EU định áp doanh thu trần, nặng tay thu thuế những công ty điện làm giàu trong khủng hoảng

03/10/2022 17:38 PM | Kinh doanh

Các công ty điện châu Âu đang tranh thủ ‘thời tới’ để thu lời, nhưng EU đang để mắt.

Châu Âu đang đối diện với khủng hoảng năng lượng khi Nga dần cắt giảm xuất khẩu khí đốt sang khu vực này. Giá bán buôn khí đốt và điện leo thang chóng mặt. Người dân và doanh nghiệp đang hoang mang trước những tờ hóa đơn cuối tháng. Có nhiều tranh cãi cho rằng các công ty năng lượng đang nhân cơ hội này mà thu lời trên quy mô chưa từng thấy. Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, mới đây đã phát biểu rằng ‘làm giàu trên vai người tiêu dùng như vậy là sai trái’. Bà còn đề xuất một cơ chế nhằm ‘cắt bỏ’ khoảng 140 tỉ USD lợi nhuận vượt ngưỡng từ các công ty năng lượng trên toàn liên minh.

Liên minh châu Âu (EU) đang để mắt tới hai khoản lợi nhuận vượt ngưỡng.

Thứ nhất là khoản đến từ các công ty nhiên liệu hóa thạch (như dầu, khí đốt, than) và các nhà máy lọc. Để tính toán cái gọi là ‘vượt ngưỡng’, EU sẽ lấy lợi nhuận trung bình ba năm trước của mỗi công ty làm chuẩn. Nếu lợi nhuận năm 2022 vượt chuẩn đó quá 20%, thì 1/3 của phần kể từ 20% trở lên phải được nộp cho chính phủ. Việc chọn giai đoạn tính chuẩn này đang gặp nhiều tranh cãi vì nó bao gồm cả năm 2020 và 2021. Đây là giai đoạn cầu lẫn giá năng lượng đều sụt giảm mạnh do đại dịch COVID-19. Trong tháng 4 năm 2020, giá dầu thậm chí có lúc chạm mức âm. Chính sách thuế lợi nhuận bất ngờ mà Ý vừa đưa ra trong tháng 3 năm 2022 này cũng đang gặp nhiều cản trở từ phía tòa.

Khoản lợi nhuận vượt ngưỡng thứ hai có phần phức tạp hơn. Giá điện vốn dĩ tùy thuộc vào loại năng lượng đầu vào được sử dụng trong nhà máy sản xuất. Ví dụ, đầu vào là khí đốt thì dĩ nhiên sẽ đắt hơn ánh nắng mặt trời rẻ gần như cho không. Ở châu Âu, trong số các nhà máy điện cần có để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhà máy nào có chi phí cao nhất sẽ được quy định giá điện mỗi giờ. Cơ chế này lúc bình thường thì hoàn toàn ổn, còn vào thời kỳ khủng hoảng thì chưa chắc. Giá khí đốt tăng cao tình cờ lại xảy ra cùng lúc khi sản lượng điện sụt giảm do hai nguyên nhân. Thứ nhất là do các lò phản ứng hạt nhân đóng cửa bảo trì. Thứ hai là do hạn hán mà các nhà máy thủy điện hoạt động ít hơn. Nhưng nhà máy điện chạy bằng khí đốt thì lại linh hoạt hơn và dễ lấp đầy khoảng trống nhu cầu trên thị trường nhất. Điều đó có nghĩa giá điện ở châu Âu sẽ được quyết định bởi chính những nhà máy tốn kém này. Giá điện từ đó tăng vọt và mang lại lợi nhuận chóng mặt cho cả những công ty không cần tăng chi phí đầu vào, ví dụ như các nhà máy điện hạt nhật hoặc điện gió.

photo-1663926560311

Nguồn: Economist

EU đang đề xuất doanh thu trần mà các công ty được phép mang về là 180 Euro/megawat giờ (MWh). Các nhà máy điện có tính linh hoạt và được thị trường đòi hỏi như khí đốt và than sẽ được miễn mức trần này. Doanh thu vượt trần phải được nộp cho các đơn vị vận hành lưới điện để tái phân phối, có thể dưới hình thức phát trả lại cho các hộ gia đình. Mức trần 180 Euro được coi là khá rộng rãi cho các công ty.

Chính sách thuế lợi nhuận bất ngờ của Ý đã áp mức doanh thu trần là 60 Euro/MWh đối với các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Ngưỡng này dự kiến được duy trì tới cuối tháng 5 năm 2023. Tuy nhiên, nếu giá điện vẫn sẽ tăng cao thì chính sách này sẽ vẫn còn được gia hạn.

Tham khảo từ: Economist

Thùy An

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM