Đường Hoa Lài, Hoa Sữa đã là gì, Sài Gòn sắp có cả đường tên "Gạo nàng hương", "Bưởi năm roi"...

25/02/2017 10:31 AM | Sống

Việc đặt tên đường sáng tạo không chỉ giúp bạn trẻ yêu thành phố mình đang sống hơn, nó còn góp phần quảng bá văn hóa và đặc sản ở từng vùng miền trên đất Việt đến với bạn bè quốc tế.

Bài viết " Xóm nước đen ngày ấy và chuyện 13 con đường mang tên các loài hoa" ở khu Phan Xích Long Sài Gòn sau khi đăng tải đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn đọc. Sự thay da đổi thịt của Sài Gòn sau ngần ấy thời gian, khiến ai đang sống ở mảnh đất phương Nam hiền hòa này cũng thấy lòng mình lâng lâng một xúc cảm vui sướng xe lẫn tự hào.

Yêu những con đường mang tên loài hoa đẹp như Hoa Lan, Hoa Sứ, Hoa Lài, Hoa Sữa..., hiếu kỳ vì độ dài - ngắn khác nhau của chúng, song có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: "Vì sao hội đồng thành phố chọn tên loài hoa để đặt cho đường ở khu Phan Xích Long, mà không dùng tên người như hầu hết các tuyến đường khác ở Sài Gòn?".

Dọc con đường Phan Xích Long là những con đường hoa cắt ngang và giao nhau trong phố hoa như một bàn cờ.
Dọc con đường Phan Xích Long là những con đường hoa cắt ngang và giao nhau trong "phố hoa" như một bàn cờ.

Để giải đáp thắc mắc này, chúng tôi đã liên hệ với PGS-TS Lê Trung Hoa, Ủy viên Thường trực Hội đồng Đặt tên đường TP.HCM và lắng nghe những chia sẻ của "người trong cuộc".

GS-TS Lê Trung Hoa, Ủy viên Thường trực Hội đồng Đặt tên đường TP.HCM
GS-TS Lê Trung Hoa, Ủy viên Thường trực Hội đồng Đặt tên đường TP.HCM

Ông Trung Hoa giải thích: "Ở Sài Gòn, có đến 70% con đường được đặt bằng tên người. Để tránh sự nhàm chán, hội đồng đặt tên đã quyết định thay đổi cách đặt sao cho hay và thú vị hơn. Nhiều người trong hội đồng thấy Việt Nam có rất nhiều loài hoa đẹp, tên lại hay nên mới quyết định dùng tên hoa đặt cho tên đường".

Đường Phan Xích Long nằm giữa quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh, là con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn khi hội tụ tất cả các dịch vụ ăn uống, giải trí và mua sắm cho người dân.
Đường Phan Xích Long nằm giữa quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh, là con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn khi hội tụ tất cả các dịch vụ ăn uống, giải trí và mua sắm cho người dân.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Đặt tên đường phủ nhận chuyện vì hết tên người nên mới cần dùng tên hoa thay thế. Ông nói: "Bí thì không bí đâu! Tên nhân vật lịch sử còn nhiều lắm nhưng đặt nhiều quá thì nhàm chán. Những nước như Trung Quốc hay Mỹ, họ không bao giờ lấy tên người đặt tên đường. Những con đường ở đó đều mang tên địa danh. Ví dụ đường Trường An là đặt theo tên kinh đô cũ của Trung Quốc. Hoàn toàn không có tên người".

Cuộc trao đổi với PGS-TS Lê Trung Hoa còn giúp chúng tôi khám phá ra một điều khá thú vị. Đó là sắp tới, ngoài những con đường mang tên loài hoa, khu phường 7, quận phú Nhuận sẽ có thêm những đường mang tên món ăn, đặc sản của vùng Nam Bộ.

Khu phố hoa đầy cây xanh bóng mát này sắp có thêm những con đường mới mang tên độc đáo, thú vị hơn.
Khu phố hoa đầy cây xanh bóng mát này sắp có thêm những con đường mới mang tên độc đáo, thú vị hơn.

Một trong số những cái tên ấn tượng nghe qua đảm bảo bạn sẽ nhớ ngay đó là gạo Nàng Hương, bưởi Năm Roi, bưởi Tân Triều.

"Tên lúa thì bao la, đặt không lo hết. Ở Nam Bộ có đến 2.000 loại lúa khác nhau. Hội đồng đặt tên gồm 20 người đã đồng ý xét duyệt đề xuất của tôi về việc sử dụng tên món ăn, đặc sản vùng miền đặt tên cho các con đường. Hy vọng những cái tên mới mẻ này sẽ khiến người trẻ thích thú và yêu thành phố mình đang sống hơn!", PGS-TS Lê Trung Hoa cho biết.

Việc đặt tên đường theo tên những món ăn đặc sản của vùng Nam Bộ không chỉ là một sự sáng tạo cần nhân rộng, nó còn góp phần giới thiệu đăc sản Việt Nam xuất khẩu đi các nước trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài tên các món ăn đặc sản, tên theo khái niệm như "Dân chủ", "Tự do", tên đường gắn liền với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Mỹ Sơn, Hạ Long... cũng sẽ được xem xét để sử dụng trong tương lai.

Phố "hoa" ở khu Phan Xích Long được hình thành sau ngày giải phóng. Nhưng tên đường gắn với các loài hoa chỉ được thành phố đặt cách đây chừng chục năm đổ lại. Điều làm nên sự khác biệt của tuyến đường này không chỉ nằm ở cách gọi tên con đường, "đặc sản" của khu này còn nằm ở không khí trong lành, yên tĩnh lạ thường. Nó như tách hẳn với nhịp sống phố thị náo nhiệt, bon chen bên kia con kênh "nước đen" ngày nào và sau dãy nhà lầu đối diện đường Phan Xích Long xô bồ hàng quán.

Theo Lê Ái

Cùng chuyên mục
XEM