Facebook vừa có một cuộc họp vô nghĩa với những người đứng đầu chiến dịch tẩy chay quảng cáo

08/07/2020 14:23 PM | Công nghệ

Chủ tịch của Color of Change, Rashad Robinson nói: "Chúng tôi rời cuộc họp này với sự thất vọng".

Sau nhiều tháng áp lực leo tháng, những người đứng đầu của chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook #StopHateForProfit đã gặp CEO Mark Zuckerberg cùng một số giám đốc cấp cao của mạng xã hội tỷ dân ngày 7/7. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, đại diện của các tổ chức dân quyền Color of Change, Free Press, NAACP và Liên đoàn Chống phỉ báng cho rằng đây là một cuộc họp vô nghĩa và gây bực bội.

Chủ tịch của Color of Change, Rashad Robinson nói: "Chúng tôi rời cuộc họp này với sự thất vọng. Chúng tôi đã mong đợi một câu trả lời rõ ràng cho những yêu cầu của mình nhưng chẳng nhận được gì".

Cuộc họp diễn ra qua ứng dụng Zoom, kéo dài một giờ và có sự góp mặt của nhóm lãnh đạo phong trào cũng như COO của Facebook, Sheryl Sandberg.

Mặc dù vậy, trong khi Facebook mong muốn tiếp tục đối thoại, các nhà lãnh đạo lại nói rằng công ty đã không đưa ra bất kỳ cam kết chắc chắn nào về 10 yêu cầu của họ liên quan đến chính sách về nội dung thù địch, kích động bạo lực hay phân biệt chủng tộc trên nền tảng.

Chủ tịch Liên đoàn Chống phỉ báng, ông Jonathan Greenblatt miêu tả cuộc họp: "Nó diễn ra rất lâu nhưng gần như vô nghĩa vì không có cam kết nào được đưa ra. Facebook nói rằng họ chủ động xóa tới 89% nội dung thù địch mà người dùng đăng tải. Mặc dù vậy, câu trả lời mà chúng tôi được nghe là họ đang giải quyết vấn đề, đang làm tốt hơn và sắp thành công".

Về phần mình, Facbeook nhấn mạnh nỗ lực của họ trong việc kiểm duyệt nội dung độc hại trên nền tảng. Một phát ngôn viên của công ty cho biết: "Cuộc họp này là cơ hội để chúng tôi lắng nghe các nhà tổ chức chiến dịch đồng thời tái khẳng định cam kết của công ty trong việc chống lại nội dung độc hại. Họ muốn Facebook không còn ngôn từ kích động thù địch và chúng tôi cũng vậy.  Công ty cũng đang xây dựng chính sách chống lại thông tin sai lệch của cử tri và điều tra dân số cho cuộc bầu cử sắp tới".

Tập trung vào công tác kiểm duyệt nội dung trên Facebook, chiến dịch #StopHateForProfit đã cho thấy thành công đáng kể trong việc thuyết phục các nhà quảng cáo "ngừng chơi" với nền tảng này. Coca-Cola, Unilever, Diageo cùng nhiều nhà quảng cáo lớn khác đã cam kết không mua quảng cáo trên Facebook cho đến khi những vấn đề trên được giải quyết.

Đến nay, phong trào tẩy chay Facebook xuất phát từ Mỹ đã lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện có khoảng 800 doanh nghiệp lớn nhỏ tham gia. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng tác động đến một số nền tảng khác. YouTube, Reddit và Twitch cũng đã có động thái kiểm duyệt nội dung gắt gao hơn sau khi phong trào tẩy chay Facebook nổ ra.

COO của Facebook, Sandberg viết trong một bài đăng trên blog sau cuộc họp: "Chúng tôi đã cố gắng trong nhiều năm để giảm thiểu tối đa ngôn từ thù địch trên nền tảng của mình. Và chúng tôi vẫn đang làm việc chăm chỉ mỗi ngày để thực thi các chính sách với độ chính xác và tốc độ cao hơn bao giờ hết. Tuy khó có thể trở nên hoàn hảo, chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề trên một cách sâu sắc".

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM