Facebook, Youtube, Google… sẽ bị xử lý như thế nào nếu vi phạm Thông tư 38?

19/01/2017 09:50 AM | Xã hội

Nếu vi phạm Thông tư 38, tùy theo mức độ, các DN nước ngoài xuyên biên giới sẽ phải ra tòa và chịu trách nhiệm dân sự cũng như các khoản bồi thường thiệt hại mà họ gây ra.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã ban hành Thông tư số 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, qua đó siết chặt quản lý đối với một số trang mạng như Facebook, Google... nhằm đối phó với tình trạng thông tin giả mạo.

Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia Đình – đoàn luật sư TP HCM sẽ giải đáp một số thắc mắc về Thông tư mới ban hành này:

- Chào ông, Thông tư 38 vừa được ban hành. Vậy khi phát hiện, khiếu nại về thông tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam thì các cá nhân, tổ chức sẽ phải khiếu nại ở đâu?

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 và điều 7, Thông tư số 38 /2016/TT-BTTTT ngày 26/12/2016 thì thì DN (doanh nghiệp) viễn thông, DN cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam, cá nhân khi phát hiện các nội dung thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP thì có các quyền nghĩa vụ như sau:

Luật sư Trần Minh Hùng.

1. Với DN viễn thông, cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam:

1. Có trách nhiệm báo cáo ngay cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) bằng văn bản, điện thoại hoặc thư điện tử có địa chỉ report38@mic.gov.vn trong thời gian 03 (ba) giờ kể từ khi phát hiện nội dung thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

2. Có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để thực thi các quy định tại Điều 5 Thông tư này. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 03 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu (a); Thực hiện việc báo cáo lượng truy cập của người sử dụng tại Việt Nam tới các trang thông tin điện tử cung cấp thông tin công cộng qua biên giới theo yêu cầu của Bộ (b).

3. DN cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện thông báo với Bộ TT&TT về việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam để cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam theo định kỳ 06 tháng một lần vào ngày 15/6 và ngày 15/12 hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu:

a) Nội dung thông báo gồm: Tên DN cho thuê chỗ, địa chỉ và điểm đặt thiết bị, pháp nhân của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê chỗ, thời hạn thuê, số lượng thiết bị, dung lượng kết nối internet;

b) Thông báo được gửi bằng một trong các hình thức: nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu chính hoặc gửi thư điện tử tại địa chỉ report38@mic.gov.vn;

c) Chậm nhất 10 (mười) ngày làm việc, DN cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam phải thực hiện thông báo bổ sung trong trường hợp có thay đổi thông tin đã thông báo theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều này.

2. Đối với cá nhân:

Người sử dụng tại Việt Nam khi phát hiện thông tin do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Thông báo thông tin vi phạm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Thông báo vi phạm cho Bộ TT&TT bằng một trong các hình thức sau đây: nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu chính hoặc qua thư điện tử tại địa chỉ report38@mic.gov.vn.

3. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền tại Việt Nam nếu thông tin vi phạm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Kết luận:

Theo quy định trên thì các cá nhân, tổ chức mà có khiếu nại về thông tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam thì có quyền và nghĩa vụ thông báo với Bộ TT hoặc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật Việt Nam.

Facebook, Youtube, Google… sẽ bị xử lý như thế nào nếu vi phạm Thông tư 38? - Ảnh 3.

Nhiều hình ảnh phản cảm được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

- Nếu các DN xuyên biên giới vi phạm bị phát hiện, khiếu nại sẽ bị xử lý như thế nào?

- Căn cứ theo quy định tại Điều 5, Thông tư 38, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Bộ TT&TT gửi đề nghị phối hợp bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử thông báo cho tổ chức, cá nhân nước ngoài về các thông tin vi phạm.

1. Sau khi nhận được đề nghị phối hợp từ Bộ TT&TT, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TT&TT sẽ gửi thông báo lần 2.

Trường hợp 24 giờ sau khi Bộ TT&TT gửi thông báo lần 2, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn tiếp tục không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TT&TT sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

2. Khi phát hiện thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, đe dọa đến lợi ích quốc gia Việt Nam thì cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực thi ngay lập tức các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn thông tin vi phạm không được cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam, đồng thời gửi yêu cầu xử lý thông tin vi phạm theo quy trình được nêu tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này.

Biện pháp chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, khi tòa án tuyên xử doanh nghiệp đó thua kiện thì còn phải chịu trách nhiệm dân sự cũng như các khoản bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại có yêu cầu mà Tòa án buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM