, chỉ số Nikkei225 tăng 0,54%, KOSPI tăng 1%, Hang Seng giảm 1,19%, Shanghai Composite tăng 0,7% và VNIndex giảm 0,16%...v.v.

 Fed hạ lãi suất sẽ tác động thế nào đến tỷ giá và thị trường chứng khoán Việt Nam?  - Ảnh 3.

Hình 3: Biến động TTCK Mỹ, châu Âu hết ngày 19/9/2019 và TTCK châu Á đến hết ngày 20/9/2019 (điểm, %)

Tác động đối với tỷ giá thì sao?

Ngay sau khi Fed hạ lãi suất, thị trường ngoại hối quốc tế cũng không có biến động mạnh, tương tự như diễn biến của TTCK. Cụ thể, chỉ số đồng USD (DXY) tăng 0,31%, CNY tăng 0,09%, đồng EUR giảm 0,4%, JPY giảm 0,3%, THB và VND không có biến động.

Đối với tỷ giá USD/VND, tác động tức thời của việc Fed hạ lãi suất lần này là không lớn, thị trường ngoại hối Việt Nam về cơ bản ổn định (do quan hệ cung-cầu cơ bản ổn, thanh khoản thị trường tương đối dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng...). Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi sát sao bởi những biến động trên thị trường ngoại hối quốc tế sẽ có tác động nhất định tới tỷ giá USD/VND. Về trung và dài hạn, tỷ giá USD/VND sẽ tùy thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... và sự quản lý sát sao, cũng như động thái phù hợp của NHNN.

Tính lũy kế từ đầu năm 2019 đến nay, chỉ số DXY tăng 1,44%. Các đồng tiền mạnh như GBP, EUR, AUD, CNY, … có mức giảm trong khoảng 1,6%-3,8% so với đồng USD, các đồng RUB, JPY, PHP và THB đều tăng giá so với đồng USD. Riêng tỷ giá VND so với USD có sự biến động không đáng kể (Hình 4).

 Fed hạ lãi suất sẽ tác động thế nào đến tỷ giá và thị trường chứng khoán Việt Nam?  - Ảnh 4.

Hình 4: Biến động tỷ giá so với USD (trừ DXY) từ 1/1-20/9/2019

Như vậy, qua đánh giá nêu trên, có thể thấy tác động của việc Fed hạ lãi suất lần này đối với thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam, trong ngắn hạn, là không lớn. Việc hạ lãi suất của Fed lần này đã được dự báo từ trước, dựa trên đánh giá triển vọng nền kinh tế Mỹ, chính sách tiền tệ và điều chỉnh lãi suất của các NHTW các nước, diễn biến trên thị trường quốc tế, cũng như căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, việc các thành viên của Fed không đạt được sự thống nhất cao trong quyết định hạ lãi suất lần này cho thấy sẽ rất khó dự báo các quyết định của Fed trong thời gian tới (các chuyên gia của Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV dự báo khả năng Fed cắt giảm 1 lần nữa trong năm 2019 là khá cao). Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục bám sát, theo dõi sát sao động thái của Fed và NHTW các nước; những biến động trên thị trường tài chính quốc tế, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung; chú trọng tăng khả năng chống chịu, tiếp tục tăng các gối đệm trước những cú sốc từ bên ngoài... để có phản ứng linh hoạt, kịp thời, cũng như có chính sách tiền tệ và thương mại phù hợp, giúp nền kinh tế và thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam phát triển ổn định.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV


Theo Tùng Lâm (ghi theo báo cáo của Nhóm tác giả)

Cùng chuyên mục
XEM