El Nino đẩy giá lương thực Châu Á tăng chóng mặt

18/05/2016 15:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Số liệu của hãng nghiên cứu CEIC cho thấy giá rau tại Trung Quốc đã tăng 22,6% trong 1 năm qua, còn ở Indonesia thì đã tăng gần 18%, ở Hàn Quốc là gần 19%.

Thời tiết khô hạn và năng nóng tại Châu Á đang đẩy giá lương thực đi lên và khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng khác bị ảnh hưởng, qua đó làm gia tăng lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế tại khu vực này sẽ bị kiềm hãm.

Số liệu của hãng nghiên cứu CEIC cho thấy giá rau tại Trung Quốc đã tăng 22,6% trong 1 năm qua, còn ở Indonesia thì đã tăng gần 18%, ở Hàn Quốc là gần 19%.

Theo HSBC, giá lương thực bình quân tại Châu Á trừ Nhật bản trong năm vừa qua đã tăng bình quân 4,8%.

Nguyên nhân chủ yếu của việc giá lương thực leo thang được cho là do tình trạng El Nino tồi tệ nhất đang diễn ra kể từ thập niên 50.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng lo lắng việc giá lương thực tăng có thể khiến người tiêu dùng chi nhiều tiền hơn cho nhu yếu phẩm và bỏ qua những mặt hàng khác, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Ngân hàng HSBC cũng cho biết mức lương của người dân không hề được tăng theo đà tăng giá thực phẩm nên người tiêu dùng buộc phải dịch chuyển cơ cấu chi tiêu cho nhu yếu phẩm.

Tại những nền kinh tế phát triển, người dân có lượng tài chính tiết kiệm cao hơn nên họ có thể chịu mức tăng giá này trong ngăn hạn. Tuy nhiên những người dân tại các thị trường đang phát triển lại nghèo hơn nên điều này sẽ ngay lập tức tác động đến tiêu dùng.

Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2015 cho thấy nhiều nền kinh tế Châu Á trước đây đã phải hứng chịu sự suy giảm trong hoạt động tiêu dùng, kinh doanh do những đợt hán hán và El Nino.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Indonesia thấp hơn 1,01% so với dự đoán sau khi El Nino diễn ra. Tăng trưởng của Ấn Độ cũng thấp hơn 0,25% so với ước tính trước đó do tác động của hạn hán.

Số liệu của IMF cũng cho thấy người tiêu dùng các nước nghèo thường chi khoảng 1/3 thu nhập cho thực phẩm và việc giá các hàng hóa này tăng ngay lập tức sẽ tác động đến thị trường tiêu dùng.

Những người nông dân do không thể thu hoạch nhiều và giảm thu nhập cũng sẽ chi tiêu ít hơn cho các các mặt hàng tiêu dùng cũng như phân bón, giống cây trồng.

Hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực không quá chú ý đến giá lương thực bởi phần lớn tỷ lệ lạm phát tại Châu Á đang ở mức thấp, thậm chí một số nước còn có dấu hiệu giảm phát.

Ấn Độ là quốc gia duy nhất tại Châu Á hiện đang cố gắng kiềm chế lạm phát. Giá đậu thường, đậu hà lan và đậu lăng, những mặt hàng thường được sử dụng tại đây đã tăng 34% trong 1 năm qua và ngân hàng trung ương nước này đang làm mọi cách để đối phó tình trạng lạm phát tăng mạnh thời gian qua.

Hiện tại tình trạng El Nino đang diễn ra tại Châu Á được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ thập niên 50, bắt đầu từ quý II/2015 và dự đoán sẽ kết thúc vào tháng 6/2016.

Trong khi đó, giá lương thực, thực phẩm đã tăng từ cuối năm 2015.

Ngoài ra, việc mùa mưa có dung lượng thấp hơn bình thường tại Australia và Đông Nam Á kèm theo mùa khô mạnh hơn tại Ấn Độ cũng gia tăng áp lực cho nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng rau quả, trái cây.

Tại Trung Quốc, một đợt lạnh ngắn vào tháng 1/2016 đã ảnh hưởng đến sản lượng rau xanh và trái cây, khiến nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu và buộc nước này phải tăng nhập khẩu các mặt hàng trên.

Tại Việt Nam, xuất khẩu cà phê đã giảm 1/3 do ảnh hưởng từ El Nino. Giá cà phê Robusta tại sàn giao dịch Luân Đôn đã tăng khoảng 20% kể từ tháng 2/2016 vì lo ngại thiếu nguồn cung.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc (UN), tình trạng tồi tệ của hiện tượng El Nino năm nay có thể khiến khoảng 60 triệu người đối mặt với nguy cơ chết đói do không đủ lương thực.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM