EMDDI - Khóa luận tốt nghiệp trở thành "cuộc cách mạng" ngành taxi truyền thống: 1 phút là có xe, hệ thống 30.000 xe phủ 55 tỉnh, thành
Một dự án startup đầy cảm hứng, với ý tưởng khởi nguồn từ một khóa luận tốt nghiệp của nhóm giảng viên và sinh viên trường Đại học Công nghệ đã đi vào thực tiễn và thay đổi phần nào cục diện thị trường vận tải taxi ở Việt Nam.
Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã thông qua một quyết định quan trọng, làm thay đổi toàn bộ ngành vận tải hành khách đường bộ. Đó là Quyết định số 24/QĐ-BGTVT, cho phép thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử.
Quyết định này nhanh chóng tháo gỡ nút thắt pháp lý cho các hãng taxi công nghệ. Các hãng gọi xe công nghệ ngay lập tức tung hàng loạt khuyến mại giảm giá cước cực sâu. Người dùng Việt khi ấy vô cùng hào hứng khi tiếp nhận dịch vụ taxi công nghệ mới với mức giá "rẻ chưa từng thấy".
Ở bên kia "cuộc chiến", các hãng taxi truyền thống vẫn đang vận hành bộ máy thông qua lực lượng nhân sự "chạy bằng cơm" chia ca kíp với bộ đàm, mỗi nhân viên điều hành tay cầm điện thoại, tay cầm đàm, không có nền tảng công nghệ nào hỗ trợ.
Chứng kiến thế bị động và có phần bế tắc của giới taxi "truyền thống", một nhóm nhà khoa học, giảng viên tại Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu ấp ủ ý tưởng, mong muốn làm gì đó để hỗ trợ cộng đồng này. Ý tưởng bắt đầu được hiện thực hóa bằng một loạt đề tài, khóa luận tốt nghiệp, giao cho một nhóm sinh viên năm cuối. Những dòng code đầu tiên của EMDDI được viết lên từ đó.
Giảng viên Đào Kiến Quốc là một trong những thành viên quan trọng và sau này là Chủ nhiệm dự án. Ông nguyên là Phó Viện trưởng Viện CNTT, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, giảng viên CNTT trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ nhiệm dự án Đào Kiến Quốc nhớ lại, thời điểm năm 2016, khi vô tình bị đặt vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các app (ứng dụng) gọi xe đầy mới mẻ - điển hình nhất là Uber, Hà Nội đang có hơn 70 hãng taxi, hãng nào cũng nghĩ đến việc phải xây dựng một app riêng cho mình.
“Bạn hãy tưởng tượng, không người dùng nào cài trong máy điện thoại đến 10 cái app của 10 hãng taxi. Nói cách khác, công ty nhỏ làm app thì cũng không có tác dụng, vì khách hàng không biết bạn là ai cả. Đó là chưa kể tới chất lượng phần mềm, ví dụ như một hãng taxi hoạt động trên 20 tỉnh ở miền Trung, trước đó họ cũng mua ngoài một app. Nhưng mới chạy cho chưa tới 2 ngàn xe mà hệ thống thường xuyên sập”, ông Quốc nhận định.
Giải bài toán làm app riêng “tưởng không khó mà khó không tưởng”, khi phải cân đo đong đếm để vận hành hiệu quả hơn bộ máy truyền thống, làm sao giảm tối đa thời gian chờ trung bình của khách, giảm tỷ lệ từ chối phục vụ của hãng taxi, đồng thời giảm luôn tỷ lệ từ chối phục vụ của chính cánh tài xế.
Ông Quốc lý giải, thông thường, khách hàng ở mỗi khu vực nào sẽ biết rõ hãng taxi nào hoạt động nhiều ở khu vực đó. Ví dụ tại quận Long Biên, người nào biết hãng taxi Long Biên thì gần như sẽ chẳng đoái hoài gọi xe hãng khác. Vì thế mà tỷ lệ nhận cuốc xe của taxi Long Biên ở quận Long Biên sẽ cao hơn. Nhưng khi gọi bằng app riêng, nếu khách đặt xe bằng app của hãng nào, nhưng lại đứng ở khu vực không có xe của hãng đó hoạt động thường xuyên, thì tỷ lệ không có xe rất cao.
Trong quá trình nghiên cứu, đội ngũ của EMDDI cũng đã làm một thống kê, cho thấy nếu gọi bằng điện thoại – tức khách biết rõ hãng taxi ở đâu thì tỷ lệ từ chối là 30%. Nhưng nếu gọi bằng app riêng của từng hãng taxi, tỷ lệ từ chối còn lên tới 80%. Nghĩa là trong trường hợp đó, app riêng hoạt động không hiệu quả.
Kết quả này không hề khó hiểu. Nói nôm na là taxi ở Long Biên không thể chạy sang phục vụ khách ở Hà Đông. Quá tam ba bận, nếu khách hàng bị một hãng taxi từ chối vài lần, họ sẽ chán không gọi nữa. Đây là lý do chính khiến các doanh nghiệp taxi truyền thống mãi loay hoay mà không thể thành công khi xây dựng app riêng.
Nhóm của ông Quốc nhìn thấy rõ thế kẹt của các hãng taxi truyền thống. Đó là nếu giữ nguyên cách vận hành cồng kềnh của bộ máy truyền thống, họ sẽ không cạnh tranh được, trong khi nếu họ làm app riêng thì cũng chẳng mang lại hiệu quả. Lời giải của bài toán này được nhóm đưa ra bằng cách gộp tất cả các hãng vào một nền tảng chung, ai có ít xe thì nhận được ít cuốc, ai có nhiều thì nhận được nhiều. EMDDI đã ra đời như thế.
Chủ nhiệm dự án Đào Kiến Quốc nói về ý tưởng làm app EMDDI.
Ông Đào Kiến Quốc vẫn nhớ như in nỗi vất vả của một trong những hãng taxi đầu tiên mà EMDDI hợp tác. Đó là một đối tác sở hữu đội ngũ 60 nhân viên tổng đài "chạy bằng cơm”. 60 con người này làm việc chia làm 3 ca, mỗi ca 20 người. Mỗi nhân viên cầm 2 điện thoại, luôn sẵn sàng cả 2 tai để nghe máy. Sau khi nhận cuốc từ khách hàng, họ vẫn phải giữ liên lạc để tài xế gặp được khách. Bộ máy cồng kềnh đó khiến họ dù sở hữu hệ thống 700 xe, nhưng bình quân mỗi khách hàng vẫn thường phải chờ 8 phút mới được bắt đầu hành trình.
Câu chuyện đã hoàn toàn thay đổi sau khi EMDDI vào cuộc. Hệ thống của EMDDI đưa ra 3 kịch bản điều phối giúp các hãng taxi và khách hàng kết nối với nhau nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Trường hợp 1: Khách hàng đặt xe trên app EMDDI. Hệ thống EMDDI sẽ chọn xe gần nhất và thuận tiện nhất cho khách hàng, đảm bảo công bằng, không thiên vị hay ưu tiên cho bất cứ hãng xe nào.
Trường hợp 2: Khách hàng gọi cho hãng taxi A, đặt xe đi từ quán Cafe X. Quá trình vận hành sẽ được diễn ra như sau: Nhân viên tổng đài định vị và bấm điều xe, app EMDDI sẽ tự chọn xe gần nhất của chính hãng taxi A.
Trường hợp 3: Trong trường hợp 2, nếu không taxi nào của công ty A nhận thì cuốc xe đó lập tức được chuyển cả cho hệ thống Liên minh taxi Việt.
Nói về Liên minh Taxi Việt, đây được xem là tổ chức kết hợp của các hãng taxi lớn nhất cho tới thời điểm hiện tại, gồm các thành viên như Thanh Nga, Vạn Xuân, Thăng Long, VIC, Open99,... Với sự bảo trợ bởi phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh này tham vọng tạo độ phủ sóng rộng rãi tại các tỉnh thành dưới một thương hiệu đồng nhất, hợp lực cạnh tranh sòng phẳng với các hãng taxi công nghệ.
Trong một buổi hội thảo về taxi công nghệ ở Bộ Giao thông vận tải, Liên minh Taxi Việt biết đến câu chuyện của EMDDI và chủ động tìm đến đặt vấn đề hợp tác. Mối quan hệ tương hỗ khăng khít giữa 2 bên cũng bắt đầu từ đó. EMDDI trở thành cầu nối, nền tảng giúp các thành viên trong liên minh cùng chuyển đổi vào một nền tảng chung. Trong khi đó, hành trình đi tìm và thuyết phục đối tác của EMDDI cũng bớt khó khăn hơn nhiều.
Nhà sáng lập EMDDI Đào Kiến Quốc chia sẻ về cơ chế vận hành app.
Để không làm khó hệ thống cũ, đội ngũ EMDDI đồng thời nâng cấp phần mềm điều hành bằng thoại sẵn có của các hãng taxi, để hệ thống này được tích hợp trên app của EMDDI.
Ông Quốc cười tự hào khi nhớ về những thành quả đầu tiên mà EMDDI và hãng taxi kể trên đã làm được: “Sau khi có nhiều công ty tham gia vào EMDDI, thời gian chờ của khách chỉ còn 1 phút và tỷ lệ từ chối của các công ty chỉ còn 5%. Đặc biệt, họ chỉ cần 9 nhân viên điều hành tổng đài”.
Vị chủ nhiệm dự án cũng tự tin cho biết, ngay cả khi có cả ngàn hãng taxi cùng hoạt động trên nền tảng, EMDDI vẫn “cân” tốt.
“Thực ra EMDDI không viết phần mềm điều hành giống như các công ty taxi khác mà viết một cách tổng thể, với giả thiết cho hàng ngàn công ty cùng chạy. Vì thế chúng tôi phải xây dựng một hạ tầng chia sẻ rất mạnh, có khả năng mở rộng mà không gây ảnh hưởng hay gây dừng đột ngột. Từ khi ra đời đến nay, EMDDI chưa dừng một giây nào, ngay cả những lúc căng thẳng nhất cũng không dừng một giây nào”.
Hiện tại, chỉ riêng ở Hà Nội có 18 hãng taxi tham gia EMDDI, với quy mô hơn 7.000 xe. Để hình dung con số 7.000 có ý nghĩa như thế nào thì đối chiếu một số liệu khác. Theo số liệu đăng ký mà sở GTVT ghi nhận, hãng taxi công nghệ lớn nhất thị trường hiện tại có hơn 10.000 xe. Trên quy mô cả nước, EMDDI có hơn 30.000 xe đăng ký chạy, phủ khắp 55 tỉnh, thành.
Xuất phát từ một loạt đề tài khóa luận tốt nghiệp, giúp giải quyết “nỗi đau" của các hãng taxi truyền thống nên dự án EMDDI được Đại học Quốc gia coi như một “trách nhiệm xã hội”. Tuy nhiên, trường không thể cấp vốn cho startup nên đội ngũ lãnh đạo EMDDI phải thành lập một công ty cổ phần. Khi ấy, bản thân các nhà khoa học – nhà đồng sáng lập cũng phải bỏ ra lượng tiền không hề nhỏ. Đến năm 2021, EMDDI nhận vốn từ ThinkZone và một số nhà đầu tư khác.
Theo chủ nhiệm dự án Đào Kiến Quốc, nguồn vốn đầu tư chủ yếu dùng cho hai việc: tăng cường tiềm lực công nghệ, trả lương cho lực lượng phát triển và quảng cáo.
Nhưng quảng cáo tốn rất nhiều tiền, EMDDI thì không có nguồn vốn cả nghìn tỷ để “đốt". Vì thế mà startup này chọn hướng đi tiết kiệm hơn. Thời gian đầu, thay vì ngay lập tức thu phí của các hãng taxi, EMDDI đổi lấy quyền lợi khác, là được dán quảng cáo lớn trên cánh cửa xe của các hãng taxi. 1-2 xe có lẽ chẳng gây được hiệu ứng gì nhưng với quy mô hàng nghìn xe của các đối tác, câu chuyện đã rất khác.
Bản thân các hãng taxi cũng rất tích cực, tự mình quảng cáo cho app. Lado Taxi (Taxi Lâm Đồng) là một ví dụ điển hình. Thời điểm tham gia EMDDI, người dân ở Lâm Đồng không mấy ai hiểu thế nào là cài app, cũng không có nhu cầu phải biết đó là cái gì. Do vậy, đội ngũ Lado Taxi nghĩ ra cách thuê lực lượng xe ôm, đi khắp nơi, gặp ai cùng mời cài app và tặng tiền. Kết quả là họ chuyển đổi rất mạnh mẽ và nhanh.
Dù không mặn mà với chuyện vung tiền quảng cáo nhưng việc trả lương cho nhân viên lại khác. Ông Đào Kiến Quốc cho biết, chi phí cho nhân viên phát triển phần mềm không thể rẻ. Nếu chi phí chỉ kha khá thôi thì có thể mất người, đó là sức ép rất lớn cho các công ty CNTT. Trong ngành hoạt động trí tuệ này, con người là yếu tố quan trọng nhất. Con người thậm chí mang bí quyết của cả doanh nghiệp, rồi đi thành lập doanh nghiệp khác. Bạn vẫn có thể giữ được bí quyết đó nhưng vấn đề là bí quyết đó, người khác có thể làm tốt hơn vì đã nắm được hết cái hay, cái dở của mình.
“Nhưng điều này không xảy ra với EMDDI, vì EMDDI đã có mối quan hệ rất vững chắc với Liên minh Taxi Việt. Và sẽ không có một Liên minh Taxi Việt thứ hai. Bây giờ không ai làm được điều đó cả”, ông Đào Kiến Quốc tự tin khẳng định.
Ông Quốc chia sẻ, khi mới ra mắt, EMDDI có khoảng 10 đối tác. Con số này hiện đã chạm mốc 130. Và nếu đơn vị nào muốn dùng EMDDI, đội ngũ có thể set-up hệ thống trong vòng 1 giờ là xong. Nền tảng này còn cho phép công ty khai báo gần 100 yếu tố thông tin đầu vào khác nhau, để phù hợp với hệ thống đang có. Năm 2022 là thời điểm mà đội ngũ EMDDI đặt nhiều kỳ vọng, với mục tiêu phủ sóng 60 tỉnh, thành trên cả nước. Một điều may mắn khác, là những cậu sinh viên năm cuối năm xưa hiện vẫn đồng hành, gắn bó cùng các nhà khoa học, cùng EMDDI đi qua các cột mốc mới.
Ông Đào Kiến Quốc nói về khởi nghiệp.
Ngoài các đối tác là hãng taxi truyền thống, EMDDI còn có một đối tác lớn khá đặc biệt - hãng xe công nghệ Be.
Nói về mối “nhân duyên” này, ông Đào Kiến Quốc cho hay: “Gần đây Be có thêm nhiều cơ hội khi hợp tác với EMDDI. Bởi hiện nay, ngay cả những hãng xe công nghệ lớn nhất cũng mới chỉ phủ được ở vài tỉnh lớn, còn EMDDI trải 55 tỉnh”.
Vị chủ nhiệm dự án tiết lộ thêm, không chỉ riêng Be mà có nhiều đơn vị lớn hơn chủ động tìm đến và muốn hợp tác. Tuy nhiên, không phải EMDDI không sẵn sàng hỗ trợ, mà chọn hỗ trợ một đối tác cho đến nơi đến chốn.
“Mặc dù Be không phải hãng lớn nhất nhưng là một đối tác tốt bởi Be là đơn vị Việt, đã đầu tư một khoản tiền rất lớn để thu hút người dùng. EMDDI không bỏ tiền ra để làm điều đó được, Đại học Quốc gia không thể cấp tiền cho chúng tôi làm điều đó. Nhưng chúng tôi có sức mạnh tổng hợp của các doanh nghiệp. Đây là một màn hợp tác tay ba: EMDDI, Be và các hãng taxi chạy EMDDI.
Trên cương vị của hãng taxi, bạn thử nghĩ xem, khách hàng gọi qua Be mà xe của hãng mình nhận được cuốc thì mình cũng có lợi chứ. Trong khi đó, Be không có nhiều xe. Họ bán hàng rất tốt nên có được lượng khách hàng lớn, nhưng lượng khách hàng lớn mà không đủ xe phục vụ thì cũng hỏng. Cho nên Be quyết định hợp tác với EMDDI, và chúng tôi cũng chọn họ.
Đến thời điểm này, Be là đối tác tốt nhất bởi họ đủ mạnh để làm những chuyện ấy. Đó là sự hợp tác xứng đáng, vững chắc và có khả năng thành công cao. Đối với các hãng taxi, EMDDI không vì muốn tăng nhanh độ phủ mà kết nạp thêm đối tác bằng mọi giá, không chào đón những đơn vị thiếu chuẩn mực. Tại Hà Nội, dù mới chỉ có 18/77 hãng taxi tham gia, "nhưng đó là những đơn vị tử tế", ông Quốc nhận định.
Vị chủ nhiệm dự án kỳ vọng về tương lai phủ 50-70% thị phần taxi cả nước, đồng thời không giấu diếm ý định mở ra nước ngoài, dù câu chuyện chưa quá rõ ràng.
“EMDDI đang tuyển mộ các nhà kinh doanh, vì nhà khoa học không quen kinh doanh, không giỏi việc đó. Thời gian tới sẽ có rất nhiều khởi sắc”, người lãnh đạo EMDDI lạc quan vào tương lai.
Mời bạn xem thêm các số trước trong serie Khởi nghiệp 0-1:
#1 Câu chuyện khởi nghiệp của Coolmate và CEO Phạm Chí Nhu
#2 Câu chuyện khởi nghiệp của Vua Dép Lốp và CEO Nguyễn Tiến Cường