Đứt chuỗi cung ứng: Chỉ nối chuỗi hay phải thay chuỗi’, tạo chuỗi?

15/05/2020 17:06 PM | Xã hội

Cùng với việc ban hành chính sách, đưa ra các gói hỗ trợ… thì điểm mấu chốt là phải thực thi, hành động, đưa chính sách vào thực tiễn.

Tại buổi nói chuyện chuyên đề với nội dung “Làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau dịch Covid-19” tổ chức ngày 15/5, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề: Covid-19 làm “đứt chuỗi” hay đóng vai trò “kích phát”, cộng hưởng? Sau Covid-19, kinh tế thế giới có tiếp tục “đứt chuỗi”? Có phải chỉ “nối chuỗi” trở lại hay phải “thay chuỗi’’, “tạo chuỗi”?

Với các phân tích “trong nguy có cơ” nhưng “trong cơ có nguy”, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, với một nền kinh tế tuy là điểm sáng tăng trưởng trong bối cảnh có dịch thông qua những kết quả được Ngân hàng thế giới (WB) thống kê bằng con số so sánh với nhiều nước. Cũng cần nhìn nhận thực tế, tuy là điểm sáng nhưng tiềm lực kinh tế của Việt Nam còn yếu, mở cửa rộng, hội nhập sâu… cho nên khi đối mặt với đại dịch Covid-19 - thảm họa toàn cầu, thì nền kinh tế Việt Nam cũng bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức.

 Đứt chuỗi cung ứng: Chỉ nối chuỗi hay phải thay chuỗi’, tạo chuỗi?  - Ảnh 1.

Tọa đàm: Cần làm gì để kinh tế Việt Nam phát triển sau đại dịch? (Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị)

Theo TS. Trần Đình Thiên, phải kiểm điểm cho đúng sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam sau chống dịch  ở cả 3 chủ thể: ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp và người dân/người lao động, việc làm. Ngân sách không tốt thì sao? Doanh nghiệp yếu thì thế nào? Và sức chống chịu của người dân ra sao, nếu việc làm mà không khôi phục được thì ảnh hưởng như thế nào đến sức chống chịu của người dân?…

Với những câu hỏi đặt ra, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, với 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, do không kết nối được vào chuỗi nên “nguy’’ lại chính là “cơ” khó chết, không chết chùm và dễ phục hồi,  nhưng lại khó “bình thường mới”.

Vấn đề đặt ra là với nguồn lực ngân sách hạn chế thì “cứu” DN to hay cứu DN nhỏ? Nên dành nguồn lực cứu trợ để cứu DN cũ hay dành cơ hội cho DN khởi nghiệp? Cụ thể, Chương trình cứu trợ nền kinh tế trong điều kiện ngân sách Nhà nước yếu, năng lực giải ngân thấp (thủ tục/sợ phạm luật), trước nhu cầu trỗi dậy, cơ hội thoát dịch sớm, có cần/nên cứu đại trà không?

Với nỗi lo lớn nhất là nếu nhiều DN lớn chết sẽ dễ “vỡ” ngân hàng, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, cùng lúc làm 2 việc, đó là cứu “ông lớn” để đứng dậy và cứu DN khởi nghiệp để tạo ra sự bứt phá.

“Thứ nhất, phải cứu những ông lớn để đứng dậy; Thứ 2, cần dành nguồn lực ít ỏi của đất nước để hỗ trợ cho những DN khởi nghiệp, để có sự thay máu. Đây là lúc đưa ra chính sách, cung cấp nguồn lực tốt nhất để tạo nền tảng… Điểm nữa là đầu tư công. Nhà nước nên tập trung ngay vào việc giải ngân đầu tư công, lo bơm ngân sách để cứu nền kinh tế, dành nguồn lực cứu trợ DN, với nguyên tắc (chi tiêu ngân sách nịnh chu kỳ thế giới) lúc nền kinh tế tốt thì thu ngân sách tốt nhưng chi tiêu ít đi. Nhưng khi nền kinh tế khó khăn thì nên tung tiền ra để cứu. Hiện nay, giải ngân đầu tư công còn tồn đọng hàng mấy trăm nghìn tỷ, khủng khiếp. Nếu mà rải được cái này ra thì nền kinh tế tăng được dư lượng máu, khu vực tư nhân sẽ phát triển, được rất nhiều việc”, TS. Trần Đình Thiên nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, nên coi dịch Covid-19 như một cơ hội lịch sử bởi 4 lý do: một là để thoát khỏi tư duy cũ, những trói buộc cũ. Hai là tiến vượt để “đuổi kịp thế giới” và “đi cùng thời đại”. Thứ 3 là cơ hội để thoát khỏi sự phụ thuộc, thậm chí là lệ thuộc (ở cả đầu vào và đầu ra) và  thứ  tư là cơ hội vươn lên “đẳng cấp mới”, không chỉ ở tiếp cận và có được công nghệ mà còn là ở cấu trúc thể chế.

Ông Phạm Xuân Hòe - chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng thống nhất cao việc tập trung nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp và cho rằng, điều quan trọng là thực thi, hành động.

“Tôi cho rằng, phải làm sao để đưa được tinh thần chống dịch vào thực tế ứng cứu nền kinh tế, có DN có chia sẻ nếu chỉ có nói thôi thì cuối cùng cũng chỉ là... nói. Vì thế, cần phải thành lập một tổ đặc nhiệm giải thoát nền kinh tế  từ ở cấp Thủ tướng cho đến các chính quyền địa phương và tất cả mọi thông tin của DN đều phải đẩy qua mạng, một cửa thôi, hoàn toàn làm được. Cho nên, Thủ tướng Chính phủ cần phải quyết liệt trong câu chuyện này.  Có 3 gói chính, một là gói từ ngân sách hỗ trợ 62.000 tỷ và cho vay 16.000 tỷ với lãi suất 0đ để cứu công nhân, giãn bảo hiểm và giãn thuế  và thứ 3 là gói cơ cấu lại từ phía ngân hàng. Chỉ có 3 gói đó thôi. Vấn đề là phải phân biệt được DN nào ảnh hưởng 10%-30%, 30-50%, 50-80% và trên 80%.. cứu kiểu gì… gói nào, vào đâu, nếu không cứ theo kiểu mập mờ theo cơ chế của chúng ta thì có doanh nghiệp, đối tượng được cả 3 gói nhưng cũng có doanh nghiệp lại không tiếp cận được gói nào, chết vẫn hoàn chết”, ông Phạm Xuân Hòe chia sẻ.

Cũng theo ông Phạm Xuân Hòe, doanh nghiệp - nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn cũng đồng nghĩa không có tài sản thế chấp. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho cả doanh nghiệp cũng như ngân hàng. Bởi “không phải ngân hàng không hỗ trợ doanh nghiệp mà vấn đề là ai sẽ là người đảm bảo hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp”.

Về vấn đề vay vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, động lực cho khởi nghiệp hậu đại dịch, ông Hòe cho rằng, Chính phủ nên sử dụng chính sách cho thuê tài chính, có thể lên đến mức 80% tài sản đó, doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra khoảng 20%, nhưng cùng với các cam kết vay vốn, phải có những quy định hết sức chặt chẽ về các tiêu chuẩn, môi trường./.

Theo Nguyên Long

Cùng chuyên mục
XEM