FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS tăng 400%

21/11/2020 12:22 PM | Bất động sản

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, hiện nay vốn FDI vào BĐS vẫn luôn là 1 trong 3 lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất tại Việt Nam (hai lĩnh vực còn lại là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện). Trong quý 3/2020, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS tăng 400% so với quý 2/2020.

Theo vị chuyên gia này, dòng vốn FDI vào Việt Nam nói chung và FDI BĐS vẫn được thống kê hàng tháng trên trang web chính thức của Cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT hoặc của Tổng cục Thống kê.

Hiện nay vốn FDI vào BĐS vẫn luôn là 1 trong 3 lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất tại Việt Nam (hai lĩnh vực còn lại là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện). Trong quý 3/2020, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS tăng 400% so với quý 2/2020 và tính đến hết 9 tháng đầu năm 2020, vốn FDI vào bất động sản đạt 3,2 tỷ USD chiếm gần 15% tổng lượng vốn FDI đăng ký mới.

Về vấn đề lo ngại đối với dòng vốn FDI, theo Tổng cục Thống kê, hết 10 tháng, tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 23,5 tỷ USD, giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2019; vốn FDI giải ngân đạt 15,8 tỷ USD (giảm 2,5%). Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, mức giảm này ít hơn nhiều so với dự báo vốn FDI toàn cầu năm nay giảm 25 - 30%. Cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá; dòng vốn FDI (kể cả đầu tư vào BĐS) cũng sẽ hồi phục khá trong những năm tới.

Dự báo về kinh tế, chuyên gia này cho hay, trước hết, thấy kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi tích cực, bắt đầu từ quý 3/2020. Khả năng phục hồi tiếp theo phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: Một là khả năng kiểm soát dịch bệnh của toàn cầu và Việt Nam, hai là tính hiệu lực, hiệu quả của các gói hỗ trợ, và ba là hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch, sản xuất và phân phối vaccine, và phục hồi kinh tế.

Các tổ chức quốc tế cũng như nghiên cứu dự báo năm nay kinh tế toàn cầu suy thoái (tăng trưởng âm 4 - 5%), nhưng năm 2021 được dự báo phục hồi, có thể đạt mức tăng trưởng 4 - 5% (tất nhiên phụ thuộc nhiều vào 3 yếu tố tôi vừa nêu).

Còn Việt Nam, năm nay dự báo tăng trưởng khoảng 2,5 - 3% và năm 2021 cũng sẽ phục hồi khá, có thể tăng trưởng 6,5 - 7%. Với kịch bản này, thị trường BĐS cũng sẽ phục hồi mạnh.

Còn ngược lại (kịch bản xấu), theo ông Lực dự báo GDP Việt Nam năm 2021 có thể chỉ tăng trưởng khoảng 4 - 5%. Khi đó, thị trường BĐS có phục hồi, nhưng chậm chạp và còn trầm lắng. Tuy vậy,  kịch bản tích cực nêu trên sẽ nhiều khả năng xảy ra.

Tại sao ngân hàng cần tăng trưởng tín dụng, mà thị trường BĐS vẫn thiếu vốn, TS. Cấn Văn Lực cho hay, thực ra, đến nay có nhiều dòng vốn khác nhau đổ vào BĐS, bao gồm: Vốn vay ngân hàng, vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI, vốn phát hành trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết. Riêng kênh tín dụng ngân hàng cho vay BĐS vẫn tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây, khoảng 7 - 8%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung khoảng 13 - 14%. 9 tháng đầu năm 2020, tín dụng BĐS vẫn tăng khoảng 2% so với mức tăng trưởng tín dụng chung khoảng 6,1%, có nghĩa là không hoàn toàn đóng băng mà đang có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư theo hướng lành mạnh hơn.

Theo ông Lực, hiện nay, tổng dư nợ cho vay BĐS của toàn bộ nền kinh tế khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 14% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó, 63% là cho vay BĐS nhà ở, còn lại là cho vay kinh doanh BĐS. Rõ ràng quy mô này không hề nhỏ, tuy nhiên, còn nhiều dư địa phát triển, bao gồm cả phát hành trái phiếu BĐS và thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này trong thời gian tới.

Phương Nga

Từ khóa:  fdi
Cùng chuyên mục
XEM