Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất”

28/04/2021 20:18 PM | Kinh doanh

Nếu như ngày nay, sở hữu những siêu xe như Rolls-Royce, Lamborghini, Ferrari,… được xem là giàu có, thì ở thời bao cấp, nhà nào sở hữu chiếc xe đạp Thống Nhất cũng là bậc vương giả vì trị giá mỗi chiếc xe lên tới nửa cây vàng.

Việt Nam ở những năm 60 - 70 của thế kỷ trước đã ghi dấu nhiều thương hiệu nổi danh như mì Miliket, cao su Sao Vàng, kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba,... nhưng không thể không nhắc đến "huyền thoại" xe đạp Thống Nhất .

Hơn 60 năm qua, chiếc xe đạp Thống Nhất đã cùng đất nước đi qua bao nhiêu khó khăn, trải qua không ít những thăng trầm và đến nay vẫn còn in sâu trong tiềm thức, trở thành ký ức khó phai trong lòng không ít người dân Việt Nam.

Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 1.

Xe đạp Thống Nhất trên cầu Long Biên thời bao cấp. Ảnh tư liệu

Huyền thoại xe đạp Thống Nhất vang bóng một thời

Xe đạp Thống Nhất được sản xuất bởi công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là nhà máy xe đạp Thống Nhất, được thành lập vào ngày 30/6/1960. Đến tháng 9/1993, Xí nghiệp Xe đạp Thống Nhất chuyển thành Công ty Xe máy xe đạp Thống Nhất.

Đến đầu 2017, xe đạp Thống Nhất chính thức thành công ty cổ phần, trụ sở chính tại số 10B Tràng Thi, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một trong những con phố trung tâm sầm uất nhất của Thủ đô Hà Nội. Sau đó, để mở rộng sản xuất, Công ty được Thành phố giao tiếp quản thêm cơ sở 198B Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.

Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 2.

Xe đạp là phương tiện đi lại chủ yếu ở miền Bắc những năm 60 - 70 (Hình ảnh tại ngã tư Bà Triệu - Tràng Tiền - Ảnh tư liệu).

Ra đời trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước nên chiếc xe đạp Thống Nhất đã đi vào cả chiến trường với biệt danh "con ngựa sắt", vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến. Chiếc xe được đặt tên là Thống Nhất với mong ước về một ngày đất nước hòa bình, độc lập.

Năm 1965, nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp, trong đời một cán bộ, công nhân viên được mua một chiếc. Ai được phân phối sẽ kèm theo một sổ mua phụ tùng. Tuy nhiên, thực tế, xí nghiệp hàng trăm người cũng chỉ được phân phối chưa đến mười chiếc. Vì vậy, xe đạp Thống Nhất càng trở nên quý hiếm, xa xỉ

Ở miền Bắc thời bao cấp , xe đạp bắt buộc phải có số khung và thẻ đăng ký, luôn mang theo như giấy đăng ký xe máy thời điểm hiện nay nên đó là một tài sản cực kỳ lớn, giống như vật báu trong nhà và là phương tiện đi lại duy nhất của đại đa số người dân.

Khi ấy, nếu gia đình nào sở hữu cho mình chiếc xe đạp, mà lại là xe đạp Thống Nhất thì chắc chắn đó là gia đình khá giả, bởi với giá lên tới nửa cây vàng là một số tiền quá lớn đối với mức thu nhập của phần đông gia đình Việt lúc bấy giờ.

Có người được phân phối chiếc xe Thống Nhất, quý đến mức không dám đi, về treo xe lên trong nhà, hai bánh không để chạm đất, rồi phải có tấm ván để lót bánh, tránh bị mục. Xe lúc nào cũng được lau sáng bóng, tra dầu mỡ, rồi thỉnh thoảng mang ra ngắm và quay bàn đạp nghe tiếng xích líp kêu.

Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 3.

Xe đạp Thống Nhất là một tài sản lớn, đáng mơ ước của nhiều gia đình thời bao cấp.

Nguyên nhân khiến xe đạp Thống Nhất được quý như vậy là do xe được sản xuất kỹ đến từng chi tiết, chất lượng của hãng không thua kém gì những chiếc xe nhập khẩu từ Châu Âu hay Nhật Bản, cụ thể là dòng xe đạp Peugeot nhập khẩu từ Pháp cũng được xem như huyền thoại thời bao cấp.

Nhiều chiếc xe đạp Thống Nhất đã trải qua hàng chục năm cùng nhiều lần thay thế phụ tùng bảo dưỡng nhưng khung xe vẫn còn nguyện vẹn, không cần sửa chữa.

Đánh vào chất lượng sản phẩm, định vị mình là dòng xe cao cấp, bạn đồng hành của người Việt đã giúp Thống Nhất trở thành thương hiệu danh tiếng lẫy lừng lúc bấy giờ và là niềm tự hào của người dân Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước, đúng như khẩu hiệu của công ty "Nghĩ đến xe đạp, nghĩ về Thống Nhất".

Đuối sức trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với thị trường xe đạp điện

Đến những năm 90, thị trường xe đạp trở nên nhộn nhịp. Dòng xe đạp Trung Quốc giá rẻ và dòng xe Nhật "bãi" dần được lòng người tiêu dùng. Trong khi đó, bản thân xe đạp Thống Nhất lại đối mặt với những vấn đề của riêng mình như ít thay đổi mẫu mã, nên đã phải nhường thị phần cho đối thủ.

Đồng thời, việc mở cửa kinh tế cũng như việc xe máy dần trở thành phương tiện phổ biến hơn, xe đạp không còn được coi trọng như trước khiến xe đạp Thống Nhất dần mất vị thế độc tôn trên thị trường.

Đến nay, mặc dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, ánh hào quang giờ cũng đã mất, khi xe đạp chẳng còn là một tài sản có giá trị, thương hiệu xe đạp Thống Nhất vẫn còn đó nhưng đã lựa chọn những ngã rẽ mới để tồn tại.

Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 4.

Thống Nhất đã cho ra các dòng xe mới phù hợp thị hiếu người dùng như xe đạp địa hình, xe đạp thể thao có kiểu dáng hiện đại.

Trước những lựa chọn mang tính "sống còn", Thống Nhất đã quyết định cổ phần hoá vì cần một làn gió mới.

Theo đó, Thống Nhất bán 9,88 triệu cổ phần, tương ứng 41,7% vốn cho nhà đầu tư chiến lược và chào bán đấu giá 3 triệu cổ phần (12,8%) ra công chúng. Sau khi bán ưu đãi cho người lao động 119.000 cổ phần, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước giảm xuống 45%. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 237 tỷ đồng.

Trong một tài liệu chia sẻ với báo giới, Thống Nhất thừa nhận dù vẫn có tên tuổi trong làng xe đạp nhưng so với hàng ngoại thì còn khoảng cách lớn. Không còn nhiều lợi thế tại thị trường nước nhà, công ty thậm chí phải phân phối thêm các thương hiệu xe đạp nổi tiếng nước ngoài để tồn tại.

Sản lượng xe đạp tiêu thụ năm 2012 là 95.000 xe, đến năm 2014 tăng 100.000 chiếc, năm 2015 dự kiến là 120.000 xe. Tuy nhiên, doanh thu của công ty lại lao dốc. Năm 2015, doanh thu đạt 200 tỷ đồng, giảm 44,8% so với năm 2014. Nguyên nhân là do Nhà máy VIHA tách ra hoạt động độc lập nên công ty không còn hợp nhất doanh thu từ mảng nội thất xuất khẩu.

Dù đã cố gắng tập trung các dòng xe mới như xe đạp địa hình, xe đạp thể thao có kiểu dáng hiện đại, nhiều tính năng hơn để phù hợp thị hiếu người dùng song với đặc thù sản xuất xe đạp, chi phí nguyên vật liệu và nhân công quá lớn đã khiến cho lợi nhuận của Thống Nhất sa sút và ở mức rất thấp, năm 2014 giảm xuống 1,5 tỷ, năm 2016 cũng chỉ đạt 1,7 tỷ đồng.

Công ty hiện có một số dây chuyền sản xuất xe đạp như khung phuốc, sơn bột tĩnh điện, tẩy bóng điện hoá, ghi đông, hệ thống máy nén khí sơn nước tĩnh điện… đưa vào sử dụng từ những năm 2003 nhưng đến nay đã bị hao mòn nhiều.

Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 5.

Xe đạp Thống Nhất dạng phổ thông có giá từ 1.850.000 - 3.790.000 đồng. Nguồn: Thống Nhất

Sự xuất hiện ồ ạt của xe đạp điện càng khiến xe đạp Thống Nhất gặp nhiều khó khăn hơn. Dù xe đạp điện có giá cao hơn hẳn, thậm chí có nhiều chiếc ngang ngửa một chiếc xe máy (xe đạp điện Bridgestone SLI48 của Nhật Bản gần 20 triệu đồng), nhưng dòng xe này vẫn được ưa chuộng vì người dùng không phải mất sức đạp xe và cũng không bị áp những chế tài chặt chẽ như xe máy.

Nói về những khó khăn trong ngành xe đạp, Thống Nhất cho biết, do tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng trong nước khiến các nhà sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh. Hơn nữa, thị trường xe đạp Việt Nam xuất hiện thêm các nhà sản xuất xe điện được rót vốn từ các tập đoàn lớn, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị phần xe đạp.

Năm 2019, Thống Nhất bán được 33.000 xe, tăng 6% so với năm 2018 và phát triển thêm được nhiều đại lý phân phối lên thành 350 đại lý, tăng trưởng hơn 15% so với năm trước; tăng cường bán hàng online qua các kênh thương mại điện tử. Đáng chú ý, công ty sản xuất được 31.000 xe, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năng suất đạt 106 xe/ ngày.

Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 6.

Xe đạp Thống Nhất là niềm tự hào của thương hiệu Việt. Nguồn ảnh: Nguyễn Việt Dũng

Theo lãnh đạo Công ty, tình hình tài chính sau cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn. Trước đó, Công ty đã nộp hồ sơ lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vào năm 2017 để trở thành công ty đại chúng nhưng không được chấp nhận, do thiếu báo cáo tài chính năm gần nhất có kiểm toán xác nhận số vốn thực góp.

Tới năm 2020, Công ty chưa hoàn thành việc quyết toán cổ phần hóa và bàn giao số liệu từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần nên chưa xác định chính xác được phần vốn của nhà nước.

Chính vì vậy thời gian đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của Công ty sẽ phụ thuộc vào quá trình quyết toán cổ phần hóa và bàn giao số liệu từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Sức hút từ "đất vàng" biến Thống Nhất không chỉ là "đế chế" có mỗi xe đạp

Với mức độ cạnh tranh gay gắt và lợi nhuận quá thấp của thị trường xe đạp, Thống Nhất đã phải mở rộng ngành nghề kinh doanh mới sang nhập bán xe đạp ngoại, đồ nội thất và bất động sản nhờ sở hữu quỹ "đất vàng" Hà Nội.

Cụ thể, doanh nghiệp góp vốn vào Công ty TNHH VIHA Thống Nhất chuyên sản xuất đồ nội thất xuất khẩu. Cộng thêm lợi thế sở hữu và có hợp đồng thuê gần 30.000m2 "đất vàng" ở Hà Nội nên dù được biết đến là thương hiệu "vàng son" của xe đạp, nhưng hiện nay, Công ty Thống Nhất lại đang tập trung phối hợp với các đối tác thực hiện các dự án bất động sản.

Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 7.

Tòa cao ốc Thống Nhất Complex gồm 2 khối nhà chung cư 25 tầng tại số 82 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội là địa điểm của Nhà máy xe đạp Thống Nhất cũ.

Sau khi di dời nhà máy xe đạp Thống Nhất, năm 2011, Thống Nhất đã liên doanh với công ty TNHH phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 17.829m2.

Dự án mang tên Thống Nhất Complex tại số 82 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, 552 căn hộ; giá nhà chung cư ở đây khoảng 30-35 triệu/m2.

Tuy nhiên, mảnh đất "đắt giá" nhất phải kể đến là trụ sở của xe đạp Thống Nhất hiện nay nằm trên khu đất 800m2 tại số 10B phố Tràng Thi, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước đây, tòa nhà này từng là trụ sở hãng xe hơi Simca "Pháp" ở Hà Nội. Sau đó, tòa nhà đã được thuê lại làm Vũ trường New Century và phải đóng cửa từ năm 2007. Sau hơn 5 năm "cửa chốt then cài", Thống Nhất đã sửa sang bên ngoài và đưa vào hoạt động.

Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 8.

Trụ sở của Thống Nhất hiện nay nằm tại khu đất vàng 800m2 tại số 10B phố Tràng Thi.


Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 9.

Số 10 Tràng Thi giờ là địa điểm trưng bày sản phẩm xe đạp Thống Nhất.

Cũng không thể bỏ qua lô đất vàng 329,7m2 tại số 10 Tràng Thi của công ty được UBND TP. Hà Nội giao cho tự quản và không thu tiền sử dụng đất từ năm 1982. Năm 2015, Thống Nhất kết hợp với Công ty cổ phần Địa ốc VIHA làm chủ đầu tư thực hiện dự án Tòa nhà văn phòng, dịch vụ thương mại tại đây.

Sau gần 5 năm bỏ không, bây giờ mảnh đất có vị trí cực đẹp ngay trung tâm Hà Nội lại có "nhiệm vụ" để hoạt động khi nơi đây đã thấy trưng biển của Công ty TNHH Một thành viên xe đạp Thống Nhất. Dù "cửa đóng then cài" nhưng nghe nói nơi đây sắp trở thành Trung tâm giới thiệu sản phẩm của thương hiệu xe đạp nổi tiếng nhất Việt Nam.

Ngoài ra, khu đất 198B Tây Sơn cũng có vị trí vô cùng đắc địa, khi nằm ở ngã tư Tây Sơn - Thái Hà được Thống Nhất thuê trả tiền hàng năm từ năm 1996, với thời hạn thuê 30 năm với diện tích 441m2.

Thống Nhất hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Liên doanh đầu tư tài chính Hòa Bình để thực hiện Dự án Khách Sạn Novotel Thái Hà gồm một khối cao 21 tầng (giai đoạn 1) và khối 9 tầng (giai đoạn 2). Dự án đã được khởi công vào năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2011.

Tuy nhiên, không rõ lý do gì, mà sau khi xây xong phần thô khối nhà 21 tầng, dự án bất ngờ bị dừng lại. Sau cả thập kỷ nằm đắp chiếu tại vị trí đất vàng Thủ đô, dự án khách sạn Novotel Thái Hà từ khối bê tông khổng lồ đã hoàn thiện.

Đuối sức trước đối thủ nước ngoài, ông lớn làm “siêu xe” bậc nhất miền Bắc ngày xưa giờ là “trùm đất” - Ảnh 10.

Dự án khách sạn Novotel Thái Hà nằm tại nút giao Thái Hà - Tây Sơn.

Ngoài các mảnh đất vàng này, Thống Nhất còn đang sở hữu 10.000 m2 tại lô A2CN3 cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ huyện Từ Liêm làm Nhà máy sản xuất. Hợp đồng thuê đất được ký vào 22/12/2008 và có thời hạn 50 năm kể từ 15/5/2008. Công ty cũng có 454,7 m2 tại số 4 ngõ 260 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, khu đất này đang chờ quy hoạch của Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư.

Theo Hải Yến

Cùng chuyên mục
XEM