EVFTA: Hành trình gần 16 năm từ ý tưởng đến hiện thực

09/06/2020 08:38 AM | Xã hội

Từ ý tưởng được thai nghén tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM 5) năm 2004, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã trải qua hơn 1 thập kỷ đám phán với nhiều thử thách trước khi được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 5/6/2020- ngưỡng cửa cuối cùng để bước vào thực thi.

Tháng 7/2004, Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM 5) kết thúc tốt đẹp tại Hà Nội, đánh dấu vị thế đang lên của Việt Nam trước thềm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thành công của "sự kiện chính trị lớn nhất mà Việt Nam đăng cai trong hơn chục năm", như lời nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên, có lẽ không chỉ nằm ở con số 39 nguyên thủ quốc gia lần đầu tiên cùng hiện diện tại Hà Nội, hay 6 tuyên bố đa phương được công bố sau hội nghị. Trong 5 ngày làm việc, đã có những cuộc họp kín giữa Việt Nam và phái đoàn châu Âu, dẫn đầu bởi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) lúc ấy là ông Romano Prodi, cựu Thủ tướng Italia.

"Châu Âu là một trong những người bạn đầu tiên chia sẻ và tin tưởng ở ý chí, quyết tâm hội nhập của dân tộc Việt Nam", Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh, người năm đó đang là một lãnh đạo cấp Vụ, phụ trách mảng kinh tế tổng hợp tại Bộ Ngoại giao nhớ lại. Theo Bộ trưởng, lãnh đạo Việt Nam và châu Âu đã thảo luận và đi đến thống nhất lộ trình để tăng cường hợp tác giữa hai bên, trước hết là việc EU hỗ trợ Việt Nam gia nhập WTO và sau đó là một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai bên. Ông Trần Tuấn Anh chắc hẳn khi ấy cũng không ngờ 15 năm sau, chính ông lại là người đại diện Chính phủ Việt Nam ký vào bản hiệp định lịch sử ngày 30/6/2019. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) ngày hôm nay bước qua ngưỡng cửa cuối cùng là việc thông qua tại Quốc hội Việt Nam để chính thức có hiệu lực.

Những khó khăn tưởng không thể vượt qua

Từ ý tưởng ban đầu, mất 6 năm chuẩn bị để khái niệm EVFTA lần đầu tiên được nhắc tới chính thức trong Hội nghị ASEM 8 tại Bỉ tháng 10/2010, khi Việt Nam và EU nhất trí khởi động đàm phán.

EVFTA: Hành trình gần 16 năm từ ý tưởng đến hiện thực - Ảnh 1.

14 phiên làm việc hính thức được thực hiện trong khoảng thời gian 3 năm (2012-2015) với hàng chục nội dung được thỏa thuận. Những người tham gia đều khó chọn ra phiên đàm phán nào gay cấn nhất, bởi "phiên nào cũng căng thẳng, nếu không muốn nói là khắc nghiệt".

"Đi vào giai đoạn cuối, khi đã chuẩn bị kết thúc được những vấn đề rất khó như lao động, mua sắm Chính phủ, những tưởng chặng đường sẽ êm xuôi nhưng ngược lại, Việt Nam phải đối mặt với việc xử lý mâu thuẫn quyền lợi đan xen giữa nhiều nước lớn đang đàm phán FTA với chúng ta. Đó là thời điểm năm 2015 - cột mốc cực kỳ phức tạp và căng thẳng", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kể.

Thời điểm này, Việt Nam đang đồng thời đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, sau này là CPTPP), cũng như đi vào chặng nước rút của các FTA với Nga hay Hàn Quốc. Chỉ riêng TPP và EVFTA, cách tiếp cận nhiều vấn đề, trong đó có chỉ dẫn địa lý của Mỹ và EU, đã rất khác nhau.

"Các nước lớn luôn nhìn xem chúng ta mở cửa cho đối tác khác ra sao? Việt Nam đứng trước áp lực cực kỳ cao vì phải tính toán cân bằng lợi ích các nước, chỉ cần lộ một chút thông tin về ý định ưu đãi nhiều hơn cho nước nào đó thì chắc chắn gặp phải sự phản ứng gay gắt", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Sau nhiều nỗ lực, hai bên cơ bản thống nhất kết thúc đàm phán vào năm 2015, tuy nhiên đến năm 2017, việc ký kết vẫn chưa thể diễn ra, thậm chí đứng trước nguy cơ đàm phán lại các nội dung liên quan đến đầu tư. Nguyên nhân đến từ tranh cãi về FTA mà EU đã ký trước đó với Singapore, khi nhiều ý kiến trong khối cho rằng các điều khoản (đặc biệt liên quan đến đầu tư) thuộc thẩm quyền chung giữa liên minh và các nước thành viên, nên Ủy ban châu Âu (EC) không có quyền tự ký kết.

Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) sau đó phán quyết tách FTA mà EU đã ký ra làm 2 phần riêng biệt, gồm thương mại tự do (có thể do EC phê chuẩn) và một thỏa thuận riêng rẽ về bảo vệ đầu tư (phải được thông qua tại tất cả các nước thành viên). Phán quyết này đồng thời cũng được áp dụng với các FTA mà khu vực này đang đàm phán, bao gồm cả hiệp định với Việt Nam.

Quá trình tách hiệp định thành EVFTA và EVIPA kéo dài đến tận năm 2018 và theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thành viên đoàn đàm phán, nó không chỉ đơn thuần là thao tác kỹ thuật mà có mối ràng buộc rất chặt chẽ với nhau "như một cặp song sinh".

"Trong hiệp định thương mại có những nội dung liên quan đến đầu tư, ví dụ như đầu tư trực tiếp, còn trong hiệp định đầu tư lại có nội dung liên quan đến hiệp định thương mại như bảo hộ, mở cửa thị trường... Một nhà đầu tư muốn mở nhà máy ở Việt Nam thì điều kiện gia nhập thị trường được dẫn chiếu theo EVFTA, còn những điều khoản khác liên quan đến đầu tư lại điều chỉnh theo IPA", vị này lấy ví dụ.

Hiệp định lịch sử sau đó còn bị thử thách một lần nữa ở chặng cuối, giữa bối cảnh toàn cầu hóa ở nhiều nơi có xu hướng chững lại, thậm chí đổi chiều. Đây cũng là thời điểm EU dành ưu tiên cao nhất hoàn thành Brexit, đồng thời là năm cuối trong nhiệm kỳ 2014-2019 của Nghị viện châu Âu.

2 tuần trước ngày ký kết, EU vẫn tiếp tục bổ sung những quan ngại của 3 nước thành viên. Việc này đã đẩy hiệp định vào tình thế khó hoàn tất trước khi Rumani kết thúc vai trò Chủ tịch luân phiên EU, nghĩa là các thủ tục thông qua phải bắt đầu lại.

Ngay lập tức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công Thương sang châu Âu và mang theo bức thư có chữ ký của người đứng đầu Chính phủ. Những động thái này cùng với các chuyến thăm châu Âu liên tiếp trước đó của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với nội dung xuyên suốt là thúc đẩy quá trình ký kết đã giúp hai bên đi đến lễ ký lịch sử ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.

"Quãng thời gian đàm phán 9 năm là rất dài nhưng so với các hiệp định tự do tương tự mà EU đàm phán đến 20 năm mới thấy được những nỗ lực mạnh mẽ của chúng ta", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định.

Hành trình gây dựng niềm tin

Xuyên suốt quá trình đàm phán, lo ngại lớn nhất từ phía EU là việc Việt Nam không thể thực hiện những cam kết rất cao mà EVFTA và EVIPA đề ra, bởi trong quá khứ, đã có những là EU ký hiệp định nhưng đối tác sau đó không thể thực hiện.

Trao đổi với Tuổi trẻ, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết vào cuối 2015, EU từng yêu cầu nhóm phụ trách Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư (MUTRAP) làm một báo cáo gửi các nước và Chính phủ Việt Nam về những rào cản thực hiện hiệp định.  "MUTRAP đưa bản báo cáo nặng cỡ... 7kg giấy. Nó chứa đủ thứ, từ pháp lý cho tới quy định", vị này nhớ lại.

EVFTA: Hành trình gần 16 năm từ ý tưởng đến hiện thực - Ảnh 2.
Việt Nam và EU đã trải qua một hành trình xây dựng niềm tin kéo dài nhiều năm để đi đến lễ ký lịch sử ngày 30/6/2019. Ảnh: TTXVN

Theo đại diện EU, những lo ngại từ phía các quốc gia thành viên khi đó là có cơ sở, và những nhà đàm phán châu Âu đã phải lấy chính quyết tâm của Việt Nam để thuyết phục. Chẳng hạn như việc Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên chấp thuận cơ chế tài phán cho tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư thông qua Hệ thống tòa án đầu tư (Investment Court System - ICS). EU là khu vực ủng hộ cơ chế này. Trước đó, các bên thường tốn kém thời gian và tiền bạc cho trọng tài quốc tế để giải quyết cho từng trường hợp.

"Chúng tôi không nói rằng mọi thứ đều đã ổn đâu. Nhưng chúng tôi cam kết sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam, sẽ cho các anh thấy trước khi ký chứ không phải sau đó", ông Angelet kể về lý lẽ từng được đưa ra để thuyết phục những người từng do dự. Vị này cũng mạnh việc EU muốn thấy một kế hoạch hành động cụ thể từ phía Việt Nam và đã phần nào được đáp ứng với bản kế hoạch hành động được công bố tại lễ ký ngày 30/6/2019.

‘Mỗi tỷ euro hàng hóa xuất sang Việt Nam, EU có thêm 14.000 việc làm’

Khi nhắc đến tác động của EVFTA, các lợi ích của Việt Nam - nền kinh tế có trình độ phát triển thấp hơn - thường được nhắc đến. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Geert Bourgeois, thành viên chuyên trách về các thỏa thuận của Nghị viện châu Âu, bản thân EU cũng được hưởng lợi lớn về mặt kinh tế khi EVFTA được đưa vào thực thi.

Cụ thể, với việc 99% các dòng thuế được gỡ bỏ trong vòng 7 năm, tổng giá trị hàng hóa từ châu Âu xuất sang Việt Nam có thể tăng 8,3 tỷ euro mỗi năm (con số này của Việt Nam đến năm 2035 là 15 tỷ USD). "Tất nhiên với mỗi tỷ euro xuất khẩu, chúng ta sẽ có thêm 14.000 việc làm mới, với thu nhập cao cho người lao động châu Âu", ông Bourgeois tính toán, đồng thời khẳng định EVFTA là một bước đi thích hợp trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của EU.

EVFTA: Hành trình gần 16 năm từ ý tưởng đến hiện thực - Ảnh 3.
Ông Geert Bourgeois, thành viên chuyên trách về các thỏa thuận của Nghị viện châu Âu. Ảnh: Europarl

Sau Singapore và Việt Nam, hiện EU đang đàm phán FTA với một số quốc gia châu Á khác ở những giai đoạn khác nhau:

Malaysia (hai bên đang xem xét lại những lợi ích chung để tái khởi động đàm phán) Indonesia (tiếp tục đàm phán trong năm nay) Thailand (EU sẵn sàng tái khởi động đàm phán) Philippines (chưa xác định thời gian cho các vòng đàm phán tiếp theo) Myanmar (hưa xác định thời gian cho các vòng đàm phán tiếp theo) India (hai bên đang trong xem xét kết quả đàm phán)

Như vậy với những kết quả chưa rõ ràng nêu trên và việc không có bất kỳ một cuộc đàm phán chính thức nào với Trung Quốc, ông Bourgeois cho rằng việc thắt chặt quan hệ với Việt Nam - nước láng giềng với Trung Quốc và có quan hệ tốt với Mỹ - có ý nghĩa quan trọng với EU. "Với tư cách là FTA đầu tiên của nhiệm kỳ Nghị viện châu Âu mới, EVFTA sẽ cho thấy chúng tôi muốn tạo dựng những tiêu chuẩn cao hơn trên toàn cầu, thúc đẩy tạo ra việc làm và sự thịnh vượng", vị quan chức này khẳng định.

EVFTA: Hành trình gần 16 năm từ ý tưởng đến hiện thực - Ảnh 4.

Với Việt Nam, EVFTA được ví như "cao tốc quy mô lớn", giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác thương mại, đầu tư và mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, người dân. Trong 5 năm đầu thực thi, EVFTA được kỳ vọng giúp GDP cả nước tăng 2,18 - 3,25%, tương đương 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng thêm gần 43% vào 2025.

Để tận dụng được cơ hội này, Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch thực thi EVFTA trong 2020 và các năm tiếp theo, gồm 25 nhiệm vụ, trong đó việc xây dựng thông tư hướng dẫn quy tắc xuất xứ hàng hóa được trình bộ trưởng ngay trong tháng này.

Theo các chuyên gia, EVFTA có hiệu lực sẽ là cú hích to lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh như nông sản, thủy sản... Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi EVFTA còn gửi đi thông điệp tích cực rằng Việt Nam quyết tâm hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh tình hình kinh tế, địa chính trị toàn cầu đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

EVFTA: Hành trình gần 16 năm từ ý tưởng đến hiện thực - Ảnh 5.

Ngọc Hà-Bảo Linh

Cùng chuyên mục
XEM