Eximbank 'Đại phẫu' - Đau một lần rồi khỏe(?!)

21/04/2016 08:16 AM | Kinh doanh

Điều gì khiến một ngân hàng vốn hoành tráng trong nhóm top nhì hệ thống rơi vào cảnh khó? Vì sao, phải “đại phẫu” Eximbank?

Trong lịch sử làng ngân hàng, Eximank là một nhà băng tốt, có giá trị nền tảng, có cơ cấu cổ đông mạnh. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, Eximbank thể hiện sự sa sút về phong độ, thậm chí bất ngờ báo lỗ kết quả kinh doanh năm 2015. Điều gì khiến một ngân hàng vốn hoành tráng trong nhóm top nhì hệ thống rơi vào cảnh khó? Vì sao, phải “đại phẫu” Eximbank?

Cú ngã đến từ Eximland

Ngày 5/4/2016, Sở GDCK Tp.HCM (Hose) công bố đưa cổ phiếu Ngân hàng thương mại xuất nhập khẩu - Eximbank (mã CK: EIB) vào diện cảnh báo bắt đầu từ 8/4. Lý do bởi theo báo cáo kiểm toán của Eximbank, lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2014 bị điều chỉnh hồi tố từ 114,01 tỷ đồng xuống còn âm 834,56 tỷ đồng. Sự kiện bất ngờ với bên ngoài nhưng với những người trong cuộc hay “thạo tin”, đây chỉ là đến lúc “phần chìm” của tảng băng Eximbank cần phải nổi.

Lần giở lại hoạt động của Eximbank, thấy lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2015 là âm 817,47 tỷ đồng. Về bản chất, việc điều chỉnh hồi tố này căn cứ theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến việc Eximbank đã ghi nhận các khoản lợi nhuận “ảo” trước đây khi thực hiện giao dịch với Eximland.

Cụ thể hơn, kết luận thanh tra do NHNN ban hành ngày 19 /10/ 2015 nêu rõ: EIB đã bán một số tài sản cố định là bất động sản cho CTCP Bất động sản EXim (“Eximland”) trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2013 và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận có tổng giá trị 1.116,66 tỷ đồng. Trong đó chi tiết là EIB ghi lãi từ giao dịch 179,844 tỷ đồng (năm 2010); 363,364 tỷ đồng (năm 2011); 477,455 tỷ đồng (năm 2012) và 96 tỷ đồng (năm 2013). Sau đó, Tập đoàn đã mua lại các tài sản này từ Eximland trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015.

Ngoài ra, theo kết luận thanh tra được nêu ra tại ĐHCĐ bất thường tháng 12/2015, Eximbank đã sử dụng thu nhập này để nộp thuế, trích lập quỹ và chia cổ tức cho cổ đông từ năm 2010 đến năm 2013. Đến nay, Eximbank đã khắc phục được 284,83 tỷ đồng, còn 831,83 tỷ đồng phải tiếp tục chỉnh sửa.

Doanh thu và lợi nhuận của Eximbank. Nguồn: Báo cáo tài chính các ngân hàng.

Phong độ sa sút

Tháng 12/2015, báo giới và dư luận từng sốt sình sịch chạy theo thông tin Đại hội cổ đông bất thường của Eximbank. Hôm đó, buổi đại hội được thông tin lại là cực kỳ căng thẳng và kéo dài nhất trong lịch sử ngân hàng khi đi xuyên tối hết một ngày làm việc. Và các vấn đề đi đến kết quả trong sự bức xúc của cổ đông và mệt mỏi của Ban lãnh đạo .

Hôm đó, ngay khi bắt đầu cuộc chất vấn, các cổ đông đều cho rằng hoạt động kinh doanh của Eximbank rất tệ, “Một ngân hàng top 5 lại chia cổ tức là 0% là điều không thể chấp nhận được. HĐQT và Ban kiểm soát nhận lương và thưởng có xấu hổ hay không, vì sao không dùng tiền đó để chia cổ tức cho cổ đông?”, một cổ đông khi đó đã phát biểu.

Trước đó, ngày 10/12/2015, ông Phạm Hữu Phú đã từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Eximbank. Còn tại ĐHCĐ thường niên tháng 7/2015, chủ tịch HĐQT Eximbank là ông Lê Hùng Dũng cũng xin nhận một phần trách nhiệm về kết quả hoạt động của ngân hàng và tuyên bố xin thôi nhiệm và không tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ mới.

Sự sa sút về mặt phong độ mấy năm nay của Eximbank thực ra đã tiềm ẩn từ lâu. Nhìn lại thời hoàng kim năm 2011, ngân hàng đạt lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu “soi” và “bóc tách” kỹ càng thì chính tại thời điểm đó, bản thân Eximbank đã tiềm ẩn rủi ro khi một phần khá lớn tài sản đến từ hoạt động liên ngân hàng.

Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2011, tiền gửi tại TCTD khác của Eximbank lên đến 64.529 tỷ đồng, gần bằng với số tiền cho vay khách hàng. Điều này cho thấy hoạt động tín dụng thực chất của Eximbank không lớn và đồng nghĩa với hoạt động kinh doanh kém bền vững.

Chấp nhận “đại phẫu”

Về “cuộc chiến” nhân sự để lọt vào danh sách thành viên Hội đồng quản trị tại Eximbank tại ĐHCĐ bất thường tháng 12/2015 căng thế nào, đến giờ chỉ những người trong cuộc muốn “nắm giữ” ngân hàng mới thấu hiểu. Không ai khác họ “thấm” đây là một cuộc “đấu” thực sự để đưa hay không đưa người đại diện cho nhóm mình vào thành viên HĐQT đến phút chót mà ý chí hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của những cổ đông vốn dĩ rất thấu hiểu Eximbank.

Ít ai biết sâu hơn rằng: nhiều thành viên HĐQT mới khi “tiếp quản” ngân hàng đã phải trải qua một cuộc tự vấn mình để rồi phải chấp nhận sự thật là đang hứng trái “đắng” từ lợi nhuận ảo vốn trước đây từng hiển hiện trên sổ sách.

“Đã có những lúc chúng tôi phải đấu tranh với chính mình xem có nên bóc tách thực sự hay không, cuối cùng sau bao nhiêu lần họp chúng tôi quyết định, thà đau một lần còn hơn cứ để khoản lãi ảo này treo lơ lửng như một quả bom nổ chậm, hơn nữa đây là cơ hội chúng tôi muốn xây dựng Eximbank 5 nguyên tắc sống còn đó là minh bạch, tuân thủ pháp luật, chuyên nghiệp, hiệu quả, hướng tới các thông lệ chuẩn mực tốt nhất trong các hoạt động của mình”, một thành viên trong Ban lãnh đạo Eximbank nhớ lại.

Hiện, HĐQT nhiệm kỳ mới của Eximbank bao gồm 9 thành viên được bầu vào tháng 12/2015, Chủ tịch HĐQT mới của Eximbank là ông Lê Minh Quốc, thành viên độc lập không nắm giữ bất cứ một cổ phiếu nào. Còn ông Lê Văn Quyết vừa chính thức được bầu làm Tổng giám đốc Eximbank.

Chia sẻ với Tiền Phong trước thềm đại hội cổ đông 2016, một đại diện Eximbank cho biết Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc đang cố gắng nỗ lực chấp nhận thà “đau một lần” rồi khỏe còn hơn cứ mãi sống chung với nợ xấu, bệnh tật, minh bạch sẽ là con đường sống còn của chúng tôi.

Trước những tin đồn về việc có thể sẽ có thêm đại diện của một nhóm cổ đông bổ sung HĐQT khóa tới, Ban lãnh đạo Eximbank cho rằng điều này có hay không, phụ thuộc vào ý chí của cổ đông và đại hội 29/4 tới đây và HĐQT hoàn toàn tôn trọng. Quan tâm nhất của Ban Giám đốc cũng như toàn thể CBNV Eximbank lúc này là tập trung vào việc cải tổ để từng bước đưa Eximbank vào quỹ đạo phát triển bền vững.

Tin từ Eximbank cho biết đến cuối quý I/2016, tổng tài sản của Eximbank đạt 123.263 tỷ đồng, huy động vốn đạt 101.165 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt 500 tỷ đồng. Trong quý này, Eximbank tiếp tục hạch toán phân bổ đầy đủ các khoản chi phí dự phòng rủi ro để phản ánh đúng kết quả hoạt động. Ban lãnh đạo Eximbank cũng cam kết sẽ luôn minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Theo Khánh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM